Chi triệu đô mua game show: “No nhưng chẳng bổ béo gì!”
Trước tình trạng game show, truyền hình thực tế bùng nổ trên màn ảnh nhỏ, bạn đọc Ha Hoa gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ: “No nhưng chẳng bổ béo gì!”.
Chi triệu đô mua game show: “No nhưng chẳng bổ béo gì!”
Trước tình trạng game show, truyền hình thực tế bùng nổ trên màn ảnh nhỏ, bạn đọc Ha Hoa gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ: “No nhưng chẳng bổ béo gì!”.
Hài vẫn đang chiếm ưu thế với hàng loạt chương trình trên màn ảnh nhỏ. Trong ảnh: chương trình Cười xuyên Việt trên THVL1 |
Theo thông tin từ c21media.net, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu format (định dạng) nước ngoài nhiều nhất khu vực châu Á năm 2015. Không chỉ nhập nhiều mà còn nhập nhanh, đến mức có những format còn trên giấy đã được đặt mua.
Năm 2016, chỉ tính riêng khung giờ buổi tối, đến nay THVL1 có đến 27 game show phát sóng. Chưa kể những chương trình cũ đang phát sóng, năm nay HTV cũng ra mắt một loạt món mới như Căn hộ trong mơ, Tuyệt chiêu siêu diễn, Biến hóa hoàn hảo, Giải mã cơ thể, Siêu bất ngờ, Siêu hài nhí… Mới lên sóng VTV3 có The Face, Thần tượng âm nhạc Việt Nam nhí, Con biết tuốt…
Còn VTV9 có Ai tỏa sáng, Tài năng DJ, X-show, Siêu mẫu nhí… Hầu hết chương trình đều mua từ nước ngoài.
Chi triệu đô mua bản quyền
Chương trình truyền hình thực tế dành cho những ai yêu thích thiết kế nội, ngoại thất Căn hộ trong mơ (Việt hóa từ chương trình The Apartment đình đám thế giới bốn năm qua) vừa lên sóng vào tháng 9 trên HTV7 treo giải cho người thắng cuộc lên đến 1 tỉ đồng.
Nhưng tiền thưởng bạc tỉ đó chẳng thấm vào đâu so với con số 2 triệu USD (khoảng 45 tỉ đồng) mà nhà sản xuất bỏ ra để mua bản quyền, đưa format này về Việt Nam.
Trước The Apartment, những chương trình thành công khắp thế giới như Idol hay Next top model cũng có giá bản quyền khoảng 2 triệu USD. Còn những game show hay chương trình ít ăn khách hơn thì giá khoảng 30.000 – 40.000 USD.
“Nhưng khi lên sóng mà ăn khách thì giá mua cho năm sau có khi sẽ tăng 15 – 20%” – một nhà sản xuất tiết lộ. Những con số “bí mật” này cũng có thể thay đổi tuỳ theo đơn vị sản xuất mua ít hay nhiều format.
Nếu mua sỉ, mua nhiều năm liền thì số tiền sẽ rẻ hơn so với mua lẻ từng chương trình hay ký hợp đồng theo từng năm một.
Mua cả “format giấy”
Không chỉ săn lùng chương trình ở các “cường quốc game show” như Anh, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore…; giờ đây Việt Nam tiếp tục mở rộng địa bàn tìm mua đến tận Nam Mỹ như Mexico (Người hóa thân số 1 lên sóng hôm 17-9 trên THVL1) và nước lân cận như Thái Lan (Kỳ tài thách đấu – vừa lên sóng HTV7 ngày 18-9), Trung Quốc (Sing my song – Bài hát hay nhấtđang chuẩn bị lên sóng VTV).
Việt Nam cũng là nước “mua nhanh, làm lẹ”. Nếu như trước đây Công ty CATS tự hào X-Factor (Nhân tố bí ẩn) vừa xuất hiện một năm là Việt Nam đã mua về thì giờ đây Đông Tây Promotion loan tin Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á sở hữu format Lipsync Battle (Kỳ phùng địch thủ).
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có phiên bản The Apartment (Căn hộ trong mơ) địa phương, trước cả những quốc gia có nền giải trí lớn như Mỹ, Indonesia, Thái Lan…; là nước đầu tiên ở châu Á mua bản quyền Out of control (Con biết tuốt).
