23/12/2024

Vì một cuộc đời mới sẽ tái sinh

Khi nhắm mắt xuôi tay, ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Nhưng khi còn sống nếu biết hiến dâng, cho đi một phần thân thể là sự hi sinh vô bờ bến mà không phải ai cũng có thể làm được.

 NGÀY HỘI “CHUNG TAY 
VÌ SỰ SỐNG”

Vì một cuộc đời mới sẽ tái sinh

Khi nhắm mắt xuôi tay, ai cũng sẽ trở về với cát bụi. Nhưng khi còn sống nếu biết hiến dâng, cho đi một phần thân thể là sự hi sinh vô bờ bến mà không phải ai cũng có thể làm được.

 

 

 

 

Vì một cuộc đời mới sẽ tái sinh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng hoa và trao thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho người đăng ký tại chương trình “Chung tay vì sự sống” sáng 2-10 – Ảnh: L.TH.H.

Sáng 2-10 tại Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, chương trình “Chung tay vì sự sống” do Bộ Y tế tổ chức lần đầu tiên ở TP.HCM thu hút hàng ngàn người tham dự.

Chương trình diễn ra với rất nhiều cung bậc cảm xúc, thấm đẫm tình yêu thương giữa người với người. Ai cũng cảm thấy nếu biết hiến dâng một phần thân thể sau khi chết cũng là lúc một cuộc đời, một sự sống khác được tái sinh.

Cả nhà đăng ký 
hiến tạng

Đến phút cuối của chương trình, sự xuất hiện của ba mẹ con bà Nguyễn Tài Ngân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng lá thư đầy lòng trắc ẩn của con gái bà là em Nguyễn Khánh Kim Ngân, 16 tuổi, được người dẫn chương trình đọc lên ai cũng xúc động.

Thư em gửi cho các cô chú của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối quốc gia), viết rằng qua xem tivi em mới biết có những bệnh nhân mắc các bệnh về thận, gan, mắt… nếu được ai đó cho tạng, mô để ghép thì họ sẽ được cứu sống.

Và trong một lần đi cùng mẹ vào bệnh viện, em đã rất thương khi nhìn thấy những bệnh nhân suy thận bị đau đớn, gầy còm và cánh tay bị sưng phù lên.

Khi các cô chú ở Trung tâm Điều phối quốc gia đến nhà tư vấn và mẹ, dì, cậu của em đều đăng ký hiến tạng sau khi không còn nữa thì Kim Ngân cùng hai em là Nguyễn Trần Hữu Vinh, Nguyễn Khánh Gia Ngân xin đăng ký vì “một người hiến tạng, mô có thể cứu được nhiều người, em cảm thấy rất có ý nghĩa vì khi mình chết rồi vẫn cứu được người khác”.

Do chưa đủ tuổi để đăng ký hiến tặng bộ phận cơ thể người, thế là Kim Ngân viết thư nói rằng “ba chị em sau này khi đủ tuổi sẽ đăng ký hiến tạng để cứu người”.

Bà Tài Ngân cùng em trai, em gái đã đăng ký hiến tạng và cả ba người con của bà cũng tha thiết muốn được hiến tạng như mẹ, cậu, dì của mình.

Làm công việc buôn bán nhỏ, nội trợ trong gia đình nên đứng trên sân khấu, bà Tài Ngân mộc mạc, chân chất trả lời câu hỏi “Vì sao cả gia đình sáu người đều tự nguyện đăng ký hiến tạng?” là: “Tôi thấy rằng có thể giúp ích được gì đó cho ai thì tôi làm vậy thôi”.

Câu trả lời và tấm lòng thiện nguyện của gia đình bà đã nhận được tràng pháo tay rất dài của những người tham dự chương trình.

Hàng chục ngàn người cần tạng ghép

Phát biểu khai mạc và kêu gọi đăng ký hiến tặng mô, tạng tại chương trình “Chung tay vì sự sống”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – người đã đăng ký hiến mô, tạng từ rất sớm – bày tỏ sự biết ơn những người đã hiến tặng một phần máu thịt của mình để đem lại sự sống cho những bệnh nhân suy tạng.

Bộ trưởng kêu gọi công chức, viên chức ngành y tế, các tầng lớp, giới chức xã hội, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời để cứu người bệnh.

Theo bộ trưởng, việc hiến tặng mô, tạng sẽ giúp những người suy tạng được tiếp tục sống là biểu hiện cao nhất của lòng nhân đạo, đức hi sinh.

Sự sống của người bệnh không còn chọn lựa nào khác ngoài ghép tạng đều trông chờ vào những tấm lòng nhân ái “bầu ơi thương lấy bí cùng của đồng bào mình”.

Theo bộ trưởng, tính đến ngày 15-6-2016, VN đã thực hiện được 1.361 ca ghép thận, gan, tim, tuỷ, khối thận – tuỵ và khối tim – phổi, giúp các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được vượt qua cái chết, có cơ hội sống tốt hơn.

Hiện cả nước có 16 cơ sở ghép tạng được cấp phép hoạt động, có trang thiết bị hiện đại, trình độ ghép đã tiếp cận được với quốc tế.

Tuy nhiên, nhu cầu ghép mô tạng ở VN hiện rất lớn và gia tăng nhanh, với hơn 6.000 người suy thận mãn cần thận ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người chờ được ghép giác mạc…

Theo TS.BS Trịnh Hồng Sơn – giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia, trong việc hiến mô tạng so với thế giới VN chậm khoảng 50 năm, nhưng về những kỹ thuật VN ngang ngửa với thế giới.

Năm 2010, tại một bệnh viện cùng một lúc đã thực hiện ghép mô, tạng (tim, gan, hai quả thận, hai giác mạc) từ người cho chết não cho nhiều bệnh nhân. Các bệnh nhân này đều sống và sống khoẻ đến bây giờ.

“Hiện nay thủ tục đăng ký hiến mô, tạng tuy có hơi phức tạp nhưng dù có đăng ký và được cấp thẻ hiến tạng mà sau khi mất người thân của người đăng ký không đồng ý thì cũng không có ý nghĩa gì. Vấn đề đăng ký tưởng là phức tạp nhưng thực ra rất đơn giản, đó là trong tim của mỗi người. Tôi chỉ biết bằng trái tim, nghề nghiệp của mình để nói: có rất nhiều bệnh nhân đang chờ chết và cần mô, tạng hiến của người chết não” – TS Hồng Sơn chia sẻ.

Hơn 5.300 người đăng ký hiến tặng mô, tạng

Chương trình “Chung tay vì sự sống” do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Bộ Y tế tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2015, nhằm tôn vinh những người hiến tặng, kêu gọi sự góp sức, sẻ chia sự sống của cộng đồng xã hội nhằm giúp đỡ những bệnh nhân suy tạng.

Chương trình góp phần truyền tải đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn, giá trị khoa học và đạo đức của hoạt động này.

Đến nay cả nước có hơn 5.300 người đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu giúp người bệnh. Trong đó, riêng Bệnh viện Chợ Rẫy có hơn 2.500 người đăng ký.

Tại chương trình này ở TP.HCM sáng 2-10 đã có thêm 606 người tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết.

LÊ THANH HÀ, [email protected]