23/12/2024

Di tích Huế bán sách giá “cắt cổ”

Ngày 9-8, báo Tuổi Trẻ nhận được phản ảnh của một bạn đọc ở TP.HCM, rằng ngày 20-7 khi tham quan Đại nội Huế, cô đã mua cuốn sáchViệt Nam a long history của Nguyễn Khắc Viện với giá 500.000.

 

Di tích Huế bán sách giá “cắt cổ” 

 

Ngày 9-8, báo Tuổi Trẻ nhận được phản ảnh của một bạn đọc ở TP.HCM, rằng ngày 20-7 khi tham quan Đại nội Huế, cô đã mua cuốn sáchViệt Nam a long history của Nguyễn Khắc Viện với giá 500.000.

 

 

 

 

Di tích Huế bán sách giá “cắt cổ” 
Cuốn sách Việt Nam a long history được đẩy giá từ 270.000 đồng lên 600.000 đồng tại quầy sách hậu điện di tích cung Diên Thọ (Huế) – Ảnh: THÁI LỘC

Tuy nhiên khi vào TP.HCM, người này phát hiện mình bị lừa vì cuốn sách nói trên chỉ được bán với giá 270.000 đồng…

Chiều 9-8, chúng tôi đến các quầy có bán sách tại Đại nội Huế. Tại đây, có sáu nơi có bán sách ở các di tích, gồm: hậu điện Thái Hoà, nhà Hữu vu, nội điện Thế miếu, trong chính cung Diên Thọ, hậu điện cung Diên Thọ và ven đường trước điện Phụng Tiên.

Nhìn chung, hầu hết những cuốn sách văn hóa lịch sử viết về Việt Nam, về Huế và về vương triều Nguyễn, song ngữ (Anh – Việt, Pháp – Việt) hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp đều được dán giá bán rất cao, nhiều cuốn cao gấp ba lần so với giá bìa (theo đối chiếu của chúng tôi giữa giá sách ở Đại nội và giá sách cùng tên tại một nhà sách lớn ở trung tâm TP Huế), giá bán sách cũng xê dịch khác nhau tuỳ từng quầy.

Trong đó, cuốn Việt Nam a long history có ba nơi bán, đó là quầy ở hậu điện Thái Hoà đề giá 550.000 đồng, quầy sách trong Thế miếu đề giá 500.000 đồng và quầy ở hậu điện di tích cung Diên Thọ để giá cuốn này lên đến 600.000 đồng.

Phần lớn các quầy này đều do người mặc đồng phục bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ngồi bán.

Tương tự là sách Việt Nam une longue histoire cũng của tác giả Nguyễn Khắc Viện, giá bán ở quầy trong di tích Hữu vu là 450.000 đồng, quầy trong nội điện di tích cung Diên Thọ là 450.000 đồng, trong khi quầy trước điện Phụng Tiên 380.000 đồng…

Có rất nhiều cuốn sách khác đã bị các quầy đẩy giá lên rất cao, cao nhất là tại quầy ở hậu điện di tích cung Diên Thọ.

Ở đây, sách Stories of the Nguyễn dynasty’s kings của Nguyễn Viết Kế, do NXB Đà Nẵng in, giá bìa (mà chúng tôi đối chiếu ở nhà sách lớn) 50.000 đồng nhưng đã bị dán chồng một tờ giấy nhỏ, trên đề 150.000 đồng.

Tương tự, cuốn La dynastie des Nguyen les neuf seigneurs les treize roi của Thi Long, NXB Đà Nẵng, giá bìa 50.000 đồng, bị dán chồng lên bằng mẩu giấy nhỏ và đề giá mới 150.000 đồng.

Sách Hue Vietnam’s last imperial capital của Carol Howland, NXB Thế Giới, giá bìa 250.000 đồng, bị dán chồng với mảnh giấy đề giá 450.000 đồng. Cuốn Huế la citadelle et ses palais của Phan Thuận An, NXB Thế Giới, giá bìa 55.000 đồng cũng bị mẩu giấy dán chồng và đề giá 90.000 đồng.

Sách L’Art à Hué cũng của NXB Thế Giới, giá bìa 350.000 đồng, bị cạo phần giá và dán chồng lên bằng mẩu giấy đề 600.000 đồng.

Di tích Huế bán sách giá “cắt cổ” 
Cuốn sách này của Nguyễn Viết Kế được quầy sách hậu điện di tích cung Diên Thọ đẩy giá gấp ba lần, từ 50.000 đồng lên 150.000 đồng – Ảnh: THÁI LỘC

Chưa hết, quầy sách này còn bán sách photocopy với giá “khủng” hai cuốn sách khác về Việt Nam. Đó là cuốn Viet Nam civilization and culture, English version of the work entitled “Connaissance du Viet Nam”, của Pierre Huard và Maurice Durand được photocopy và làm bìa màu, đóng lại như sách in, đề giá 350.000 đồng.

Tương tự, cũng cuốn sách Connaissance du Viet Nam nói trên, in năm 1954, được photocopy, đóng bìa và đề giá 350.000 đồng…

Khi được hỏi vì sao giá sách quá cao như vậy, cao hơn nhiều so với bên ngoài thì người bán tại quầy trong di tích Hữu vu cho biết: “Sách ni không rẻ được đâu! Chắc là ngoài nhà sách họ in lại đó (mới bán rẻ)!”.

Còn chủ quầy ở hậu điện di tích cung Diên Thọ giải thích: “Vì song ngữ nên mắc như vậy! Cái đó nhà xuất bản họ đưa giá như vậy nên em bán như vậy!”.

Trong khi đó tại quầy nội điện di tích Thế miếu, người bán sách kiêm bảo vệ di tích hỏi vặn lại khi chúng tôi thắc mắc sao giá sách cao quá: “Anh hỏi để làm gì?”…

Cũng trong chiều 9-8, khi hỏi về sự việc trên, ông Phan Thanh Hải – giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – cho biết “sẽ cho kiểm tra ngay và trả lời (sau)!”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) cho biết giá bán lẻ của cuốn sách Việt Nam a long history của Nguyễn Khắc Viện là 270.000 đồng.

Người phụ trách bộ phận phát hành của NXB Thế Giới cho biết giá bìa quyểnHuế la citadelle et ses palais của tác giả Phan Thuận An là 55.000 đồng, sách này xuất bản năm 2011.

Còn quyển Hue Vietnam’s last imperial capital của Carol Howland có giá bìa 250.000 đồng, xuất bản năm 2016.Lam Điền

THÁI LỘC