Ăn món “đặc biệt” để trẻ lâu
Món gì đặc biệt, ăn để trẻ lâu? Tiến sĩ – bác sĩ Trần Bá Thoại, uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, cho rằng rau quả là thứ rất đặc biệt, có rất nhiều chất chống oxy hoá cho cơ thể.
Ăn món “đặc biệt” để trẻ lâu
Món gì đặc biệt, ăn để trẻ lâu? Tiến sĩ – bác sĩ Trần Bá Thoại, uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam, cho rằng rau quả là thứ rất đặc biệt, có rất nhiều chất chống oxy hoá cho cơ thể.
Rau quả xanh bán nhiều tại các chợ – Ảnh: T.T.D. |
Cần hết sức lưu ý thành phần rau quả trong chế độ ăn vì ăn rau trái có tác dụng phòng các bệnh lão hóa và ung thư. Rau quả với hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hoá cao sẽ giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hoá và ngăn ngừa sự phát triển ung thư |
Tiến sĩ bác sĩ TRẦN BÁ THOẠI |
Rau quả tươi rất quan trọng cho sức khoẻ, ông bà ta thường nói “đói ăn rau, đau uống thuốc” nhưng dường như rau quả bị bỏ quên khá nhiều trong nhịp sống ngày nay.
Dinh dưỡng ra sao?
Rau quả là nguồn cung cấp quan trọng các loại vitamin cho cơ thể, nhất là vitamin C, B1, B2, PP…, chất khoáng kali, canxi, magne, mangan. Các chất này cần thiết để trung hoà các thức ăn có tính axit làm cân bằng độ “chua” trong cơ thể. Rau quả cấp chất sắt cho cơ thể để góp phần tạo ra hồng cầu chống thiếu máu.
Một số rau quả có tinh dầu và mùi vị đặc biệt như gừng, hành, tỏi, ớt… đều có mùi thơm cay có tác dụng kích thích tiết dịch tiêu hoá giúp tiêu hóa thức ăn, ngoài ra chúng còn có tác dụng sát khuẩn chống rối loạn tiêu hoá.
Những loại rau quả có màu đỏ như đu đủ, cà rốt có nhiều vitamin A giúp tăng cường thị lực. Rau quả có màu xanh đậm có nhiều chất lutein và zeaxanthin giúp giảm thoái hoá võng mạc.
Rau xanh giúp tăng hấp thu chất đạm qua đường tiêu hoá vì khi ăn thịt kèm với rau xanh thì tỉ lệ hấp thu chất đạm sẽ tăng cao hơn 20% so với chỉ ăn thịt đơn thuần.
Ăn rau quả lợi gì?
Nghiên cứu do Đại học Harvard tiến hành cho thấy ăn rau quả tăng dần từ từ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Ăn nhiều rau quả cũng giảm “mỡ xấu”.
Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế có khuyến cáo “Chế độ ăn nhiều rau quả tươi có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư ruột già, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng, ung thư vòm họng, ung thư thận”.
Các nhà nghiên cứu Đại học Illinois xác định chất flavonoid và gen đặc biệt trong bông cải xanh (broccoli) sẽ kiểm soát sự tích tụ các hợp chất phenolic nên giảm nguy cơ bệnh mạch vành, đái tháo đường type 2, hen suyễn và ung thư.
Chất chống oxy hoá có rất nhiều trong các loại trái cây và rau quả, đặc biệt là trái cây đầy màu sắc và các loại rau xanh như bông cải xanh, rau bina, các loại hạt và trà xanh.
Trà xanh có chất chống oxy hóa được nghiên cứu rất kỹ trong vài thập kỷ qua. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Murcia, Tây Ban Nha và Trung tâm John Innes (JIC) ở Norwich, Anh đã cho thấy chất EGCG có trong trà xanh ngăn chặn tế bào ung thư phát triển bằng cách gắn vào một enzym đặc biệt. Hơn nữa, EGCG cũng là một chất flavonoid mạnh nhất giúp cơ thể chống lại các bệnh bệnh tim mạch.
Rau xanh giàu chất xơ, giúp ngừa sâu răng vì trong rau xanh khi nhai kỹ có thể làm loãng chất carbohydrate bám dính trên răng, hạn chế vi khuẩn, làm sạch răng miệng; kích thích dạ dày tiết dịch vị và tăng nhu động ruột, gia tăng tiếp xúc giữa thức ăn và dịch tiêu hoá, có lợi cho hệ tiêu hoá hấp thu thức ăn và bài tiết chất thải.
Chất xơ có nhiều trong táo, cam, quít, bưởi, cây họ đậu, hành tây, măng tây, chuối. Tại ruột già, chất xơ hoà tan còn được lên men tạo thành các acid béo chuỗi ngắn (SCFA) rất có lợi cho ống tiêu hoá vì làm tăng cường hệ miễn dịch và tăng chất nhầy với các chất kháng khuẩn ngay tại ruột giúp bảo vệ ruột già ít bị viêm nhiễm; ngoài ra còn giúp giảm độ pH của ruột già giúp hạn chế tạo ra khối u trong ruột.
Một số loại rau quả có tác dụng như “thuốc giảm mỡ” là cà chua, ớt vàng, rau ngót, cần tây, tỏi, bắp chuối, chanh, cam, quýt, bưởi, táo chín, trà xanh giúp điều trị và phòng bệnh gan nhiễm mỡ.
Các loại rau quả giúp giảm nguy cơ ung thư: các loại rau cải có màu xanh đậm (cải xanh, cải ngọt…); bông cải trắng, bông cải xanh, cải bó xôi, cần tây; khoai lang, đậu đen, đậu đỏ; cà chua, cam, quít, lê, nho, dâu, mãng cầu xiêm; tỏi, gừng, nghệ vàng. (Nguồn: Positivemed, MD Anderson Cancer Center) |