11/01/2025

Văn học trẻ: chức năng giải trí của văn học ở đâu?

Nhà văn trẻ Nguyễn Nhật Huy đặt vấn đề cần phải phá bỏ sự đối xử bất công đối với chức năng giải trí của văn học, bởi “văn học VN vẫn mang nặng tâm lý coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi”.

 

Văn học trẻ: chức năng giải trí của văn học ở đâu?

 Nhà văn trẻ Nguyễn Nhật Huy đặt vấn đề cần phải phá bỏ sự đối xử bất công đối với chức năng giải trí của văn học, bởi “văn học VN vẫn mang nặng tâm lý coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi”.

 

 

 

Văn học trẻ: chức năng giải trí của văn học ở đâu?
Tác giả trẻ Nhật Phi tại tọa đàm Văn trẻ, nhập cuộc và sáng tạo – Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Ngày thứ hai của Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 (29-9) tại Hà Nội với hai cuộc toạ đàm trở thành dịp các tác giả trẻ “kêu khổ”.

Nếu như trong ngày khai mạc, không khí hội nghị còn khá nặng nề thì ở hai cuộc toạ đàm hôm sau, các nhà văn trẻ đã “thoát ly văn bản” để đóng góp những ý kiến thiết thực hơn.

Tuy nhiên, dù là hội nghị nhà văn trẻ, các ý kiến trẻ còn khá rụt rè nên thời lượng dành cho các ý kiến của thế hệ nhà văn đi trước khá nhiều. Và cảm giác dường như những cây bút đi trước vẫn chưa thực sự tin tưởng để trao diễn đàn cho những người trẻ…

Nhà thơ trẻ… rụt rè?

Hơn hai tiếng đồng hồ toạ đàm Thơ trẻ – truyền thống và cách tân, dù chủ đề là Thơ trẻ – truyền thống và cách tân nhưng các nhà thơ trẻ hầu như… lạc đề.

Phần lớn các ý kiến (phát biểu trực tiếp, không có tham luận) úp mở kêu ca những nỗi khổ, nỗi khó trong đầu ra cho tác phẩm của mình, từ xuất bản đến nhuận bút hay đưa vào trường học…

“Nóng ruột” khi quá nửa thời gian trôi qua mà không có ai đi đúng vào chủ đề, nhà thơ Đoàn Văn Mật đã phải bày tỏ: “Tôi vô cùng thất vọng và buồn khi thấy người viết trẻ dường như đang lảng tránh chia sẻ những tâm sự về công việc viết, đang viết gì, cách tân đến đâu. Các bạn toàn nói đến chuyện in ấn, xuất bản – chuyện chỉ đến sau khi chúng ta có 
được tác phẩm hay”.

Trong khi đó, các nhà thơ thế hệ trước phát biểu rất nhiệt tình, sôi nổi, tập trung “nắn nót” cho các tác giả trẻ.

Nhà thơ Anh Ngọc nhấn mạnh: “Thơ cần có tính nhạc, cần sự sẻ chia”, còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc: “Thơ ca phải có cái mới, phải đưa ra được cái gì”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng nhắn nhủ: “Trong sáng tạo làm sao cho gần gũi với cuộc đời thì thơ mới đi được vào trái tim độc giả dù có tân hình thức hay hậu hiện đại thế nào đi nữa”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sau những lời “có cánh” dành cho thơ trẻ cũng lưu ý: “Không có cái gọi là kinh nghiệm sáng tác. Các bạn phải biết tiếp biến, chuyển hoá để thể hiện trọn vẹn cái tôi thẩm mỹ để tạo giá trị bổ sung chứ không phải tạo ra giá trị thay thế”.

Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì sau khi lý giải sự rụt rè của người viết trẻ tại toạ đàm có thể do truyền thống… kính lão và cho rằng đấy là “truyền thống không nên lưu giữ trong sáng tạo”, đã có rất nhiều điều “phải” gửi gắm cho thế hệ sau:

“Mỗi thời đại tự thân mang đến một sự riêng biệt, sự khác biệt nên các bạn phải trả lời được mình là ai dù thể hiện ở bất kỳ hình thức nào. Các bạn cần làm ra những vẻ đẹp mới”.

Văn chương giải trí… nhường sân cho nước bạn

Diễn ra cùng thời điểm, cuộc toạ đàm Văn trẻ, nhập cuộc và sáng tạo thu hút nhiều ý kiến của cả những tác giả trẻ, những tác giả của mảng văn học giải trí và những tác giả thuộc thế 
hệ đi trước.

Nói về sự nhập cuộc của người viết văn, nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng mỗi người có một cách nhập cuộc của riêng mình và không phải cứ đi nhiều, cứ lăn xả vào đời sống, xông xáo vào các vấn đề nóng thì sẽ ra tác phẩm.

Bởi mỗi nhà văn đều có cách thu nhận và xử lý hiện thực khác nhau. Có những người có nhu cầu đi, thâm nhập thực tế để viết. Nhưng cũng có những người như Đinh Phương, Nhật Phi… lại có những sáng tạo của riêng mình mà không cần đi nhiều.

Nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi (giải nhất Văn học tuổi 20 với truyện dài Người ngủ thuê) lại đặt vấn đề nhà văn có thể thay đổi được điều gì đó qua trang viết hay không? Nhật Phi cho rằng:

“Trung bình mỗi năm người VN chỉ đọc được vài đầu sách, thì mơ mộng viết được cuốn sách tác động lên đại chúng thì hơi lạc quan quá. Mình thích thì mình viết thôi!”.

Ở một khía cạnh khác, nhà văn trẻ Nguyễn Nhật Huy đặt vấn đề cần phải phá bỏ sự đối xử bất công đối với chức năng giải trí của văn học, bởi “văn học VN vẫn mang nặng tâm lý coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi”.

Theo Nhật Huy, văn học không chỉ có chức năng “tải đạo” mà còn có chức năng giải trí. Nhưng đến nay, văn học giải trí VN vẫn thiếu trầm trọng và không sao cất cánh được, để cho truyện giả tưởng Mỹ, manga Nhật Bản, ngôn tình Trung Quốc lấn át.

Vì vậy, khoản thu lớn từ mảng thị trường này bị bỏ lỡ cho các tác giả nước ngoài.

Những người viết trẻ đều cho rằng cái được nhất của hội nghị lần thứ 9 này là tiếp tục được gặp gỡ, giao lưu vui vẻ với bạn viết trong cả nước. Nhưng, dường như với ba hoạt động chính: khai mạc, giao lưu và toạ đàm thì sau hội nghị vẫn có một niềm luyến tiếc là hội nghị vẫn chỉ bó hẹp trong những người viết văn với nhau.

“Đêm dạ hội thơ Bản hoà âm tháng 9 tối 28-9 không mấy độc giả quan tâm và đến thưởng thức. Phần lớn là chúng ta viết và tự đọc thơ, trình diễn thơ cho nhau nghe – dự báo của nhà thơ Xuân Diệu giờ đã là sự thật. Cứ đà này rồi đến lúc nhà thơ viết nhà thơ tự đọc” – nhà thơ Trương Trọng Nghĩa nói.

V.V.TUÂN – Đ.TRIẾT