23/12/2024

Điện về trên Cù Lao Chàm

Đầu tháng 9-2016, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) đã nối lưới điện quốc gia. Người dân trên đảo, từ 
trẻ đến già đều hân hoan với “thời khắc lịch sử ” của quê mình.

 

Điện về trên Cù Lao Chàm

Đầu tháng 9-2016, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) đã nối lưới điện quốc gia. Người dân trên đảo, từ 
trẻ đến già đều hân hoan với “thời khắc lịch sử ” của quê mình.

 

 

 

Điện về trên Cù Lao Chàm
Những lớp học tù mù bằng ngọn nến như thế này giờ chỉ còn là ký ức – Ảnh: TRẦN THỊ DIỄM HƯƠNG

Từ đây, cuộc sống mới đang dần mở ra giữa xứ đảo, những cư dân nơi đây tràn trề hi vọng về một tương lai tươi sáng và sung 
túc hơn.

Thoả ước mơ

Từ Cửa Đại (Hội An), chiếc canô cao tốc chỉ mất khoảng 15 phút cưỡi sóng đã đưa đoàn khách đặt chân lên Cù Lao Chàm. Khoảng cách tưởng chừng ngắn ngủi ấy từng làm khổ người dân đảo nhiều thế hệ. Nhưng mọi thứ giờ đã khác, điện làm đảo như xích lại gần đất liền hơn, hoà cùng nhịp thở với đất liền.

Có điện rồi, mục tiêu của chính quyền và dân đảo hôm nay là làm sao giữ gìn môi trường trong sạch để phát triển du lịch bền vững

Phó chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp Phạm thị Mỹ Hương

Trên cầu tàu, gần chục chiếc canô chở đầy khách du lịch lần lượt ghé mũi thả khách. Những đoàn khách áo quần xúng xính, cười nói rộn ràng một góc đảo. Không xa nơi cầu tàu, nhóm đàn ông địa phương đang quây lại chỉ trỏ chiếc lò nướng điện mà ông Lê Duy Phương (41 tuổi), dân thôn Cấm, mới vào đất liền tậu ra.

Rồi ông Phương quyết định “đập hộp”, đọc sơ qua hướng dẫn, cắm điện, đặt con cá hồng tươi rói mới câu được vào xiên, vặn nút. Mấy dân nhậu trong quán nhanh chân gửi nướng nhờ hai con mực một nắng… “để biết cái vị mực nướng bằng điện nó khác nướng than ở chỗ nào!”.

Anh Phương cười bảo những năm trước đảo này cũng có điện, nhưng là điện từ máy nổ. Thuở anh còn bé, dân đảo góp tiền mua dầu chạy máy phát điện, sau này chính quyền xã quản lý việc ấy. Anh nói: “Đốt dầu lấy điện nên quý lắm, mỗi ngày chỉ được xài vài giờ thôi.

Dân đảo dùng thắp bóng đèn hay chạy cái quạt đuổi muỗi cho trẻ con ngủ chứ chẳng dám xài nhiều vì sợ máy phát không tải nổi. Mỗi lần có việc vào đất liền, ghé ngang cửa hàng điện máy nhìn máy giặt, tủ lạnh, điều hoà bày la liệt mà thèm, ước sao một ngày mình được xài thả ga”.

Nay ước mơ của anh đã thành sự thật. Từ ngày nghe tin đóng điện quốc gia, cả xã ùn ùn kéo nhau đi sắm hàng điện máy. Mỗi chuyến tàu chợ ra đảo chở lặc lè tivi, tủ lạnh, máy giặt. Có người trả gần 2 triệu đồng tiền điện/tháng vẫn cười hớn hở, bảo tính ra còn rẻ hơn chạy máy nổ mấy lần mà thích xài giờ nào cũng được.

