23/12/2024

Vụ môi trường biển: hỗ trợ người dân từ tháng 10

Tại cuộc họp báo chiều 1-9 của Bộ NN&PTNT, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai cho biết người dân bị thiệt hại trực tiếp từ sự cố môi trường biển sẽ được đền bù.

 

Vụ môi trường biển: hỗ trợ người dân từ tháng 10

 

Tại cuộc họp báo chiều 1-9 của Bộ NN&PTNT, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Ngọc Oai cho biết người dân bị thiệt hại trực tiếp từ sự cố môi trường biển sẽ được đền bù.

 

 

 

 

Vụ môi trường biển: hỗ trợ người dân từ tháng 10
Ông Nguyễn Ngọc Oai – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tiền đền bù dự kiến đến tay người dân trong tháng 10.

Liệu có đúng hẹn?

Theo ông Oai, chủ tàu và người lao động trên tàu cá công suất dưới 90 CV đánh bắt gần bờ và người nuôi trồng thuỷ sản được xếp vào nhóm bị thiệt hại trực tiếp sau sự cố môi trường. Đây là nhóm sẽ được nhận đền bù tính trên các ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố.

Có 4 nguyên tắc thống kê thiệt hại mà Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các tỉnh kê khai trong hơn một tháng qua, hạn chót ngày 15-9 sẽ hoàn tất. Quá trình kê khai có sự tham gia của người dân, đơn giá đền bù thống nhất và có tổ thẩm định từ cấp thôn trở lên.

Với nhóm chủ cơ sở mua tạm trữ hải sản, chủ tàu từ 90 CV trở lên, doanh nghiệp du lịch có địa điểm kinh doanh tại khu vực ảnh hưởng bởi sự cố môi trường… thuộc nhóm bị ảnh hưởng gián tiếp được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ sẽ trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hỗ trợ lãi suất, vay vốn, miễn học phí, đào tạo nghề…

Tuy nhiên, điều lo ngại là các hỗ trợ này có đến tay người dân đúng hẹn vào tháng 10 tới đây? Bởi hiện 2.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại bởi hạn, mặn từ tháng 4-5 đến nay vẫn chưa được giải ngân, một phần vì các bộ ngành chậm thống nhất về hình thức hỗ trợ. Trong đó Bộ NN&PTNT không thống nhất cách hỗ trợ “bổ đầu” theo địa phương như đề xuất của Bộ Kế hoạch – đầu tư.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc có chế tài nếu tiền đền bù, hỗ trợ cho ngư dân lần này cũng bị chậm, ông Oai cho rằng tiến độ còn phụ thuộc vào các bộ, ngành và chính người dân. “Hiện nay tất cả đều đang rất quyết liệt để có thể hỗ trợ người dân từ tháng 10” – ông Oai cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng yêu cầu sớm hoàn tất thống kê thiệt hại, sớm bồi thường cho người dân, không để họ phải chờ đợi thêm nữa.

Mức đền bù 
như thế nào?

Theo đề án đang được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, có 3 nhóm chính sách lớn về bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Theo đó, cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong vòng 3 năm; miễn 100% học phí cho con em người bị thiệt hại theo học phổ thông và đại học cả công và dân lập trong hai năm học 2016-2017 và 2017-2018.

Người dân có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi việc làm được hỗ trợ toàn bộ học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại các khoá sơ cấp dưới 3 tháng.

Người học nghề dài hạn được hỗ trợ toàn bộ học phí, ngoại trừ những người đang theo học sẽ được hỗ trợ học phí tính từ tháng 4-2016. 100% con em gia đình bị ảnh hưởng đang học các hệ trung cấp, cao đẳng, đại học được vay vốn diện hỗ trợ lãi suất để theo học.

Bên cạnh đó, ưu tiên người bị thiệt hại và con em đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể là nghề ngư nghiệp tại Hàn Quốc, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ và xây dựng tại Thái Lan, chương trình đào tạo/tuyển chọn điều dưỡng viên đi Nhật Bản và Đức.

Học phí học nghề, tiền ăn ở trong thời gian học, đồ dùng cá nhân cho người bị thiệt hại đi lao động nước ngoài lấy từ tiền bồi thường của Formosa.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do sự cố môi trường được giãn nợ, khoanh nợ không tính lãi trong 2 năm, hỗ trợ 50% thuế trong 2 năm đối với cơ sở bị ảnh hưởng thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Với hoạt động du lịch, đề án sẽ chi 100% kinh phí xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực cho 4 tỉnh miền Trung.

Các tàu cá công suất dưới 90 CV đánh bắt gần bờ và vùng lộng được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng cho thời gian phải ngừng ra khơi. Ngư dân đóng tàu lớn 90-400 CV được vay vốn đóng tàu hoặc hỗ trợ một lần tương đương 50% giá trị tàu đóng mới mức tối đa 2 tỉ đồng/tàu.

3-5 ngày tới trả lời “Ăn cá được chưa?”

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, hiện cơ quan này đang lấy mẫu hải sản, muối ăn và kiểm tra hằng tháng các chỉ tiêu dư lượng kim loại nặng, phenol và cyanua. Tất cả các kết quả đều được báo cho Bộ Y tế để tổng hợp và sớm trả lời câu hỏi: “Ăn cá được chưa?”.

Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết đang lấy mẫu hải sản và muối trên diện rộng để trả lời câu hỏi này trong 3-5 ngày tới.

LAN ANH