23/12/2024

Ít nhất hơn 237 chung cư ở TP.HCM sẽ tháo dỡ, xây mới

Từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ. Đó là chỉ đạo mới nhất của Thành uỷ TP.HCM.

 “GIẢI VÂY” ĐỂ CẢI TẠO CHUNG CƯ CŨ TẠI TP.HCM – KỲ 1:

Ít nhất hơn 237 chung cư ở TP.HCM sẽ tháo dỡ, xây mới

 

Từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ. Đó là chỉ đạo mới nhất của Thành uỷ TP.HCM.

 

 

 

Ít nhất hơn 237 chung cư ở TP.HCM sẽ tháo dỡ, xây mới
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (P.11, Q.5, TP.HCM) vừa được Sở Xây dựng TP.HCM công bố là chung cư cũ nguy hiểm cấp D (ảnh chụp trưa 3-9) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Chỉ mong Nhà nước cho dân tái định cư tại chỗ chứ ở khu vực này, chúng tôi cầm đồng tiền bồi thường chắc chắn mua không nổi nhà mới

Bà HỒ THỊ NGỌC (chung cư Vĩnh Hội)

Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố kết quả kiểm định chất lượng chung cư số 440 Trần Hưng Đạo (P.11, Q.5): hư hỏng, xuống cấp, cần phải di dời, phá dỡ khẩn cấp.

Cơ quan kiểm định kết luận: khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

Trong các chung cư 
hạng D

Cụm từ “công trình nguy hiểm, xuống cấp” gần như quá quen thuộc với người dân sống trong chung cư 440 Trần Hưng Đạo, một chung cư tọa lạc ở góc đường này và đường Châu Văn Liêm, vị trí có thể nói là đắc địa của Q.5.

Nhìn từ xa, tòa nhà vẫn còn vẻ kiêu sa của một công trình kiến trúc bài bản thời Pháp thuộc. Thế nhưng không phải chờ cơ quan chức năng kết luận, người dân ở đây đã biết chung cư mình đang ở xuống cấp qua những vết nứt, thấm ở tường đã xuất hiện hơn chục năm nay và đang lớn lên hằng ngày.

Cầu thang chung cư 32 hộ dân này tối om, nhỏ xíu khiến hai người đi ngược chiều phải né nhau và đầy những vết lở loét, sứt sẹo. Những trụ đỡ lan can ở tầng 1 chằng chịt các vết nứt và cũ kỹ, tưởng như chỉ cần đẩy nhẹ là có thể vỡ vụn ra, lôi cả lan can rớt xuống con đường đầy xe cộ bên dưới. Đáng ngại hơn, tòa nhà này còn đang bị nghiêng ra phía đường Trần Hưng Đạo.

Bà Trần Nghiêng Nhạn, hộ dân ở nhà số 440/14, cho biết bà ở chung cư này từ năm 1961, khi bà mới là đứa trẻ 3 tuổi, nay đã lên chức bà ngoại.

Căn hộ 16mkhông đủ chỗ cho anh em nên gia đình bà tận dụng thêm phần công trình trên sân thượng chung cư làm chỗ ở. Căn hộ nhỏ xíu của bà Nhạn được cơi thêm gác làm phòng ngủ, phía dưới là nơi gia công hàng may thêu.

Theo bà Nhạn, căn nhà này vốn là một khách sạn thời Pháp nên các phòng đều nhỏ như nhau, trang trí bên ngoài rất đẹp nhưng lối đi lại nhỏ, lan can cũng nhỏ. Bà Nhạn cho biết căn nhà bà đang ở vẫn thuộc sở hữu nhà nước, nếu có xây dựng lại, bà chỉ mong có nhà khác cho gia đình tá túc trong khu quận 5 để công ăn việc làm không bị đứt đoạn.

“Biết là nhà xuống cấp, ở nguy hiểm nhưng mướn nhà cho đủ 10 người sống cũng tốn bộn tiền, khả năng gia đình tôi lo không nổi” – bà Nhạn lý giải về việc biết chung cư xuống cấp nhưng vẫn phải ở.

Bước vào khuôn viên chung cư 47 Long Hưng (P.7, Q.Tân Bình), mùi ẩm mốc xộc lên mũi. Bà Nguyễn Thị Hương, một hộ dân ở tầng trệt, thấy khách lạ nên lên tiếng nhắc phải đi vô phía trong để tránh nước thải từ các tầng trên rớt trúng đầu.