Đêm xuống, cả đảo lên đèn sáng choang. Trên con đường trước cảng, hàng quán mở nhạc rộn ràng. Trong các nhà dân, người người túm tụm hát karaoke, xem tivi hay tranh thủ vá lưới, đọc sách. Khuya, tiệm làm tóc của chị Nguyễn Thị Thanh Lan (33 tuổi), thôn Bãi Ông, vẫn còn khách đợi đến lượt.

Ban ngày chị Lan đi hướng dẫn du lịch, tối về mở tiệm làm tóc kiếm thêm. Nhờ vậy, mỗi ngày chị kiếm thêm được vài trăm ngàn đồng, một khoản tiền không nhỏ với dân đảo.

Điện về trên Cù Lao Chàm
Tiệm tóc của chị Nguyễn Thị Thanh Lan làm tới khuya vẫn chưa hết khách

Điện thúc đẩy du lịch

Có điện, khách du lịch nhờ đó cũng đến ngày một nhiều hơn, cả đảo chộn rộn nương theo điện làm du lịch. Những phụ nữ trên đảo ngày trước chỉ có nhiệm vụ sinh con, trông nhà, nấu cơm cho chồng, gánh cá đi chợ bán nay xông xáo làm dịch vụ. Từ kinh doanh homestay đến làm hướng dẫn viên, phục vụ nhà hàng, bán hàng lưu niệm, chạy xe ôm… tất cả đều hái ra tiền.

Chị Lê Thị Kim Hoa (27 tuổi), trú thôn Bãi Làng, làm nghề hướng dẫn viên tự do dẫn khách tham quan Cù Lao Chàm, bảo mỗi khi có đoàn khách ra đảo là các công ty du lịch lại gọi chị. Là người bản địa nên chẳng ngóc ngách nào ở Cù Lao Chàm mà chị không biết, nhờ vậy mà khi chị thuyết minh, khách rất thích thú và tin tưởng.

Chị bộc bạch: “Dẫn một đoàn khách, công ty trả công 200.000 đồng, ngày may mắn mình có thể dẫn được vài đoàn. Làm nghề này thì ngoài tiền công còn được khách cho thêm nên thu nhập cũng khá, đủ chăm sóc gia đình”.

Bà Phạm Thị Mỹ Hương, phó chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, nói rằng trước đây gần như tất cả dân đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản thì nay nhiều người đã chuyển sang làm du lịch. Ngày cao điểm, đảo đón hơn 7.000 khách, thu nhập từ du lịch chiếm tỉ trọng đến 70% trong cơ cấu các ngành nghề. Thu nhập trung bình tính theo đầu người của dân đảo là 40 triệu đồng/năm, con số nhiều nơi ao ước.

Bà Hương cười nói: “Có điện quốc gia thì đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân được tốt hơn, dễ kêu gọi được nhà đầu tư ra đảo. Có điện rồi, mục tiêu của chính quyền và dân đảo hôm nay là làm sao giữ gìn môi trường trong sạch để phát triển du lịch bền vững”.

Tại Trường tiểu học Tân Hiệp, cô giáo Trần Thị Diễm Hương cho chúng tôi xem tấm ảnh cô chụp một lớp học vào mùa đông 2015. Trong ảnh, dưới ánh sáng tù mù của ngọn nến trên bàn học, hơn chục mái đầu học sinh chụm lại vừa đọc vừa viết.

Cô Trần Thị Tuyến (47 tuổi), giáo viên đứng lớp trong bức ảnh, nhận ra ngay đó là học sinh lớp 4 trong giờ học tiếng Việt. Mùa đông ở đây sương mù dày đặc, ngồi trong phòng học tối như hũ nút. Cô Tuyến phải cho đấu hai bàn lại, thắp nến lấy ánh sáng giảng bài. Cô Tuyến nâng niu bức ảnh, bảo đó đã trở thành kỷ niệm của 20 năm dạy học trong thiếu thốn.

TẤN LỰC – LÊ TRUNG, [email protected]