02/11/2024

Thấy xả rác kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, 47,5% người mặc kệ

Theo kết quả khảo sát, có đến 47,5% người dân sống dọc hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa (Bình Thạnh, TP.HCM) khi thấy người khác xả rác xuống kênh nhưng cũng mặc kệ và cho đó không phải là chuyện của mình.

 

Thấy xả rác kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, 47,5% người mặc kệ 

Theo kết quả khảo sát, có đến 47,5% người dân sống dọc hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa (Bình Thạnh, TP.HCM) khi thấy người khác xả rác xuống kênh nhưng cũng mặc kệ và cho đó không phải là chuyện của mình.

 

 

 

Thấy xả rác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 47,5% người mặc kệ 
Vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Một kết quả khảo sát cho thấy thái độ thiếu tích cực, thờ ơ của người dân trong việc bảo vệ môi trường tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đây là một vấn đề đáng lo ngại.

TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm tạo cảnh quan đẹp cho thành phố và bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn nước tại kênh bị ô nhiễm.

Hiện tượng cá chết, rác thải, nước kênh có đoạn bị đổi màu vẫn còn nhìn thấy tại kênh. Bên cạnh đó, có nhiều người dân vẫn đến đây câu cá, dù hai bên bờ kênh có biển báo cấm đánh bắt cá.

Việc bảo vệ môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đòi hỏi sự góp sức từ nhiều phía, trong đó thái độ tích cực của người dân trong việc bảo vệ môi trường đóng góp một vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, giữa năm nay, khi chúng tôi khảo sát 400 người dân sinh sống dọc hai bên đường Trường Sa và Hoàng Sa thuộc địa bàn Q.Bình Thạnh và phỏng vấn sâu 20 người để tìm hiểu thái độ của người dân trong việc bảo vệ môi trường kênh, kết quả lại cho thấy một thực trạng đáng lo ngại: phần lớn người dân còn thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường, nguồn nước, cảnh quan của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Theo kết quả khảo sát, người dân khi thấy người khác xả rác xuống kênh nhưng cũng mặc kệ và cho đó không phải là chuyện của mình chiếm tỉ lệ cao nhất với 47,5%.

Trong khi đó, tỉ lệ người dân lập tức nhắc nhở người xả rác chỉ chiếm 29,8%. Lo ngại hơn là tỉ lệ người dân sẵn sàng báo với các cơ quan chính quyền khi thấy người khác xả rác chỉ chiếm 5,8%.

Điều này cho thấy mối liên hệ giữa người dân và chính quyền trong việc cùng nhau bảo vệ môi trường tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè còn mờ nhạt. Người dân vẫn nghĩ rằng việc này là của Nhà nước, không phải việc của mình.

Tương tự như vậy, khi nhìn thấy người khác đánh bắt cá tại kênh, 46,5% người dân cho biết không quan tâm đến việc này và chỉ có 17,3% nói rằng họ sẵn sàng lên tiếng nhắc nhở. Khi thấy người khác tiểu tiện, phóng uế xuống kênh thì có đến 58% cho biết không phải chuyện của mình, chỉ có 16% lập tức nhắc nhở và 8% báo cho cơ quan chính quyền.

Tìm hiểu vì sao người dân lại có thái độ thờ ơ trong việc bảo vệ môi trường, chúng tôi nhận được nguyên nhân chính là họ sợ bị phản ứng – trả thù (như bị chửi mắng hoặc bị hành hung). Trong đó, tỉ lệ sợ bị phản ứng trả thù khi nhắc nhở người xả rác chỉ có 28,3%, nhưng với hành vi đánh bắt cá tại kênh thì tỉ lệ đến 40,3%, còn với hành vi phóng uế xuống kênh thì tỉ lệ lên đến 54,6%.

Một người dân cho biết: “Tôi cũng thấy nhiều người lạ xả rác xuống kênh nhưng không dám nhắc, nhắc sợ bị họ đánh. Ở đây đã có trường hợp như thế rồi”.

Thiết nghĩ, phần lớn người dân có thái độ thờ ơ như vậy vì họ không có quyền lực và không được giao quyền để thực hiện việc này. Bên cạnh đó, chẳng ai muốn chuốc hoạ vào thân, lỡ như những người xả rác, câu cá, phóng uế quá khích chửi mắng, hành hung thì ai sẽ bảo vệ họ?

Tạo tự tin cho người dân

Thành phố sẽ không thể đạt được mục tiêu cải tạo môi trường nếu không có sự chung tay góp sức của người dân. Do vậy, cần có giải pháp khuyến khích người dân tố giác với chính quyền những ai vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Có thể lập các tổ tự quản với nòng cốt là những người dân sinh sống tại khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trao quyền nhắc nhở cho họ để họ tự tin làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Các cơ quan chính quyền khi nhận được tin báo phải nhanh chóng đến giải quyết, giúp người dân tin tưởng vào sự tích cực của chính quyền.

Việc lập các chốt bảo vệ cố định và tăng tần suất kiểm tra của bảo vệ là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân, giúp người dân tự tin hơn trong việc chung tay với Nhà nước bảo vệ môi trường nơi đây.

THS NGUYỄN DUY HẢI 
và nhóm sinh viên cộng sự 
(ĐẠI HỌC VĂN HIẾN)