Mẹo xử lý khi xe ngập nước
Xe bị ngập nước cần được chăm sóc đúng cách là khuyến nghị của các chuyên gia sau hàng loạt sự cố do mưa ngập gần đây.
Mẹo xử lý khi xe ngập nước
Xe bị ngập nước cần được chăm sóc đúng cách là khuyến nghị của các chuyên gia sau hàng loạt sự cố do mưa ngập gần đây.
Đối với xe máy
Khi đi vào vùng ngập nước sâu thì khả năng chết máy rất cao. Chính vì vậy đầu tiên cần lưu ý một số mẹo nhỏ để tránh chết máy khi “lội nước”. Với xe số, cách tốt nhất là nên giữ ở số 2 vì nếu để số 1 xe sẽ bị giật, còn số 3 hay 4 thì máy yếu rất khó đi.
Cả xe số và xe ga cần lưu ý phải giữ ga lớn và đều để máy hoạt động được ổn định liên tục nhằm đẩy hơi ra ngoài không cho nước xâm nhập vào ống xả. Khi di chuyển trong vùng ngập, người đi đường cần lưu ý giữ khoảng cách an toàn thích hợp với xe trước và tránh đi gần các loại xe ô tô, đặc biệt là xe có trọng tải lớn vì dễ bị tác động bởi sóng nước do các xe này gây ra. Khi cần giảm tốc độ cũng tuyệt đối không giảm ga mà nên dùng thắng.
Tuy nhiên nhiều người không có kinh nghiệm ứng phó nên xe cũng dễ dàng bị chết máy. Trong trường hợp này, việc người sử dụng cố gắng khởi động lại là rất khó vì thường nước đã tràn vào bu gi, xi lanh, lọc gió hoặc bộ chế hòa khí.
Trong trường hợp xe chết máy, theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn ô tô máy kéo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, muốn cho máy nổ thì phải dốc ngược chiếc xe lên như làm xiếc, cho nước trong ống pô chảy ra hết, sau đó phải kiểm tra xem nước có vô chỗ bộ lọc gió hay không. Nếu có thì khả năng nước đã vào trong xi lanh, khi đó cố đạp hoặc đề máy sẽ hư máy.
TIN LIÊN QUAN
Xe máy chìm lổn ngổn ngay trung tâm Sài Gòn sau cơn mưa ‘lịch sử’
Đến trưa 27.9, hàng trăm xe máy vẫn còn lổn ngổn chìm trong nước tại một điểm giữ xe trên đường Nguyễn Siêu (Q.1) sau trận mưa to lịch sử ở Sài Gòn vào chiều tối qua người dân loay hoay chở xe về nhà.
Cho nên khi xe bị ngập, chết máy thì tốt nhất là phải tháo toàn bộ các bộ phận của xe ra để kiểm tra, nhất là xung quanh máy, sau đó lau khô, lắp lại, thay nhớt luôn. Chưa kể bình xăng nếu nước vô thì cũng phải xả hết ra, thay xăng mới. Lúc này xe có thể khởi động và hoạt động trở lại. Xe bị ngập trong các hầm giữ xe cũng phải được xử lý như vậy.
Trong một số trường hợp nước ngập toàn bộ xe, bạn phải kiểm tra ắc quy vì nước có thể vào qua lỗ thông hơi. Khi đó phải tháo ắc quy ra, súc rửa, sấy khô, thay nước a xít. Nếu là ắc quy khô, chỉ cần kiểm tra điện áp nếu bình thường thì không sao cả.
Cách tốt nhất vẫn là đến các trạm bảo hành sửa chữa chuyên nghiệp cho thợ kiểm tra để đảm bảo an toàn.
Đối với ô tô
Ô tô là một phương tiện phức tạp nên việc xử lý như thế nào càng cần phải thận trọng. Theo chuyên gia ô tô – Th.S Nguyễn Minh Đồng, khi xe đi qua đoạn đường ngập, nếu thấy nước ngập xấp xỉ hoặc cao hơn ống pô, không nên sang số 3, số 4 mà nên chạy ở số 1 và số 2 thôi. Lúc đó vòng tua của máy mạnh sẽ đẩy nước ra được. Lúc đó cũng không nên sang số vì khi sang số, máy sẽ có tích tắc một vài giây không có áp suất đẩy ra, nước sẽ vô ống pô.
Khi xe chết máy, theo ông Đồng, lúc đó nước đã vô đầy trong ống pô, máy xe không đủ lực để đẩy nước ra ngoài, khí thải dồn ngược trở lại, làm tắt máy. Nếu tìm cách đẩy xe ra khỏi chỗ ngập, khả năng đề máy lại được nếu như hệ thống đề của xe được thiết kế nằm ở vị trí khá cao, không bị ướt dây điện.
Người lái xe cần lưu ý nếu xe số tự động, hệ thống tự động chống trượt, tự động cài cầu, tự động ổn định chống lật hoặc dẫn động 4 bánh toàn thời gian thì chỉ nên kéo xe bằng xe bàn (4 bánh không quay). Khi muốn mở cửa xe cần lưu ý tới mực nước bên ngoài, nếu nước cao hơn phần thấp nhất của cửa ra vào, tuyệt đối không được mở cửa, vì sẽ làm nước bên ngoài tràn vào làm hư các hệ thống điện tử; nếu muốn ra ngoài thì nên mở cửa sổ để thoát ra khỏi xe.
Các chuyên gia về ô tô xe máy cho biết: Ô tô chết máy do ngập nước thường rơi vào tình trạng thuỷ kích. Thuỷ kích là hiện tượng xe bị nước tràn vào đường hút gió của máy, làm xe chết máy đột ngột, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ. Do đặc tính không chịu nén của nước nên áp suất gây ra sẽ dẫn đến: nhẹ thì bị cong tay biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy, hư hỏng toàn bộ phần máy. Chi phí sửa chữa trong trường hợp thuỷ kích thường rất lớn lên đến vài chục thậm chí là vài trăm triệu phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.
Người lái xe cần lưu ý, hiện tượng thuỷ kích làm trầm trọng hơn tình trạng hư hỏng của chiếc xe nên các công ty bảo hiểm có quyền miễn trừ bồi thường và trên thực tế đã có nhiều trường hợp gặp rắc rối với hiện tượng này.
Nguyễn Trực