Làm sao giám sát đặc quyền, đặc lợi?
Đặc quyền luôn đi kèm đặc lợi. Quyền và lợi đó do Nhà nước trao cho người lãnh đạo, tuỳ theo vị trí để họ phụng sự lợi ích công. Thế nhưng đặc quyền, đặc lợi là cái rất khó giám sát.
Làm sao giám sát đặc quyền, đặc lợi?
Đặc quyền luôn đi kèm đặc lợi. Quyền và lợi đó do Nhà nước trao cho người lãnh đạo, tuỳ theo vị trí để họ phụng sự lợi ích công. Thế nhưng đặc quyền, đặc lợi là cái rất khó giám sát.
Chiếc xe Lexus biển xanh phục vụ ông Trịnh Xuân Thanh khi ông này làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang được coi là việc sử dụng đặc quyền, đặc lợi sai mục đích – Ảnh: P.N. |
Nơi này nơi nọ đặc quyền, đặc lợi đã bị lạm dụng cho mục đích cá nhân. Làm sao giám sát đặc quyền, đặc lợi để phục vụ công vụ là nội dung Diễn đàn chủ nhật tuần này.
* Ông LÊ VĂN CUÔNG (nguyên đại biểu Quốc hội):
Đừng trông chờ vào ý thức tự giác
|
Chuyện một số đại biểu Quốc hội chuyên trách trả xe, trả phòng làm việc ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ của Quốc hội (mặc dù còn hai tháng nữa mới nghỉ hưu) được dư luận hoan nghênh.
Vì sao? Bởi trước hết đó là những đại biểu có lòng tự trọng cao.
Tuy nhiên cũng có những người đặt vấn đề: việc này là bình thường, có gì đâu mà phải khen?
Nhưng nó vẫn gây xôn xao vì ở nước ta đó là điều không phải diễn ra như lẽ thường tình.
Lâu nay chúng ta có cái khoảng thời gian gọi là “chờ sổ hưu”, và trong cái khoảng chờ này thì chế độ vẫn như đương chức.
Chính quy định pháp luật như vậy nên nó mới đẻ ra tâm lý của cựu lãnh đạo là tận dụng “của chùa” được ngày nào hay ngày ấy, thậm chí là cố bòn rút, tư lợi, chây ỳ.
Ví dụ, chuyện quản lý nhà công vụ đã nhiều lần dư luận lên tiếng, gay gắt nhất là khi Quốc hội khoá XIII sửa đổi Luật nhà ở.
Có nhiều vị ra trung ương công tác, được phân nhà công vụ nhưng về hưu vẫn không chịu trả chìa khoá, không bàn giao lại, thậm chí có vị hưu trí về quê nhưng nhà đó vẫn giữ cho con đi học đại học, cho cháu ở nhờ…
Một dạo dư luận lên tiếng rất dữ dội, gần đây tôi thấy tình hình có cải thiện, nền nếp hơn.
Và đây là một ví dụ: khi Luật nhà ở đưa ra quy định cụ thể hơn về chế độ, trách nhiệm, phương thức quản lý thì trật tự được lặp lại.
Đối với phòng làm việc, xe công cũng phải như thế, cần có quy định rõ ràng là lúc nào thì anh hết nhiệm vụ, hết nhiệm vụ bao nhiêu ngày thì phải bàn giao, trước khi bàn giao bao nhiêu ngày thì cơ quan quản lý công sản phải ra thông báo, đừng để cái khoảng “chờ hưu” lâu quá.
Rõ ràng như vậy thì mới được, bởi cũng có cựu lãnh đạo nói rằng “có thấy ai nói gì đâu mà phải trả”. Tóm lại, chúng ta không thể trông chờ vào sự tự giác.
Tôi nhớ trước đây ông Trần Quốc Thuận (lúc còn giữ chức phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) xung phong nhận khoán xe công, đi “xe ôm” đi làm, cũng có người bình luận là “ông này hâm”.
Việc ông Lê Như Tiến vừa rồi được đông đảo nhân dân hoan nghênh, nhưng cũng không loại trừ có người “ngứa mắt” coi ông Tiến làm màu làm mè. Thành ra, người ta cũng nói rằng cơ chế mà không rõ ràng thì muốn làm người tử tế cũng khó.
Vì vậy muốn xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, trước hết phải rà soát hệ thống pháp luật, quy định, phân định vị trí công việc rõ ràng, đặc quyền – đặc lợi phải được giám sát tốt, không để người có đặc quyền dùng quyền hạn để vụ lợi hoặc trục lợi.
Đặc quyền, đặc lợi mà người có chức có quyền được có phải được phục vụ cho công vụ, chứ không được tư lợi như ta thường thấy hiện nay.
