Bắt đầu đập bỏ Thương xá Tax để xây cao ốc
Sáng 12-10, toà nhà thương xá Tax tại Q.1, TP.HCM bắt đầu được đập bỏ toàn bộ để chuẩn bị mặt bằng xây công trình mới có 40 tầng cao mang tên Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza.
Bắt đầu đập bỏ Thương xá Tax để xây cao ốc
Sáng 12-10, toà nhà thương xá Tax tại Q.1, TP.HCM bắt đầu được đập bỏ toàn bộ để chuẩn bị mặt bằng xây công trình mới có 40 tầng cao mang tên Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng khách sạn Satra Tax Plaza.
Không gian sảnh, cầu thang của Thương xáx Tax sẽ được bảo tồn. Ảnh: Tư liệu |
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên Satra, chủ đầu tư dư án này có cuộc họp vào sáng 11-10 để báo cáo kế hoạch bảo tồn các hạng mục theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Sảnh chính, cầu thang, lầu 1 sẽ “như cũ”
Theo ông Đoàn Hoài Minh - Phó Tổng giám đốc Satra, cụm nội dung được bảo tồn tại Thương xá Tax bao gồm hai phần. Bên ngoài công trình gồm: bảng hiệu thương xá Tax; mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng (đặc biệt chú ý ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ).
Còn phần bên trong công trình cần bảo tồn gồm: không gian sảnh chính, tức không gian thông tầng với yêu cầu ít nhất là 2 tầng; cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan can bằng đồng có các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.
>>Xem clip các hạng mục bảo tồn: con gà ở chân cầu thang, sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn, các đầu cầu thang trạm trổ:
Nội dung bảo tồn các phần kiến trúc có liên quan đến gạch mosaic ở sảnh chính, gồm hai thảm gạch mosaic ở lối vào và cầu thang khảm gạch mosaic.
Có 4 phương án bảo tồn được đề xuất, sau khi cân nhắc, chủ đầu tư chọn phương án bảo tồn: Bóc tách toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí, các lối vào và lắp đặt lại trên kết cấu mới.
Như vậy, khi xây mới tòa nhà thương xá Tax, sảnh chính và cầu thang cũng như không gian lầu 1 sẽ được duy trì “như cũ”. Các mảng gạch mosaic ở nền trệt, ở cầu thang sẽ được bóc ra, đưa đi lưu giữ theo đúng tiêu chuẩn bảo tồn, và sẽ lắp đặt lại theo đúng kích cỡ, vị trí của công trình mới.
Cầu thang men lam thương xá Tax – Ảnh chụp năm 2014 của Nguyễn Xuân Tuấn Anh |
Đã bóc xong gạch mosaic và các phần kiến trúc cần bảo tồn
Ông Đoàn Hoài Minh cho biết việc tìm kiếm giải pháp kỹ thuật bóc tách gạch mosaic sao cho không bị hư hỏng, cũng như bảo đảm số gạch bóc ra vẫn được sử dụng đúng công năng là cả vấn đề nan giải.
Một vấn đề đặt ra là trong quá trình bóc gỡ, chắc chắn có một tỷ lệ gạch mosaic bị hư hỏng cần thay thế. Mà gạch này có từ thời Pháp, nay không thể tìm lại được đúng mặt hàng với chất liệu xưa. Giải pháp được Satra dự kiến chọn là dùng gạch sản xuất tại Việt Nam.
Thực ra, từ cuối tháng 6 đến 15-9 vừa qua, công đoạn bóc dỡ gạch mosaic và các phần kiến trúc cần bảo tồn đã được thực hiện xong. Ông Minh lý giải sở dĩ phía đầu tư “lẳng lặng” tiến hành công việc này vì một phần bị áp lực từ dư luận. Nay, công việc bóc dỡ đã hoàn tất.
Gạch mosaic tại Thương xá Tax được bóc tách cẩn thận. Ảnh: Tư liệu |
Thảm gạch mosaic tại nền sảnh thương xá Tax sẽ được bảo tồn. Ảnh: L.Điền chụp lại tư liệu |
Ông Minh cho biết đơn vị thi công phần việc này là Bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch Sử, Trường đại học KHXH&NV TP.HCM đã làm thật tốt. Đặc biệt là với sáng kiến đục âm vào bên dưới nền để bóc tách các mảng gạch mosaic thay vì tiếp cận bằng cách cắt từ bên trên đã giúp bảo toàn được ở tỷ lệ cao các mảng không bị gãy, vỡ.
Như vậy, theo phương án thiết kế cho đến nay, có thể hình dung tại vị trí Thương xá Tax đến năm 2020 (thời điểm hoàn thành công trình), sẽ toạ lạc một toà nhà đồ sộ với 6 tầng hầm, 6 tầng bệ đế, 40 tầng cao. Tại đó, 3 tầng đầu của phần bệ đế sẽ được duy trì một phần kiểu dáng của Thương xá Tax cũ, các công trình bảo tồn cũng sẽ được tái hiện lại ở đây.
Dù đồ án thiết kế toà nhà đang chờ thông qua, phía Satra cũng cho biết sau khi hoàn thành, tầng hầm thứ 2 của toà nhà sẽ kết nối với nhà ga Metro, và sân thượng có sân đậu máy bay trực thăng.
Người dân TP.HCM chụp hình lưu niệm giây phút cuối cùng tại thương xá Tax (Ảnh chụp lúc 13g ngày 25-9-2014) – Ảnh: H.NHƯ |
>>Xem clip: Ngày cuối cùng Thương xá Tax đóng cửa 25-9-2014:
Phía Satra ghi nhận toà nhà Tax đã gắn với các giai đoạn của lịch sử kiến trúc Sài Gòn, mỗi thời kỳ có một tên gọi, ngay từ khi khánh thành năm 1924, toà nhà có biển hiệu GMC (Grands Magasins Chaner), đến đầu những năm 1960, tên GMC được đổi thành “Thương xá Tax”. Sau năm 1975, toàn bộ tòa nhà thuộc sự quản lý của UBND TP.HCM. Từ năm 1978, là Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố. Năm 1981, đổi tên thành Cửa hàng bách hoá tổng hợp thành phố, thuộc sự quản lý của Sở Thương nghiệp. Năm 1997, là Công ty bán lẻ Sài Gòn thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và từ năm 1998 được đổi lại tên là Thương xá Tax. Ngày 25-9-2014, Thương xá Tax tại TP.HCM chính thức đóng cửa để chuẩn bị mặt bằng cho công trình Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng khách sạn Satra – Tax Plaza. Ban quản lý Thương xá Tax làm buổi tiệc nhỏ chia tay tiểu thương khu thương xá này. |