23/12/2024

“Tôi không ủng hộ dùng từ cấm ôtô hay xe máy”

Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

 

“Tôi không ủng hộ dùng từ cấm ôtô hay xe máy”

 Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ

 

 

 

“Tôi không ủng hộ dùng từ cấm ôtô hay xe máy”
Theo ông Khuất Việt Hùng, không cấm xe cá nhân mà cần quản lý chỗ đậu xe, từ đó sẽ kiểm soát được phương tiện đi vào thành phố. Trong ảnh: Ôtô đậu trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM gây cản trở giao thông – Ảnh: CHÂU ANH

Theo ông Hùng, cần phải tạo ra môi trường để người dân lựa chọn phương tiện phù hợp cho chuyến đi của mình và không ủng hộ dùng từ cấm.

Ông Hùng nói: “Tôi không ủng hộ dùng từ cấm dù đó là ôtô hay xe máy. Theo tôi, chỉ nên quản lý các xe cá nhân này một cách chặt hơn để người tham gia giao thông được lựa chọn những gì tiện nhất cho mình”.

Không cấm, chỉ quản lý…

* Khi bàn về nguyên nhân kẹt xe, người đi bộ nói tại xe máy, người đi xe máy nói tại ôtô cá nhân, người đi ôtô cá nhân thì nói tại xe taxi, và không ít người nói do xe buýt. Ông nghĩ là do loại xe nào?

-Không giống như những ngành khác khi bàn giải pháp, ví như vệ sinh thực phẩm hay y tế thì cần có những chuyên gia mới có đủ tự tin để lên tiếng, với giao thông thì tất cả những người tham gia giao thông đều có thể trở thành chuyên gia. Và ai cũng sẽ thấy mình đúng.

Nghĩa là, tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông đều có thể là nguyên nhân gây ra những bất cập về giao thông hiện nay. Nhưng đương nhiên, lỗi không phải tại vỉa hè, xe máy, ôtô hay taxi mà lỗi tại người điều khiển các phương tiện đó.

* Nhưng trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay không thể mở rộng hơn, đường tàu điện ngầm hay xe buýt trên cao chưa thể thực hiện ngay được, theo ông thì nên làm sao, nếu không cấm bớt một số xe đi vào thành phố?

– Tôi không thích từ cấm. Cần tạo ra một môi trường giao thông để người dân lựa chọn phương tiện nào cho phù hợp với chuyến đi, công việc của mình, chứ không phải là buộc người dân đi cách này hay cách kia bằng việc cấm phương tiện của họ.

Ví như chuyến đi này thì phù hợp với xe máy, công việc kia thì cần phải đi ôtô, chuyến khác có thể đi xe buýt. Từ mục tiêu đó, phải có cách để quản lý phương tiện và phát huy sao cho hiệu quả trong điều kiện cơ sở hạ tầng đang như hiện nay.

* Quản lý phương tiện theo hướng nào?

– Có rất nhiều giải pháp, như trước đây đặt vấn đề thu phí xe đi vào nội thành. Nhưng tôi cho rằng giải pháp đó không khả thi, quản lý chỗ đậu xe mới khả thi. Từ quản lý đậu xe, sẽ kiểm soát được phương tiện đi vào thành phố.

“Tôi không ủng hộ dùng từ cấm ôtô hay xe máy”
Ông Khuất Việt Hùng – Ảnh: Quang Định

Mở đường cho vận chuyển công cộng

* Theo ông, làm cách nào để quản lý được các chỗ đậu xe?

– Muốn kiểm soát được chỗ đậu xe, cần phải thống kê xem toàn thành phố có bao nhiêu chỗ đậu, trừ chỗ đậu cho lực lượng công ích còn lại bao nhiêu diện tích dành cho xe cá nhân? Con số này người dân phải nắm được.

Sau đó, hãy để cho thị trường điều chỉnh phí đậu xe: thứ nhất, chia theo khu vực, ở những khu vực có mật độ dân số càng cao, giá đất càng đắt thì giá đậu xe càng phải cao; thứ hai, tính phí vào giờ cao điểm; và thứ ba, tính thời gian gửi xe.

Đối với diện tích công cộng đậu xe được như lòng đường, bãi đậu công cộng, cơ quan nhà nước… cũng phải quản lý để phục vụ nhu cầu đậu xe cá nhân, kể cả cán bộ công chức. Không thể có chuyện vô lý như cán bộ nhà nước đi ôtô thì có bãi đậu xe của cơ quan, còn người dân đến cơ quan này làm việc phải trả phí, thậm chí còn không có chỗ để xe mà phải đi tìm chỗ đậu ở ngoài và trả mức giá cao.

