23/12/2024

Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất?

Dư luận hết sức quan tâm khi giai đoạn tiếp theo của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa thêm một số ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất.

 

Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất?

Dư luận hết sức quan tâm khi giai đoạn tiếp theo của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa thêm một số ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất.




Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học	 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu họcẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Các chuyên gia cho rằng đưa thêm ngoại ngữ để học sinh (HS) lựa chọn là điều cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần phải giải thích dựa vào tiêu chí nào chọn những ngôn ngữ này? Sự chuẩn bị đã tốt chưa và liệu HS có được quyền lựa chọn hay không? Đã khảo sát thị trường lao động và nhu cầu người học chưa?…
Hệ trọng như việc đưa thêm một môn học mới
Dù ủng hộ chủ trương có nhiều ngoại ngữ để HS được lựa chọn nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ngành GD-ĐT phải chứng minh cho xã hội thấy có sự chuẩn bị bài bản. Về mặt chính sách, phải có đầu tư các ngôn ngữ lớn để nước ta luôn sẵn sàng có những cán bộ về những thứ tiếng lớn trên thế giới. Tuy nhiên, phải có tầm nhìn, phải có sự chuẩn bị.
 
 
Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất? - ảnh 1
Quyết định phải dựa trên đòi hỏi của thực tiễn chứ không phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một nhóm người ngồi bàn giấy và xây dựng đề án; cũng không phải “đùng” một cái tuyên bố ngày mai sẽ dạy thí điểm môn này, môn kia

Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất? - ảnh 2
 
Ông LÊ QUỐC HẠNH (Nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội)
 

Ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Hà Nội, cho biết về mặt chủ trương đưa nhiều ngoại ngữ vào dạy từ tiểu học là đúng. “Dù là “dân” tiếng Anh nhưng tôi đã nhiều lần chất vấn tại sao gọi là đề án ngoại ngữ mà chỉ chăm chăm vào dạy học tiếng Anh. Nếu vậy thì phải đổi tên là đề án dạy học tiếng Anh chứ không thể nói là ngoại ngữ được”.

Tuy nhiên, ông Hạnh phân tích rằng việc đưa thêm tiếng Trung, tiếng Nga hoặc bất cứ thứ tiếng nào vào giảng dạy từ bậc tiểu học cũng hệ trọng như việc đưa thêm một môn học mới, cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá và lộ trình thực hiện hết sức cẩn trọng. Đưa một ngôn ngữ mới vào giảng dạy phải dựa trên số liệu nghiên cứu về nhu cầu của người học rồi nhu cầu của thị trường lao động để biết người học có cần học ngôn ngữ ấy không, thị trường lao động cần ở mức độ nào về nguồn nhân lực thông thạo ngoại ngữ ấy…
“Quyết định phải dựa trên đòi hỏi của thực tiễn chứ không phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một nhóm người ngồi bàn giấy và xây dựng đề án; cũng không phải “đùng” một cái tuyên bố ngày mai sẽ dạy thí điểm môn này, môn kia”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, phải lên kế hoạch về đội ngũ giáo viên, biên soạn chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất và tính đến tất cả những tình huống phát sinh.
Trong bài viết phân tích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường quốc tế Canada (CIS), cho rằng tiền đề của câu chuyện là việc cần thiết phải xây dựng một chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia phù hợp, minh bạch, công khai. Đây phải được xem là một dự án nghiêm túc, cẩn trọng, có yêu cầu cao về tính khoa học và thực tiễn.
Học sinh có được quyền lựa chọn ?
Ông Lê Quốc Hạnh nêu vấn đề: Nếu nói rằng đưa thêm ngoại ngữ vào giảng dạy, tăng quyền lựa chọn của HS, vậy trong một trường chỉ có vài HS chọn học ngoại ngữ bắt buộc không phải tiếng Anh thì nhà trường và hệ thống giáo dục ở địa phương ấy có đáp ứng được nhu cầu ở mức thiểu số ấy không, hay chỉ đưa vào cho có rồi đến khi HS thực sự có nhu cầu thì lại không đáp ứng được với lý do không có giáo viên đạt chuẩn, không có đủ điều kiện…?
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh cũng chia sẻ nhiều băn khoăn tương tự: “Nếu nói là “được lựa chọn” thì có phải trường sẽ cung cấp đủ cả 5 chương trình ngoại ngữ cho HS được chọn lựa 1 trong 5? Trên thực tế, chắc sẽ rất khó có khả năng 1 trường mà cung cấp được đủ 5 loại ngoại ngữ cho HS chọn lựa. Giả sử có một chủ trương cố ý trong “quy hoạch” phân bổ chương trình ngoại ngữ cho các trường công lập để phụ huynh không có sự chọn lựa nào khác thì khi đó quyền lợi của HS sẽ được bảo đảm thế nào?”.


