23/12/2024

Nước súc miệng có cai được thuốc lá?

Hiện trên các trang mạng có rao bán một số loại thuốc súc miệng có tác dụng cai nghiện thuốc lá thành công chỉ từ 5-7 ngày. Liệu có thể cai nhanh và dễ dàng như vậy không?

 

Nước súc miệng có cai được thuốc lá?

Hiện trên các trang mạng có rao bán một số loại thuốc súc miệng có tác dụng cai nghiện thuốc lá thành công chỉ từ 5-7 ngày. Liệu có thể cai nhanh và dễ dàng như vậy không?

 

 

 

Nước súc miệng có cai được thuốc lá?
Một loại nước súc miệng được quảng cáo là rất hiệu quả để cai nghiện thuốc lá – Ảnh: TH.NHƯ

Các thuốc súc miệng này được giới thiệu làm từ các loại thảo dược như bồ công anh, cam thảo, đại hồi, cúc hoa…. Cứ thèm thuốc thì súc miệng khoảng 30 giây đến 1 phút rồi nhổ ra. Sử dụng từ 2-3 chai thuốc sẽ hết nghiện thuốc lá.

Cai nghiện trong một tuần?

Chúng tôi liên hệ theo số điện thoại trên một trang mạng bán thuốc súc miệng T.N, qua đó được biết sản phẩm chỉ bán dưới hình thức đặt hàng qua mạng hay điện thoại, cơ sở chính thức đặt tại Đắk Lắk, chưa phân phối đến các thành phố lớn. Nếu mua một liệu trình (2 chai) thì giá 390.000 đồng, mua 4 chai chỉ 700.000 đồng.

Nhân viên tư vấn còn nói: “Nước súc miệng được điều chế từ thảo dược nên đảm bảo, không hề gây hại cho cơ thể. Sản phẩm được chứng nhận bởi Bộ Y tế”.

Liên hệ theo một số điện thoại khác cũng bán sản phẩm nước súc miệng cai nghiện thuốc lá T.N, tại cơ sở này giá mỗi sản phẩm là 195.000 đồng.

Nam nhân viên tư vấn hồ hởi nói: “Đối với khách hàng hút thuốc từ 5 năm trở xuống chỉ cần dùng một liệu trình là 2 chai, súc miệng trong một tuần. Nghiện từ 5 năm trở lên nên dùng 3 chai. Khách hàng thèm thuốc giờ nào thì súc miệng giờ đó”.

Khi được hỏi thuốc có tác dụng phụ không, người này khẳng định: “Mình súc rồi nhả ra, có nuốt luôn đâu mà bị gì”.

Tìm đến địa chỉ được đăng ký trên một trang web có bán sản phẩm nước súc miệng cai nghiện ở Q.Tân Bình (TP.HCM), chúng tôi được biết đây chỉ là kho chứa chứ không phải cửa hàng. Ở TP.HCM, ai có nhu cầu mua thì cứ đến địa chỉ này, chỉ cần gọi điện thoại, sẽ có người mang ra.

Một nhân viên ở đây tư vấn: “Nếu người muốn cai thuốc có bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thì không nên dùng, bởi việc đột ngột cai thuốc lá có khả năng dẫn đến tăng huyết áp thông. Nếu người cai thuốc chưa có quyết tâm cao thì cũng không nên dùng hoặc dùng nhiều hơn 1 liệu trình”.

Nhân viên tư vấn còn cảnh báo: “Tuyệt đối không dùng rượu bia trong thời gian dùng thuốc”.

Không có trong danh mục

Bác sĩ Lê Khắc Bảo – giảng viên Đại học Y dược TP.HCM – cho biết các yếu tố dẫn đến thành công cai thuốc lá gồm: hiểu biết rõ ràng về tác hại thuốc lá, từ đó quyết tâm cai nghiện; có sự hỗ trợ từ gia đình, cơ quan và nhân viên y tế. Việc dùng thuốc súc miệng nằm trong nhóm hỗ trợ từ nhân viên y tế nhưng cần phải trả lời câu hỏi là có hiệu quả thực sự không, được kiểm chứng chưa.

Theo BS Bảo, những thuốc súc miệng đó cho dù tốt, có hiệu quả thì thời gian điều trị tối thiểu vẫn phải 2 tháng, không thể vài ngày là đủ. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ khuyến cáo ba loại thuốc có thể giúp cai thuốc lá là Nicotin thay thế, Bupropion uống và Vareniciline uống.

Bác sĩ Bảo còn cho rằng những trường hợp nghiện nhẹ, người nghiện chỉ quyết tâm là cai được. Những trường hợp nghiện nặng, cai nhiều lần mà cứ tái nghiện, mới cần hỗ trợ bằng thuốc. Cai nghiện thuốc lá dễ hay khó tùy theo tình trạng nghiện nặng hay nhẹ, tuỳ theo quyết tâm cao hay thấp, đó là chưa kể tuỳ thuộc rất nhiều vào người bác sĩ tư vấn và điều trị nghiện.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt (TP.HCM), cũng nói ngoài ba loại thuốc WHO khuyến cáo sử dụng, các loại thảo dược, các loại thuốc súc miệng, ngậm, nhai không được công nhận trong điều trị cai nghiện thuốc lá, chỉ nghe truyền miệng nhau.

Theo bác sĩ Hoàng, nếu như thảo dược súc miệng, thuốc ngậm thực sự hiệu quả với một số người thì đó cũng là một cách để giúp họ cai nghiện thuốc lá nhưng các bác sĩ không khuyến cáo cai nghiện theo cách đó. Nếu có điều kiện, có khả năng tiếp cận tư vấn nên đến bác sĩ là tốt nhất.

Yếu tố quyết tâm chiếm tỉ lệ 50% thành công

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng cho biết có hai cách xác định mức độ nghiện nặng – nhẹ, đó là xét thang điểm theo bảng trắc nghiệm cho người nghiện thuốc hoặc đo nồng độ CO trong hơi thở của người nghiện.

Yếu tố quyết tâm của người cai nghiện chiếm khoảng 50% tỉ lệ thành công. Với những người nghiện nặng, dù quyết tâm cao nhưng thường xuất hiện hội chứng cai nghiện, có những trường hợp vật vã như khi cai nghiện heroin thì bắt buộc phải dùng thuốc.

“Các hội chứng cai khi nicotin tụt xuống như thèm thuốc, bứt rứt, khó chịu, nôn nao trong người, mất tập trung, nóng giận, rối loạn giấc ngủ… xuất hiện từ tuần thứ 2, có thể kéo dài đến tuần thứ 6 trong quá trình cai.

Tùy từng người, nhưng thông thường ít nhất phải 3 tháng mới cai nghiện thành công. Bằng cách gì thì trong thời gian một vài tuần không thể cai nghiện thành công được”, bác sĩ Hoàng khẳng định.

Đối với người nghiện nhẹ, không bị hội chứng cai nghiện, khi sử dụng thuốc súc miệng thảo dược hay ngậm kẹo có thể làm họ thay đổi hành vi. Thay vì thói quen hút thuốc thì họ súc miệng, ngậm kẹo để thay đổi vị giác của lưỡi và niêm mạc miệng.

NGỌC LOAN – THẢO NHƯ