* Nghĩa là quản lý luôn bãi đậu của các cơ quan nhà nước?

– Đúng vậy. Cần khảo sát tất cả những nơi có khả năng đậu xe của các cơ quan để quản lý. Trừ những chỗ dành cho xe công, còn lại những chỗ khác đều đưa vào thị trường để người dân cũng được sử dụng. Tình trạng chỗ đậu phải được cập nhật thường xuyên để người dân biết mà lựa chọn chuyến đi cho phù hợp. Việc cập nhật không khó, vì công nghệ có sẵn, chúng ta có làm hay không mà thôi.

* Nhưng việc quản lý cả chỗ đậu xe của cơ quan có vẻ không ổn, vì cơ quan đó có chỗ đậu là phục vụ cho công việc của cơ quan?

– Tôi nghĩ rằng ngoài những chỗ đậu xe cho xe công thì tất cả các chỗ còn lại phải thực hiện đấu thầu, và cán bộ công chức nhà nước hay người dân cũng có cơ hội đậu xe như vậy với mức phí ngang bằng. Nếu anh có tiền đủ để đậu xe cả ngày ở cơ quan thì cứ đi xe, còn nếu không lo đủ chi phí thì lựa chọn phương tiện khác.

Ngay Bộ GTVT, mới đây bộ trưởng cũng nói rằng cần phải cho đấu thầu bãi đậu xe trong cơ quan bộ. Và cán bộ công chức của bộ cũng chịu phí đậu xe như người dân đến làm việc.

Hiện nay, không chỉ có những nơi đậu xe trong cơ quan, mà còn nhiều nơi ngoài đường có thể kẻ vạch đậu xe thì mức thu phí rất thấp: 10.000 đồng/lượt, muốn đậu bao lâu thì đậu. Đây chính là một cách trợ giá cho đậu xe. Trong khi ở Q.1 (TP.HCM) tại tầng hầm một số toà nhà, phí đậu xe lên tới cả 100.000 đồng/chỗ. Do phí cao vậy nên người ta rất cân nhắc khi đi ôtô đến những t nhà này.

Khi quản lý được chỗ đậu xe như vậy thì người tham gia giao thông sẽ phải lựa chọn phương tiện phù hợp cho mình. Từ đó mới có thị trường cho dịch vụ vận tải công cộng như xe buýt.

* Nhưng hiện nay xe buýt chưa được lựa chọn nhiều vì chất lượng không cao?

– Đừng lo chuyện đó, khi làm tổng thể thì sẽ tạo ra một thị trường cho dịch vụ vận tải công cộng: xe buýt sạch sẽ, chạy nhanh, đáp ứng được nhu cầu của tất cả những người sử dụng phương tiện này chứ không phải như tư duy về xe buýt hiện nay dành cho người nghèo và sinh viên. Khi có giá tương xứng với dịch vụ thì ai cũng có thể lựa chọn xe buýt cho chuyến đi của mình. Còn người nghèo, sinh viên có chính sách trợ giá riêng.

* Để thực hiện các giải pháp như ông đề cập thì lộ trình sẽ thế nào?

– Nếu chuẩn bị và tuyên truyền từ bây giờ, có thể từ năm 2017 bắt đầu thực hiện. Hà Nội đã thí điểm nhiều phố đi bộ rồi, đây là một cách để Hà Nội kiểm tra nhiều vấn đề: bãi đậu xe, tình hình buôn bán, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của người dân quanh khu vực đó, dần dần sẽ mở rộng ra nhiều tuyến phố khác.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các giải pháp này cần phải tính đến sự góp sức của truyền thông cùng những thủ tục hành chính và các phương án cụ thể.

Giảm taxi trên đường

Theo ông Khuất Việt Hùng, taxi chạy đầy đường vì được quản lý bằng bộ đàm. Chỉ một cuộc điện thoại báo từ tổng đài có thể có đến năm chiếc xe chạy đến một điểm gọi. Kết quả là chỉ có một xe có khách, bốn xe không đón được khách nên lại chạy tìm khách mới.

Nếu quản lý taxi giống như Uber, Grab hiện nay thì chỉ có xe nào ở gần nhất chạy đến thôi, và những xe khác không phải chạy nữa. Như vậy, lượng taxi trên đường đương nhiên sẽ giảm. Cả xe ôm cũng thực hiện như vậy thì đảm bảo sẽ bớt đi rất nhiều xe trên đường.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện