Nỡ lòng nào tước đoạt tuổi thơ của tuổi thơ!
Nhiều người không hề biết 6 quyền của trẻ em VN đã bị mình tước đoạt: quyền tự học; quyền học nâng cao môn mình thích (không phải môn cha mẹ, thầy cô muốn); quyền từ chối học thêm; quyền chơi sau giờ học…
Nỡ lòng nào tước đoạt tuổi thơ của tuổi thơ!
Nhiều người không hề biết 6 quyền của trẻ em VN đã bị mình tước đoạt: quyền tự học; quyền học nâng cao môn mình thích (không phải môn cha mẹ, thầy cô muốn); quyền từ chối học thêm; quyền chơi sau giờ học…
Phụ huynh đưa con đến học thêm tại một cơ sở ở Q.1, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA |
Tuổi Trẻ xin chia sẻ thêm các ý kiến liên quan đến việc cấm dạy thêm, học thêm..
Đây là những ý kiến được bạn đọc gửi về toà soạn, cho rằng nên cấm dạy thêm vì quyền lợi của học sinh, nhất là những học sinh tuổi còn nhỏ.
Phải cương quyết thực hiện
Có lẽ ngành giáo dục cũng nhìn ra được mấu chốt của vấn đề dạy thêm – học thêm, đó là không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh mà mình đang dạy chính khoá trong bất cứ trường hợp nào (trong nhà trường hay ngoài nhà trường).
Tiêu cực phát sinh từ việc giáo viên dạy thêm cho chính học sinh mà mình đang dạy chính khoá. Bằng nhiều “chiêu” khác nhau, giáo viên đã o ép học sinh đi học thêm do mình dạy; từ việc này đã nảy sinh nhiều tiêu cực như thiếu công bằng trong việc ra đề, chấm điểm, xếp loại học sinh…
Chính những tiêu cực trong việc dạy thêm đã gây ra sự bức xúc trong học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội và làm giảm uy tín của ngành giáo dục, ảnh hưởng đến những nhà giáo giỏi, chân chính và tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do chương trình lớp cuối cấp – lớp 9 và lớp 12 – quá nặng, bắt buộc học sinh phải đi học thêm mới có cơ hội đậu vào các trường công lập ở lớp 10 và đại học. Do đó việc dạy thêm – học thêm của học sinh cuối cấp là cần thiết.
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy thêm cho học sinh cuối cấp này cần được quy định cụ thể, để vừa hạn chế được tiêu cực, đồng thời học sinh vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tốt như những năm qua.
Việc nghiêm cấm dạy thêm – học thêm tràn lan, tiêu cực như hiện nay nhất thiết phải kiên quyết thực hiện, nhằm làm môi trường giáo dục được tốt hơn. Đó cũng là mong muốn của lãnh đạo, phụ huynh, học sinh và những thầy cô chân chính.
Trẻ em bị tước 6 quyền
Hiện nay, khi rất nhiều giáo viên đang ra sức chiến đấu cho quyền lợi của mình trong vấn đề dạy thêm, học thêm thì tôi cho rằng: Nếu học thêm, dạy thêm không thành “vấn nạn” thì chắc chắn Sở GD-ĐT cũng không phải ra lệnh cấm.
Phải cấm, vì chính giáo viên và phụ huynh không hề quan tâm đến quyền của trẻ em, nên buộc xã hội phải lên tiếng.
Tôi xin liệt kê những quyền mà trẻ em Việt Nam bị tước đoạt khi dạy thêm, học thêm thành vấn nạn:
1. Quyền phát triển khả năng tự học, tự tìm kiếm kiến thức cho mình tại thư viện, sách báo và các tài liệu khác.
2. Quyền được học trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.
3. Quyền được học nâng cao môn mình thích, chứ không phải môn cha mẹ hay thầy cô muốn.
4. Quyền được từ chối học thêm, gia sư khi không cần thiết.
5. Quyền được nghỉ hè đầy đủ, đúng nghĩa.
6. Quyền được vui chơi tự do sau giờ học…
Tất cả những quyền đó hiện nay rất nhiều trẻ em Việt Nam đang bị tước đi ít nhiều. Thử hỏi, là giáo viên, là người lớn mà chúng ta đối xử với trẻ như vậy sao được? Giáo viên nước khác cũng nhiều khi không đủ ăn, họ cũng buồn bực và lo âu, nhưng để “chiến đấu” ép trẻ đi học thêm thì tôi chưa thấy ở nơi nào ngoài Việt Nam.
