28/12/2024

Đền Hùng trong Thảo cầm viên Sài Gòn bị “bao vây”

“Tình trạng sử dụng khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng làm nơi giữ xe diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng cảnh quan của di tích” – ghi nhận của Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM.

 

Đền Hùng trong Thảo cầm viên Sài Gòn bị “bao vây”

“Tình trạng sử dụng khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng làm nơi giữ xe diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng cảnh quan của di tích” – ghi nhận của Sở Văn hoá – thể thao TP.HCM.

 

 

 

Đền Hùng trong Thảo cầm viên Sài Gòn bị “bao vây”
Bãi xe của Thảo cầm viên tràn sang vây kín mặt tiền di tích đền thờ vua Hùng – Ảnh: A.T.

Nếu ai vào Thảo cầm viên Sài Gòn hiện nay sẽ thấy một phòng bán vé mới xây, nằm phía trong phòng bán vé trước kia tính từ hướng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) vào. Đây chính là công trình vi phạm khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng, toà nhà nằm ngay phía bên phải lối vào.

Đó là vi phạm mới bên cạnh xâm phạm cũ. Bởi lâu nay, bãi giữ xe trong Thảo cầm viên vẫn “bao quanh” di tích đền thờ vua Hùng toạ lạc ở đây, cao điểm vào các dịp lễ, bãi xe mở rộng, để tràn lên khu vực sân đền thuộc đất di tích, nghiêm cấm xâm phạm.

Đền Hùng trong Thảo cầm viên được UBND TP.HCM xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2015, giao Bảo tàng Lịch sử TP.HCM quản lý di tích này. Lâu nay, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vẫn cắt cử nhân sự trực bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan tại đền Hùng, làm vệ sinh quét dọn, hằng năm phối hợp với UBND Q.1 tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đây.

Ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nhấn mạnh Luật di sản quy định xây dựng công trình bảo vệ và công trình phát huy giá trị di tích phải được sự đồng ý của ủy ban cấp tỉnh, thành, đằng này Thảo cầm viên xây dựng phòng bán vé trên đất di tích, hoàn toàn không phải bảo vệ hay phát huy, mà chỉ là hành động xâm phạm di tích.

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã đề nghị phía Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn cùng ngồi lại bàn giải pháp để “giải vây” đền Hùng bằng cách không để xe khách tham quan trên đất di tích, đồng thời không được duy trì công trình phòng bán vé trên đất di tích như vậy. Nhưng hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Phía bảo tàng đã có báo cáo lên Sở Văn hoá – thể thao vụ việc này. Sở Văn hóa – thể thao ghi nhận theo bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích thì đền thờ vua Hùng có khu vực bảo vệ II gồm: bồn hoa, lối đi, thảm cỏ, sân lát gạch…

Và sở cũng ghi nhận thực trạng “hiện nay Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn xây dựng công trình lắp ghép làm phòng bán vé tham quan Thảo cầm viên trong phạm vi khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng chưa được sự đồng ý bằng văn bản của UBND TP.

Tình trạng sử dụng khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng làm nơi giữ xe diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng cảnh quan của di tích”.

Sở Văn hoá – thể thao đã báo cáo lên UBND TP.HCM và đề xuất phương án xử lý. Ngày 8-7-2016, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP.HCM, có ý kiến chỉ đạo “giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn sắp xếp, bố trí khu vực giữ xe tránh ảnh hưởng đến di tích; báo cáo việc xây dựng công trình trong phạm vi khu vực bảo vệ II di tích đền thờ vua Hùng, trình UBND TP”.

Tuy nhiên, hơn hai tháng từ khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP, phòng vé xây dựng trên đất di tích đền thờ vua Hùng vẫn tồn tại.

Và người dân cũng quen thuộc với cung cách làm việc của bãi xe Thảo cầm viên mỗi khi lượng khách vào đây tăng lên, bãi xe cho để xe khách tràn sang khu vực di tích đền thờ vua Hùng!

Theo Luật di sản văn hóa, “việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của bộ trưởng Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch”.

LAM ĐIỀN