Ai thấy “hố tử thần” gọi ngay 1022
Sau những cơn mưa vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM liên tục xuất hiện “hố tử thần”. Nguyên nhân ban đầu được nhận định do các khiếm khuyết của những công trình ngầm.
Ai thấy “hố tử thần” gọi ngay 1022
Sau những cơn mưa vừa qua, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM liên tục xuất hiện “hố tử thần”. Nguyên nhân ban đầu được nhận định do các khiếm khuyết của những công trình ngầm.
Nhân viên cầu đường khắc phục “hố tử thần” tại giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ – Tô Ký, Q.12 (TP.HCM) sáng 3-10 – Ảnh: LÊ PHAN |
Trong đó có thể kể “hố tử thần” (sâu 4 – 5m, rộng khoảng nửa mét) xuất hiện vào đêm 2-10 ngay giao lộ đường Nguyễn Ảnh Thủ và Tô Ký, P.Tân Chánh Hiệp (Q.12).
Hố này sau khi được các cơ quan chức năng đổ đá tái lập mặt đường thì sáng 3-10 lại sụp xuống 1m, rộng khoảng 4m.
Tiếp đến vào ngày 4-10, tại giao lộ Trần Huy Liệu – Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) xuất hiện một “hố tử thần” sâu và rộng khoảng nửa mét.
Cùng thời điểm, trước nhà 217 Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) cũng có một phần vỉa hè khoảng 1m2 bị sụt xuống 0,5m.
Trước đó vào sáng 4-8, trên đường Trường Sa (P.14, Q.Phú Nhuận) một mảng đường lớn bao gồm phần đường và vỉa hè rộng khoảng 49m2 bị nứt toác, sụt xuống khoảng nửa mét so với mặt đường.
Đến chiều 5-8 thì phần trũng này bị sụt xuống hẳn với độ sâu khoảng 3m, toàn bộ phần cáp điện và cáp viễn thông đi ngầm bị lộ ra… Đây là một trong những “hố tử thần khủng” mà đến nay công tác khắc phục vẫn chưa xong.
Theo ông Ngô Hải Đường – trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT TP, trước mùa mưa năm nay lãnh đạo sở đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị có công trình hạ tầng ngầm tổ chức kiểm tra để phát hiện, xử lý sớm những khiếm khuyết công trình nhằm tránh sự cố lún sụt mặt đường.
Trước tình trạng “hố tử thần” xuất hiện liên tục những ngày qua, phòng quản lý khai thác hạ tầng đang tham mưu lãnh đạo Sở GTVT có văn bản nhắc nhở các đơn vị quản lý hạ tầng về việc này.
Ông Đường cũng lưu ý khi phát hiện các sự cố về hạ tầng, trong đó có “hố tử thần”, người dân gọi báo cho tổng đài 1022.
Khi tiếp nhận thông tin, thanh tra giao thông, các khu quản lý giao thông đô thị… sẽ đến hiện trường rào chắn, điều tiết giao thông. Sau đó sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan đến khắc phục sự cố.
Thời gian khắc phục sự cố bao lâu, đơn vị nào chịu chi phí? Trả lời câu hỏi này, ông Đường cho biết tùy theo sự cố mà thời gian khắc phục nhanh hay chậm, có sự cố chỉ khắc phục vài giờ, có sự cố mất vài tháng (như “hố tử thần” trên đường Trường Sa – PV) nhưng với tinh thần sớm nhất có thể.
Theo nguyên tắc, đơn vị chủ quản hệ thống hạ tầng bên dưới sự cố sẽ bỏ chi phí khắc phục trước trong khi chờ kết luận của cơ quan thẩm quyền.
Trước đó, khi tình trạng “hố tử thần” xuất hiện nhiều trên địa bàn TP.HCM thời điểm năm 2010 – 2012, Sở GTVT TP đã mua máy georadar có chức năng dò tìm “hố tử thần”.
Hiện nay, máy georadar được giao lại cho Khu quản lý giao thông số 1 vận hành.
Việc dò tìm bằng thiết bị này như thế nào, hiệu quả ra sao? Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết thời gian qua vẫn tổ chức định kỳ dò tìm tại nhiều nơi.
Quá trình dò tìm cũng phát hiện một số khiếm khuyết của các công trình ngầm và xử lý kịp thời.