23/12/2024

Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao?

Cấp cứu vết thương mạch máu ngay tại hiện trường như thế nào? Các chuyên gia tư vấn cách sơ cứu trong các trường hợp cần cấp cứu người có vết thương ở cổ, ở chân tay, mạch máu hoặc các vị trí khác… ra sao?

 

Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao? 

Cấp cứu vết thương mạch máu ngay tại hiện trường như thế nào? Các chuyên gia tư vấn cách sơ cứu trong các trường hợp cần cấp cứu người có vết thương ở cổ, ở chân tay, mạch máu hoặc các vị trí khác… ra sao? 

 

 

 

Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao? 
Cách xử lý vết thương tại động mạch cánh tay - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo ông Dương Đức Hùng, trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, nếu cấp cứu kịp thời, người bị những vết thương mạch máu ở các vị trí nguy hiểm vẫn có thể được cứu sống.

Nguyên tắc nhanh, 
tại chỗ

Theo ông Hùng, các vị trí nguy hiểm nhất nếu bị vết thương mạch máu là động mạch cánh tay (động mạch ở mặt trước vùng khuỷu tay), động mạch quay ở vị trí mặt trước cánh tay sát với bàn tay, động mạch đùi và động mạch cảnh ở cổ.

Khi gặp các vết thương gây chảy máu ở các vị trí này, quan trọng nhất là phải cầm máu nhanh, tại chỗ, không nên đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện khi chưa qua sơ cứu và cầm máu.

“Mỗi người trưởng thành trung bình có 4,5-5l máu, trung bình mỗi lần co bóp tim có thể đẩy ra ngoài qua vết thương hở ở các vị trí trọng yếu 50cc máu và chỉ vài phút cơ thể có thể mất 1/2 tổng lượng máu, gây sốc mất máu không hồi phục và bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện.

Vì vậy cần sơ cứu thật nhanh, tại chỗ, không hoảng hốt khi thấy máu chảy mà bình tĩnh sử dụng các vật liệu tìm thấy bên đường hoặc tại chỗ để cấp cứu”- ông Hùng hướng dẫn.

Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao? 
Nếu vết thương ở vùng cổ cần đặt ngay vào vị trí vết thương một miếng băng/vải, dùng một que tre hoặc gỗ đặt ở bên cổ nạn nhân và buộc cố định lại – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao? 
Dùng một que tre hoặc gỗ đặt ở bên cổ nạn nhân và buộc cố định lại – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đứt mạch máu, 
sơ cứu khẩn ra sao? 
Nếu không có một que tre, gỗ thì có thể sử dụng cánh tay của nạn nhân để cố định lại vết thương, cách làm này giúp dây cố định băng không ảnh hưởng tới đường thở của nạn nhân mà vẫn đảm bảo buộc chặt để cầm máu – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo ông Hùng, từng có một nữ sinh viên bị vết thương ở động mạch đùi khi lội qua dòng nước lũ, khi được đưa đến bệnh viện, nữ sinh đã mất máu quá nhiều và tử vong.

Những trường hợp bị vết thương gây chảy máu ở các vị trí nguy hiểm kể trên, người sơ cứu dùng tay bịt chặt vào vùng có vết thương hở để hạn chế chảy máu, hoặc có thể băng ép tại vị trí vết thương.

Dùng một mảnh vải/chun/dây buộc garo vị trí phía trên vết thương. Cả băng và garo đều cần buộc chặt cho đến khi không còn thấy máu chảy rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi vị trí vết thương ở cổ (như hai trường hợp liên quan đến xe chở tôn cuối tuần qua), cần đặt ngay vào vị trí vết thương một miếng băng/vải xé từ áo nạn nhân hoặc áo người cấp cứu, sau đó dùng một que tre hoặc gỗ đặt ở bên cổ nạn nhân và buộc cố định lại.

Cách làm này giúp dây cố định băng không ảnh hưởng tới đường thở của nạn nhân mà vẫn đảm bảo buộc chặt để cầm máu.

Trường hợp không có que tre/gỗ tại hiện trường, người sơ cứu cần đưa tay nạn nhân lên trên đầu và dùng phần cánh tay thay thế vai trò của que rồi buộc cố định lại như trên (mời xem hình hướng dẫn).

Cầm máu ở cổ khác các vị trí khác

Theo TS Nguyễn Duy Tân, phó khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy:

Vùng cổ có ba hệ thống rất quan trọng là mạch máu (gồm hai động mạch cảnh nằm hai bên đưa máu lên nuôi não), khí quản và thực quản.

Nếu những vật sắc nhọn như tôn, dao, lưỡi lê… cứa vào cổ, làm đứt cả hai động mạch thì nạn nhân có thể tử vong ngay lập tức vì mất máu quá nhiều.

Khi tổn thương khí quản kết hợp tổn thương động mạch cảnh, lúc đó máu có thể chảy từ động mạch cảnh vào khí quản, đi xuống và làm ngập hai phổi, nạn nhân cũng sẽ mất tính mạng vì suy hô hấp cấp, nguy kịch (chết đuối trên cạn).

Những trường hợp khác như đứt một bên động mạch, đứt khí quản hay thực quản thì có thể cứu được nếu biết cách sơ cấp cứu kịp thời và đưa ngay đến các bệnh viện chuyên khoa.

Việc cầm máu tại vị trí cổ khác với những vị trí khác trên cơ thể vì nếu băng ép vào cổ thì có thể chèn ép mạch máu còn lại, chèn ép khí quản và gây tử vong.

Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật 
mạch máu.

Trách nhiệm của ngành y tế, giáo dục

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ trong những tình huống nguy cấp, phản ứng nhanh nhạy là chưa đủ, cần phải thao tác đúng để cứu chứ không hại thêm người bị nạn.

Thiết nghĩ đây là những kiến thức, kỹ năng sống vô cùng cần thiết mà bất kỳ ai cũng cần được biết nhưng lại ít được phổ biến rộng rãi hay đưa vào chương trình giảng dạy chính thức cho các em học sinh.

Nên chăng ngoài việc cho trẻ học bơi hay người lớn diễn tập phòng cháy chữa cháy ở cơ quan, công ty, chúng ta nên có những khóa tập huấn thật sự chuyên sâu, nghiêm túc và dài hơn về sơ cấp cứu, kỹ năng thoát hiểm… để khi bất trắc xảy ra, ai cũng có thể ra tay cứu người trong khả năng của mình.

LAN ANH – TRÀ MY