Nhưng những cú “mua nhanh, làm lẹ” đó không còn là chuyện lạ. Nay các nhà sản xuất chương trình truyền hình Việt còn chạy nhanh đến chóng mặt.
Có nhà sản xuất còn mua luôn cả những “format giấy” (tức là những nội dung được các đơn vị sáng tạo nội dung quốc tế viết ra nhưng chưa từng sản xuất) như chương trình Sensational (Tuyệt đỉnh giác quan, đã lên sóng năm 2015), Hidden voices (Giọng ải giọng ai, dự kiến lên sóng ngày 5-11 trên HTV7) và Little but special (Biệt tài tí hon, dự kiến lên sóng ngày 1-1-2017 trên VTV3).
Ông Đỗ Văn Bửu Điền – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Điền Quân Media, đơn vị sản xuất cả ba chương trình mua từ “format giấy” nói trên – chia sẻ: “Mua format giấy về làm khá rủi ro nhưng cá nhân tôi thấy thích thú vì không bị cạnh tranh. Thua thì thôi nhưng thắng thì sẽ thắng lớn!”.
Thể loại “thi nhái” đang được các nhà đài ưa chuộng sau thành công từ Gương mặt thân quen. Trong ảnh: Bạch Công Khanh hóa thân thành NSND Bạch Tuyết diễn trích đoạn cải lương Kiều Nguyệt Nga trong đêm chung kết Gương mặt thân quen mùa 4 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Hết nhái qua hài
Trước tình trạng game show, truyền hình thực tế bùng nổ trên màn ảnh nhỏ, bạn đọc Ha Hoa gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ: “No nhưng chẳng bổ béo gì”.
Và thực tế quả là… chẳng bổ béo gì thật bởi mua nhanh, làm lẹ nhưng các nhà sản xuất vẫn thích chọn món ăn quen thuộc.
Hôm 17-9, Người hoá thân số 1 (phiên bản gốc mua từ Mexico) lên sóng THVL1, tiếp tục cho thấy thể loại “thi nhái” vẫn tiếp tục có chiều hướng tăng sau những thành công từ Gương mặt thân quen.
Theo trailer quảng cáo, chương trình hứa hẹn hấp dẫn, bất ngờ. Nhưng với những gì đã phát sóng, chương trình khó mà như lời hứa bởi các tiết mục biểu diễn đều xếp vào loại thường thường và nhất là chuyện bắt chước nghệ sĩ đã không còn mới mẻ, thậm chí là nhàm chán khi chuyện thi thố “bắt chước” này đang là mốt của màn ảnh nhỏ Việt hiện nay.
Chương trình Người hùng tí hon. |
Sơ sơ có thể kể tên: Ngày 25-9, Ca sĩ giấu mặt - thi hát bắt chước giọng nghệ sĩ- mùa 2 lên sóng THVL1. Gương mặt thân quen vừa mới kết thúc trên VTV3 thì HTV7 tung Biến hoá hoàn hảo, rồi VTV9 có chương trình Ai tỏa sáng?.
Và ngay bây giờ, trên HTV7, có đến hai chương trình thi hát nhép giả giọng nghệ sĩ là Kỳ phùng địch thủ và Tuyệt chiêu siêu diễn. Còn VTV3 vừa ra mắt Gương mặt thân quen nhí – mùa 3.
Đáng nói hơn, hài vẫn đang chiếm ưu thế với hàng loạt chương trình: 1.001 độ hót, Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt, Diêm vương xử án, Làng hài mở hội, Danh hài đất Việt, Thách thức danh hài, Hội ngộ danh hài, Ơn giời cậu đây rồi!…
Và ở bất cứ nội dung thi thố nào, dù là thi ca hát hay thi tài năng, thì “mùi” hài đều có mặt ở mọi lúc mọi nơi với sự đồng lòng tham gia của thí sinh, giám khảo, MC…
Có điều, tiêu tốn không ít tiền để sản xuất hoặc mua chương trình về nhưng “thành quả” chỉ toàn cười nhàm cười nhảm thì đúng là chuyện phải bàn.