Bà Oanh lấy ví dụ trên địa bàn nào đó chỉ cho phép có một vài trường dạy tiếng Anh, còn lại đa số bắt dạy tiếng Trung hay tiếng Nga, khi đó sẽ giải quyết ra sao nếu hầu hết phụ huynh trong khu vực đều có nhu cầu chọn ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh? Trước nguy cơ này, bà Oanh đặt câu hỏi: “Liệu Bộ GD-ĐT có cho phép tất cả các trường để HS được chọn lựa đăng ký môn ngoại ngữ thoải mái theo phương án “chọn 1 trong 5” như vậy không? Và có dám cam kết sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu theo chọn lựa của HS không? Hoặc giả sử một HS đang học ở một trường dạy tiếng Anh, nay trường đột nhiên lại được “quy hoạch” chuyển sang dạy tiếng Trung thì sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo nguyện vọng cũng như quyền lợi của phụ huynh và HS?”.
Cũng đặt vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, cho rằng phải nói rõ về hướng lựa chọn. Một là, chỉ có một ngoại ngữ là tiếng Anh và HS bắt buộc phải học ngoại ngữ này, như hiện nay. Hai là, mỗi trường phổ thông đều dạy một số ngoại ngữ, ví dụ Anh, Pháp, Nga, Trung hoặc Anh, Pháp, Nhật… và HS được tự chọn ngoại ngữ mình ưa thích, không có ngoại ngữ nào là bắt buộc. “Điều bắt buộc duy nhất chỉ là phải học một ngoại ngữ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Không ép học sinh chọn ngoại ngữ nào
Trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Ban Quản lý đề án 2020 cho biết: Ngoại ngữ thứ nhất buộc người học phải lựa chọn để học theo quy định từ năm 2006 của chương trình giáo dục phổ thông. HS từ lớp 6 đến lớp 12 (hệ 7 năm) được chọn 1 trong 4 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ ban hành thêm chương trình tiếng Nhật bậc THCS và THPT như ngoại ngữ thứ nhất và thứ hai, tùy theo nhu cầu và lựa chọn của địa phương, trường học và người học. 
Để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, ban quản lý đề án trình Bộ trưởng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 cho phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.
Đại diện Ban Quản lý đề án 2020 lý giải: “Việc chọn ngoại ngữ nào và dạy học theo hình thức bắt buộc (ngoại ngữ thứ nhất) hay tự chọn (ngoại ngữ thứ hai) tùy nhu cầu, điều kiện của địa phương, trường học, người học nên sẽ không xảy ra tình huống bị ép buộc phải học ngoại ngữ nào.

Kế hoạch dạy các tiếng Nga, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn
Theo kế hoạch triển khai Đề án 2020 giai đoạn 2016 – 2020, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm – bắt đầu từ lớp 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN từ năm 2017.
Bộ sẽ thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông các môn này để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ việc dạy và học trong trường phổ thông.
Từ năm học 2016 – 2017, Bộ cũng sẽ chuẩn bị triển khai dạy học thí điểm chương trình tiếng Đức như ngoại ngữ thứ hai, để tới năm sau triển khai dạy tiếng Đức từ lớp 6 ở các địa phương đang tiến hành giảng dạy môn này (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng), sau đó lần lượt mở rộng tới các địa phương khác. Môn tiếng Pháp, tiếp tục củng cố và phát triển 4 chương trình giảng dạy tiếng Pháp: ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên ngữ và song ngữ…
Từ năm học 2016 – 2017, các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật đã được thí điểm dạy từ lớp 3 ở 5 trường tiểu học (như ngoại ngữ 1), tiếng Hàn được thí điểm dạy từ lớp 6 (như ngoại ngữ 2) tại các trường ở Hà Nội và TP.HCM. Theo lộ trình triển khai chương trình ngoại ngữ mới trong hệ thống giáo dục quốc dân, môn tiếng Anh sẽ là trọng tâm. Theo đó, mục tiêu của ngành giáo dục là đến năm 2025 sẽ phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông.
Đại diện ban quản lý đề án cũng cho hay nếu được phê duyệt, Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ 2020 sẽ phối hợp với các trường ĐH, chuyên gia xây dựng chương trình tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm, từ năm học 2017 – 2018. Việc thí điểm sẽ ở quy mô nhỏ, từ 2 đến 5 lớp mỗi ngoại ngữ tuỳ thuộc vào phê duyệt của Bộ, điều kiện của địa phương và nguyện vọng của người học.

 

Tuệ Nguyễn