Nền giáo dục thực học, thực nghiệp
Hôm qua (4.9), trong buổi họp báo về các nội dung chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh đến những yêu cầu của đổi mới.
Nền giáo dục thực học, thực nghiệp
Hôm qua (4.9), trong buổi họp báo về các nội dung chuẩn bị cho năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh đến những yêu cầu của đổi mới.
Giáo viên quyết định sự thành bại của đổi mới
Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng đổi mới giáo dục không chỉ là yêu cầu trọng tâm của Nghị quyết 29 mà còn là sự đòi hỏi tự thân của chính giáo dục. “Đổi mới có lộ trình thích hợp, có sự chuẩn bị tốt thì càng ngày càng tạo ra nền tảng tốt. Trong giáo dục, không nên yêu cầu đổi mới hôm nay ngày mai có kết quả. Có những sự đổi mới chỉ một hai năm sau có kết quả, nhưng cũng có những đổi mới đòi hỏi chục năm sau mới đánh giá được”, ông Nhạ chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Nhạ, quyết định sự thành bại việc thực hiện đổi mới của năm học phụ thuộc vào 1,3 triệu thầy cô.
TIN LIÊN QUAN
Tập trung phát triển nguồn nhân lực (*)
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2016 – 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên.
Trong số 9 nhiệm vụ thể hiện trong chỉ thị năm học mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa ban hành thì nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được coi là nhiệm vụ trọng tâm. “Yêu cầu này sẽ là một thách thức với nhiều thầy cô. Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Qua đó các thầy cô biết mình đang ở đâu so với chuẩn. Bộ cũng sẽ xây dựng các chương trình bồi dưỡng nhằm giúp các thầy cô đáp ứng được chuẩn, ứng dụng công nghệ thông tin để đào tạo từ xa và thường xuyên. Chỉ khi nào các thầy cô và các cán bộ quản lý giáo dục coi đổi mới như một nhu cầu tự thân thì lúc đó mới có cơ chế chính sách tốt.
|
Trăn trở của lãnh đạo ngành là phải không cần mất nhiều tiền, không cần mất nhiều công sức mà tháo gỡ được những rào cản”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Về những phàn nàn học sinh không có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, khai giảng mất ý nghĩa thiêng liêng do các trường tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, ông Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu. Bước đầu, hoạt động hè năm nay đã được cải thiện ít nhiều, năm sau Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để thay đổi. Bộ sẽ không quy định máy móc mà trên cơ sở khối lượng hoạt động giáo dục các địa phương sẽ phải tự sắp xếp sao cho phù hợp. Nhưng Bộ sẽ hướng dẫn theo hướng cố gắng làm sao để học sinh có thời gian nghỉ hè đích thực. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nghỉ 3 tháng mà có thể tăng thời gian nghỉ trong năm học (chẳng hạn nghỉ đông). “Về thời gian tựu trường, tôi đang chỉ đạo các cục, vụ nghiên cứu để cố gắng làm sao khi các cháu tựu trường cũng là ngày khai giảng. Cần phải hiểu ngày khai giảng là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, khai giảng là để học chứ không vì phải theo một khuôn mẫu, nghi thức”, ông Nhạ nói.
Phát triển cạnh tranh, không bao cấp
Về giáo dục ĐH, theo ông Nhạ, một giải pháp quan trọng Bộ sẽ triển khai là đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp. Các trường không chỉ dạy những gì mình có mà phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động, mặt khác bắt buộc phải tạo được nền tảng nghiên cứu xứng đáng mang danh ĐH. “Sẽ có một số ít ĐH lớn đi theo định hướng nghiên cứu, phần lớn còn lại phát triển theo định hướng ứng dụng và thực hành. Bộ GD-ĐT sẽ củng cố trung tâm dự báo nghề nghiệp, thị trường lao động làm cơ sở cho các trường tham khảo trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề”, ông Nhạ cho biết.
TIN LIÊN QUAN
Không vì phản ứng mà ngại đổi mới
Nhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay.
Ông Nhạ cũng cho rằng chừng nào các trường ĐH chưa được tự chủ, vẫn còn dựa vào Bộ chủ quản thì chừng đó vẫn chưa thể mạnh được. Nhà nước tiến tới không giao kinh phí thường xuyên mà thông qua đặt bài, đặt hàng, cũng không phân biệt trường công, trường tư, thậm chí không phân biệt trường nước ngoài đầu tư với trường trong nước đầu tư. Phát triển giáo dục ĐH sẽ trên nguyên tắc cạnh tranh, không bao cấp. Sẽ có những giải pháp khuyến khích các trường ĐH gắn kết với người sử dụng lao động, đặc biệt là với các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng nhân lực.
Quý Hiên – Tuệ Nguyễn