Nên trở lại mục đích chính là giảm tải và trả lại tuổi thơ
Cấm dạy thêm và sau đó là giảm tải chương trình thành một buổi; buổi chiều, tuỳ phụ huynh, hoặc cho trẻ vui chơi, giữ trẻ, hoặc phụ huynh đón con về chứ không học gì cả; riêng các lớp cuối cấp thì cho học sinh ra trung tâm học.
Ngày trước chỉ có lớp 9 và lớp 12 là có học tăng tiết, mỗi tuần thêm một buổi cử chiều; bây giờ thì tràn lan, đến tối mịt còn xách cặp đi học. Tất cả là do sự dễ dãi của nhà quản lý. Vì vậy, nên trở lại mục đích chính là giảm tải và trả lại tuổi thơ cho học sinh.
Các phụ huynh cần bớt ảo tưởng đi, rèn chữ đẹp đến rã rời cả tay để cấp II viết như gà bới; luyện thi đến mụ mị cả người cuối cùng thi rớt, hoặc vô đại học rồi không học nổi phải bỏ giữa chừng; học hành trên trời để thất nghiệp rồi than do nền giáo dục…
Hãy ngồi lại và tìm phương hướng tăng chất lượng giáo dục
Thay vì cứ tranh luận đúng sai trong việc cấm dạy thêm – học thêm, tôi nghĩ rằng chúng ta hãy ngồi lại và tìm phương hướng tăng chất lượng giáo dục trong khâu đào tạo chính khoá.
Chất lượng bài giảng, khả năng truyền đạt và cảm thụ tương tác giữa giáo viên và học sinh. Thời gian ngoại khoá thì dành để nâng cao thể chất, thể lực và bồi dưỡng sự phát triển tư duy của học sinh.
Do “vấn nạn” dạy thêm phần lớn là vấn đề kinh tế của thầy cô, nên áp lực đó đã và đang đè nặng lên học sinh và phụ huynh.
Vì vậy, thay vì các hiệu trưởng, giáo viên cố gắng đăng đàn để tranh luận đúng sai, thì tốt nhất là hãy ủng hộ quyết sách của chính quyền và đưa ra những ý kiến xây dựng vì mục tiêu “trồng người” và vì một xã hội tốt đẹp hơn!
Không tham gia thì sợ đắc tội với cô giáo Con tôi vào lớp 6. Cô giáo chủ nhiệm tổ chức dạy thêm môn văn. Cháu nói môn này hầu như ngày nào con cũng học trên lớp, con không học thêm nữa. Nhưng nếu không tham gia học thêm thì sợ đắc tội với cô giáo chủ nhiệm. Thực lòng, tôi không muốn cho cháu đi học thêm, nhưng vì lý do tế nhị trên nên đành phải bắt cháu tham gia lớp này. Tôi thấy với cách thi cử, đánh giá học sinh như hiện tại thì rất khó cấm học thêm. Nhà trường đang đào tạo các cháu như cái máy, học suốt ngày, về nhà vẫn phải học, có những bài toán như đánh đố, ngoài tầm tư duy của các cháu, và nói thật là chẳng để làm gì. Áp lực ngầm Nếu thầy cô dạy thêm cho học sinh một cách vô tư, nhằm nâng cao trình độ học vấn của các em vì thời gian học chính khoá ở trường bị hạn chế, chưa tiếp thu hết kiến thức thì quá tốt. Đằng này nhiều thầy cô lại phân biệt đối xử với những em nghèo khó, nhà xa nơi mở lớp dạy thêm, đi lại khó khăn. Vào giờ học chính thức thì chỉ dẫn sơ sài, nhất là môn toán, vì đã dạy trước cho các em học thêm rồi. Các em còn lại được giảng bài kiểu lơ lửng, hiểu được bao nhiêu thì hiểu nên rất tội. Phải chăng điều này cũng là một áp lực ngầm, buộc gia đình các em phải bỏ tiền ra cho con em học thêm? |