Vườn quốc gia Cát Bà nham nhở vì bị ‘xâm hại’
Tại các đảo có vị trí đẹp thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà (TP Hải Phòng) đang bị một số doanh nghiệp tận dụng để xây dựng trái phép, cát cứ thành vùng riêng.
Vườn quốc gia Cát Bà nham nhở vì bị ‘xâm hại’
Tại các đảo có vị trí đẹp thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà (TP Hải Phòng) đang bị một số doanh nghiệp tận dụng để xây dựng trái phép, cát cứ thành vùng riêng.
Các công trình xây dựng trên các đảo tại khu vực vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà đe dọa đến môi trường, cảnh quan khi triển khai mà không có các đánh giá, xem xét cụ thể
Một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng
Những ngày giữa tháng 4 này, chúng tôi có dịp tiếp cận hàng loạt đảo nhỏ trong khu vực vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà.
Từ bến Bèo ra khu đảo Cát Dứa 2, đập ngay vào mắt chúng tôi là những cột thép đang được đổ bêtông dang dở. Kế sát đó là những công trình với quán bar – karaoke được xây dọc trên đỉnh một quả núi…
Đua nhau “bêtông hóa” đảo nhỏ
Ngoài khu vực nói trên, tại các điểm khác như Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng… đều bị các doanh nghiệp phân chia nhau cát cứ với danh nghĩa liên doanh với Vườn quốc gia Cát Bà để xây các dãy nhà nghỉ và các bến neo đậu tàu du lịch.
Trong vai du khách đến đặt phòng nghỉ tại khu vực bãi Nam Cát dịp 30-4 sắp tới, chúng tôi được nhân viên tại đây cho biết phòng đã hết từ vài tháng trước. Giá phòng ở đây dao động từ 1,7 – 2,1 triệu đồng/ngày.
Chỉ tay về một dãy công trình khác trên một hòn đảo nhỏ nằm cách khu vực Nam Cát vài trăm mét đi tàu, nhân viên nói trên kể khu vực đó cũng của công ty mới đầu tư xây dựng và đã có đơn vị đứng ra bao thầu trọn gói cho 25-30 khách nước ngoài đến lưu trú, nghỉ ngơi mỗi ngày.
Một quầy bar – karaoke xây dựng tại khu vực đảo Cát Dứa 2 thuộc Vườn quốc gia Cát Bà – Ảnh: TIẾN THẮNG
Tại khu vực đảo Nam Cát, doanh nghiệp tự ý xây bờ kè bê tông hóa làm thay đổi không gian tự nhiên – Ảnh: TIẾN THẮNG
Trụ bê tông xây dựng trên biển để đưa điện ra các điểm đảo có công trình trái phép – Ảnh: TIẾN THẮNG
Vừa làm vừa xin phê duyệt!
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thập, giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, thừa nhận tất cả công trình dự án xây dựng và đang hoạt động trên các đảo tại vịnh Lan Hạ đều chưa được phê duyệt xây dựng và chưa có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai.
Theo ông Thập, từ năm 1999, tại Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng dịch vụ nghỉ dưỡng ở 2 bãi tắm Nam Cát và Cát Dứa 2 với vật liệu chủ yếu là tre, nứa, lá cọ.
Đến năm 2009, vườn tiếp tục xây dựng “Đề án cho thuê môi trường để phát triển du lịch sinh thái” và “Đề án giá cho thuê môi trường” để trình UBND TP Hải Phòng nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
“Việc xây dựng đề án phát triển du lịch kéo dài nhiều năm trong khi nhu cầu thị trường đòi hỏi cấp thiết nên chúng tôi đã xin ý kiến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND H.Cát Hải cho phép tạm thời liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt” – ông Thập giãi bày.
Cũng theo ông Thập, đến nay Vườn quốc gia Cát Bà đã liên kết với 9 doanh nghiệp, trong đó có 8 đơn vị tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa hạ tầng tại phân khu phục hồi sinh thái biển.
Cụ thể, tại các khu vực như Nam Cát, Cát Dứa, Vạn Bội, Tháp Nghiêng… được các đơn vị đầu tư xây hàng chục bungalow nghỉ dưỡng, nhà nghỉ bêtông kiên cố… với diện tích quản lý được giao lên đến hàng trăm hecta.
Phần lớn các điểm đảo trong khu vực Vườn quốc gia Cát Bà, TP Hải Phòng có bãi cát trắng nhỏ xinh đều đã bị các doanh nghiệp chia nhau cát cứ, xây dựng thành khu vực của riêng mình – Ảnh: TIẾN THẮNG
Điện nước được kéo từ đất liền ra các điểm đảo để phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch tại các công trình xây dựng trái phép trong khu quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà – Ảnh: TIẾN THẮNG
Liên quan đến hàng loạt công trình sai phạm xây dựng tại Vườn quốc gia Cát Bà, ông Nguyễn Tự Trọng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng, cho biết vấn đề này cũng đã được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49, Bộ Công an) làm việc với lãnh đạo vườn quốc gia và lãnh đạo sở để nắm bắt thêm thông tin.
“Hiện nay sở đang thu thập các tài liệu liên quan để làm rõ các công trình sai phạm nêu trên nên tạm thời chưa thể cung cấp thông tin cụ thể được” – ông Trọng nói.
Ông Trọng cho biết thêm thời điểm trước tháng 8-2017, Vườn quốc gia Cát Bà được giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng phụ trách quản lý. Tuy nhiên, từ sau thời điểm đó đến nay đơn vị này được bàn giao về UBND TP trực tiếp quản lý.
Trao đổi thêm với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo TP Hải Phòng phụ trách lĩnh vực cho biết ngay khi được giao phụ trách vào năm 2016, ông đã chỉ đạo và có văn bản yêu cầu Vườn quốc gia Cát Bà thanh lý các hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp.
Hàng loạt dãy nhà nghỉ trên các đảo được xây dựng trái phép, hoạt động công khai từ nhiều năm nay – Ảnh: TIẾN THẮNG
Khu vực bãi cát với những dãy nhà tại khu vực Nam Cát này được nhân viên phục vụ thông báo chỉ dành cho khách nước ngoài do đã được bao thầu từ trước – Ảnh: TIẾN THẮNG
Chuyển hồ sơ cho Công an Hải Phòng điều tra
Hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đang điều tra vi phạm về việc quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đối với nhiều cán bộ liên quan.
Theo đó, khi chưa có “Đề án phát triển du lịch sinh thái” được UBND TP Hải Phòng phê duyệt thì tại nhiều khu vực đảo đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP cùng lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà tự triển khai việc ký kết liên doanh với nhiều doanh nghiệp để xây dựng, đầu tư hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch trên 14.000m2 đất rừng và 150ha mặt nước.
Sự việc được C49 (Bộ Công an) điều tra, thu thập các tài liệu và chuyển Công an TP Hải Phòng xử lý theo thẩm quyền.
Các cơ quan tố tụng TP Hải Phòng đã họp đánh giá chứng cứ thu thập được và đánh giá đây là vụ án phức tạp vì diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều cán bộ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hải Phòng và Vườn quốc gia Cát Bà qua các thời kỳ.