Ấn tượng đầu tiên là một hàng khoảng 20 cái máy bơm và đồng hồ nước kèm đường ống chằng chịt lộ thiên ngay lối đi. Người dân cho biết những hộ ở tầng cao phải tự chế hệ thống này để bơm nước lên dùng do áp lực nước không đủ mạnh, trong khi hệ thống nước của chung cư hỏng từ lâu. Một căn phòng ở tầng trệt được người dân khoét cửa sổ thành cửa đi chính.

Ở hành lang tầng trệt, một mảng trần rộng bị bong ximăng, lòi trơ cả sắt thép. Người lớn phải cúi người mới bước qua được cửa dẫn vô khu để xe của chung cư, cũng là lối vào cầu thang lên những tầng trên.

Ít nhất hơn 237 chung cư ở TP.HCM sẽ tháo dỡ, xây mới
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan, ở trọ tầng 4 chung cư 47 Long Hưng, Q.Tân Bình, TP.HCM, cứ 2 ngày 1 lần, chị hoặc chồng phải xuống bơm nước lên thùng chứa để sử dụng – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vị trí đẹp vẫn khó đầu tư

Chung cư Vĩnh Hội (P.6, Q.4) chưa được kiểm định và phân cấp nhưng độ hư hỏng cũng không kém những chung cư cấp D khác. Bà Hồ Thị Ngọc, ở nhà 129/115C lô C, chung cư Vĩnh Hội, cho biết bà về ở chung cư này sau biến cố năm 1968 tại Sài Gòn.

Căn hộ 30m2 do bà mua giấy tay của một viên chức Sài Gòn cũ và ở cho đến nay. Nhiều năm nay, bà cũng thấy nhiều người đến hỏi thăm, thương lượng giá với vài hộ, cũng nhiều lần nghe nói có công ty bất động sản đến mua đứt căn hộ, đưa tiền để các hộ dân tự tìm chỗ ở mới nhưng chưa thấy triển khai.

Khuôn viên chung cư Vĩnh Hội với khoảng 3.000m2 đất nằm ngay chân cầu Ông Lãnh của Q.4 là một địa chỉ ao ước của nhiều chủ đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Q.4, các chủ đầu tư ngại phải lo tiền tạm cư và bố trí tái định cư cho 240 hộ dân nơi đây. Còn bồi thường tiền để các hộ dân tự lo tái định cư thì khó hơn bởi phải thương lượng với từng hộ dân.

Bên cạnh đó, nhiều người dân sẽ không chịu nhận tiền bởi nhà cũ, diện tích nhỏ, tiền bồi thường thấp thì họ không mua được nhà mới ở xung quanh đây.

Tương tự, các hộ dân ở chung cư 47 Long Hưng cho biết diện tích đất chung cư cũng đã được nhiều chủ đầu tư đến ướm hỏi. Khuôn viên của dự án còn mở rộng ra đến nhiều hộ dân phía sau chung cư này.

Tuy vị trí chung cư Long Hưng nằm gần chợ Tân Bình, nhưng nhiều chủ đầu tư đến rồi đi mà chưa ai chính thức nhận xây dựng mới chung cư.

Chưa hấp dẫn các nhà đầu tư

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn TP có 45 lô chung cư hư hỏng, nguy hiểm (kể cả chung cư 440 Trần Hưng Đạo vừa được công bố) với khoảng 4.450 hộ dân đang sinh sống.

Ngoài chung cư 727 Trần Hưng Đạo, những lô chung cư còn lại đều từ 5 tầng trở xuống, có chất lượng xây dựng còn dưới 55% hoặc được xếp hạng nhà cấp D.

Sở này nhận định việc đầu tư xây dựng mới thay thế các chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cải thiện môi trường. Tuy nhiên, trong 10 năm qua (2006-2015), kết quả tháo dỡ, cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ rất khiêm tốn.

Khó khăn chính được các cơ quan chức năng đúc kết là lượng dân số ở chung cư đông, việc thương lượng bồi thường khó khăn, kéo dài, công tác tái định cư tốn kinh phí lớn. Nhiều chung cư toạ lạc ở vị trí không thuận lợi, đường vô nhỏ, diện tích đất hẹp, hệ số sử dụng đất không cao.

Bên cạnh đó, chính sách trong việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ chưa hấp dẫn nhà đầu tư cũng như các địa phương chưa chủ động để đón nhà đầu tư.

(còn tiếp)

DƯƠNG NGỌC HÀ ([email protected])