Chung cư trong hẻm: Quy hoạch và thực tế “vênh” nhau
Đề cập vấn đề ““Nhốt” chung cư trong hẻm”, các cơ quan chức năng nhận định là do quy hoạch và thực tế “vênh” nhau và Nhà nước chưa có tiền để mở đường theo quy hoạch.
Chung cư trong hẻm: Quy hoạch và thực tế “vênh” nhau
Đề cập vấn đề ““Nhốt” chung cư trong hẻm”, các cơ quan chức năng nhận định là do quy hoạch và thực tế “vênh” nhau và Nhà nước chưa có tiền để mở đường theo quy hoạch.
Do hẻm nhỏ nên đường ra vào chung cư Mỹ Đức (P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên bị kẹt – Ảnh: Hữu Khoa |
* Ông Lê Vinh (giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội):
Bất cập từ thực hiện quy hoạch
Hầu hết các chung cư nằm sâu trong hẻm là những dự án cải tạo hoặc xây dựng nhà ở riêng lẻ, thuộc các lô đất xen cài giữa khu dân cư, không trực thuộc các khu đô thị vốn được xây dựng đồng bộ về nhà ở, khuôn viên, hạ tầng về mọi mặt.
Thông thường để được cấp giấy phép xây dựng, các công trình này phải được cơ quan chức năng chấp thuận về các phương án kiến trúc, thỏa thuận phòng cháy chữa cháy…
Có trường hợp chung cư xây trước, sau đó hàng loạt nhà ở riêng lẻ xung quanh “mọc” lên ồ ạt vây kín và bịt các lối thoát của chung cư, biến các khu chung cư này thành “ốc đảo”.
Rõ ràng chiếu theo luật không thể cấm việc người dân xây dựng một cách hợp pháp các ngôi nhà xung quanh.
Ngoài ra, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn “vênh” nhau một khoảng cách rất xa.
Trong quy hoạch chung cư có đường tiếp cận nhưng nhiều nơi công trình xây dựng xong và đưa vào sử dụng từ lâu nhưng hạ tầng giao thông xung quanh vẫn chưa thực hiện bởi chủ đầu tư công trình và chủ đầu tư xây đường khác nhau.
Khi trình hồ sơ để hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng công trình, các chủ đầu tư đều kèm phương án đảm bảo về chức năng sử dụng đất, phương án kiến trúc, các phương án về giao thông, cấp thoát nước, điện…
Nếu chiếu theo quy hoạch tại khu vực có công trình xây dựng (đã được công bố rộng rãi) thì các điều kiện đều đáp ứng được. Do đó cơ quan quản lý về quy hoạch không thể từ chối.
Để khắc phục được tình trạng này, theo tôi, một mặt tiếp tục xây dựng quy hoạch sát với thực tiễn hơn, chính quyền địa phương phải giám sát chặt việc xây dựng các công trình.
Mặt khác cần khuyến khích xã hội hoá khi cải tạo hoặc xây dựng các công trình đơn lẻ.
Cụ thể, khi chấp thuận cho doanh nghiệp xây dựng dự án cần đi kèm kêu gọi họ đầu tư kinh phí để cải tạo, xây dựng đường, hạ tầng xung quanh luôn.
Sau đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác thu hồi vốn từ các công trình trong khu vực họ đã đầu tư xây dựng.
* Lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM):
Chưa có tiền để mở đường
Theo quy hoạch 1/2.000 của khu vực thì cả chung cư Mỹ Phước và Mỹ Đức (Q.Bình Thạnh) đều có nhiều đường giao thông kết nối với bên ngoài.
Hai chung cư này đều nằm cạnh các con rạch và có một phần căn hộ giải quyết tái định cư cho dân sống ven kênh rạch.
Hiện nay, quy hoạch mạng lưới đường giao thông đi qua chung cư Mỹ Phước vẫn còn hiệu lực, tuyến đường Phan Chu Trinh đi qua giữa chung cư này còn được bổ sung thêm đường trên cao.
Chủ đầu tư đã làm đường phía trong dự án nhưng chưa kết nối được với bên ngoài vì Nhà nước chưa có nguồn lực để làm phần đường còn lại.
Dọc các tuyến quy hoạch hiện giờ nhà dân san sát, kín đất, muốn làm đường phải có nguồn tiền lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng mà ngân sách hiện nay còn hạn chế.
Chúng tôi được biết từ nay đến năm 2020, Nhà nước cũng chưa có kế hoạch thực hiện các tuyến đường qua chung cư Mỹ Phước nói riêng và các tuyến đường đi qua P.2 nói chung.
Đối với chung cư Mỹ Đức, phần chung cư trong hẻm hiện tại chỉ là giai đoạn 1 của dự án.
Nhà nước đã điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích dự án, xoá “treo” cho dự án giai đoạn 2 nên có nhiều phần hạ tầng, trong đó có đường giao thông, chưa thực hiện được. Vì vậy nên mới có tình trạng chung cư trong hẻm tại dự án này.
Trong thực tế, nhiều chung cư có tình trạng tương tự như hai chung cư trên. Nguyên nhân do việc xây dựng công trình và hạ tầng của khu dân cư không đồng bộ.
Tuy nhiên, khi phê duyệt dự án thì các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát nạn sự cố, hạ tầng giao thông… đều đã được các cơ quan chức năng thẩm định thông qua.
UBND quận sẽ thực hiện các giải pháp trước mắt như tuần tra, tuyên truyền để người dân hai bên hẻm không lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán, giữ hẻm thông thoáng để giảm khó khăn cho những phương tiện lưu thông ra vào chung cư, trang bị kiến thức kỹ năng xử lý tại chỗ và phòng cháy cho người dân để hạn chế thấp nhất các tai nạn cháy nổ…
UBND quận cũng sẽ nghiên cứu mở rộng một số tuyến đường để cải thiện phần nào việc đi lại của người dân.
* Thiếu tướng Hoàng Quốc Định (giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội): Không cấp phép nếu không đảm bảo PCCC Theo quy định hiện hành, các công trình xây dựng buộc phải tuân thủ đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC. Trong đó, ngoài việc áp dụng trực tiếp cho các toà nhà như họng nước, chuông báo, tủ cứu hoả, vòi chữa cháy… còn quy định chiều rộng đường giao thông để tiếp cận toà nhà chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. Trong hồ sơ để cơ quan chuyên môn cấp phép xây dựng cho công trình cũng phải có thoả thuận về tiêu chuẩn, giải pháp PCCC. Có những công trình không đảm bảo điều kiện nói trên có thể do ban đầu xin cấp phép xây dựng dạng nhà ở riêng rẽ nhưng về sau lại chuyển đổi mục đích sử dụng như kinh doanh dịch vụ, cho thuê, bán căn hộ… Bên cạnh đó, còn có lý do là quá trình điều chỉnh quy hoạch, đô thị hóa, xây dựng lấn chiếm mà lối thoát hiểm, PCCC bị thu hẹp hoặc chặn lại… Tôi khẳng định hiện nay nếu chủ đầu tư nào muốn xin xây dựng toà nhà hàng chục tầng với hàng trăm căn hộ nhưng lại nằm trong con hẻm nhỏ không đảm bảo PCCC thì sẽ không được cấp. |