* Ông PHẠM ĐÌNH TOÀN (nguyên phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP.HCM):
Trao quyền giám sát cho mỗi người dân
|
Tôi muốn nhìn chuyện đặc quyền, đặc lợi ở góc nhìn bình dân nhất: Nếu một người dân nhìn thấy ông lãnh đạo dùng xe công để đi việc tư, họ sẽ báo cho ai, ở đâu? Được tiếp nhận và xử lý như thế nào?
Ông lãnh đạo đó có chịu áp lực giải trình hay không? Tôi nghĩ oái oăm ở chỗ là người dân đều không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này.
Bài trắc nghiệm nhỏ đó để thấy rằng chúng ta đang thiếu đi một cơ chế giám sát việc sử dụng tràn lan đặc quyền, đặc lợi sai chỗ.
Giám sát tối cao từ Quốc hội, từ các cơ quan Chính phủ dĩ nhiên rất quan trọng. Nhưng quyền giám sát ấy còn phải được trao cho cả những người dân bình thường nhất.
Để ít nhất ông cán bộ nào sử dụng bừa bãi quyền lợi công vụ cũng có thể bị người dân “níu áo” đưa lên cơ quan có trách nhiệm. Hoặc nếu không thì cũng sẽ xấu hổ khi bị “bêu tên” sử dụng đồng tiền thuế của họ sai mục đích.
Những tín hiệu đầu tiên về việc này, theo tôi đã có. Sự đồn đãi, bất bình, dè bỉu của người dân Hậu Giang về chiếc xe Lexus biển số xanh của ông Trịnh Xuân Thanh khi còn là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang là một ví dụ.
Nếu như người dân miệt Hậu Giang cho qua, không thắc mắc thì có thể đến giờ này ông Trịnh Xuân Thanh vẫn còn cưỡi chiếc Lexus có biển số trật lất đó để thực thi công vụ.
Như vậy, ví dụ về chiếc Lexus biển xanh của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy nếu có một cơ chế rõ ràng để tiếp nhận sự giám sát của dân thì có thể Tổng bí thư vừa rồi sẽ phải ra nhiều hơn những văn bản chỉ đạo làm rõ, chứ không riêng gì vụ chiếc Lexus biển xanh.
Chúng ta nói “dân làm chủ” và sẽ không có gì minh chứng điều đó đúng hơn bằng việc trao quyền làm chủ, quyền giám sát đó cho những người dân bình dân nhất.
* Ông HUỲNH NGHĨA (nguyên trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng khóa XIII):
Do mình cả thôi, luật có hết rồi
|
Nếu nói về cơ chế để giám sát đặc quyền, đặc lợi thì ở Việt Nam có thừa: Luật nhà ở quy định về nhà ở công vụ, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí… Có cả! Có nhiều luật, nhiều quy định chi phối các công bộc của dân.
Nhưng đặc quyền, đặc lợi vẫn cứ tràn lan, sai mục đích là vì nhiều người không chịu thực hiện và kiểm soát thực hiện một cách nghiêm túc.
Nói thẳng là quản lý nhà nước về chuyện này còn yếu kém, không nghiêm minh.
Vậy cái cần sửa là cơ chế giám sát chứ không phải là quy định.
Chính phủ đang cố gắng xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo. Đây chính là cơ hội vào cuộc.
Vì nhiều chuyện đang rõ như ban ngày, dân đang bức xúc, cơ hội rất tốt để Chính phủ thể hiện.
Lâu dài hơn, Chính phủ phải có quy định chặt chẽ những thứ liên quan đến đặc quyền, đặc lợi – vì các cơ quan trực thuộc Chính phủ, trung ương tới địa phương là nơi sử dụng nhiều nhất và có thể có cả việc sử dụng sai mục đích – những đặc quyền, đặc lợi.
Cơ quan tham mưu quan trọng nhất của Chính phủ việc này là Bộ Tài chính, nơi tham mưu quản lý công sản nhà nước, nơi đưa ra các quy định về chế độ công vụ phải quản lý chặt chẽ và tham mưu dứt khoát.
Sở dĩ tôi dùng từ “dứt khoát” là để bất cứ là ai, chức vụ quan trọng nào thì Bộ Tài chính cũng vẫn áp dụng một quy định thống nhất, không nể nang.
Nhiều người sẽ lo lắng là ngoài trung ương, 63 tỉnh thành có hàng trăm ngàn cơ quan, hàng triệu cán bộ công chức làm sao giám sát cho hết? Xin thưa: chỉ cần trung ương làm nghiêm thì dưới địa phương chắc chắn phải làm theo.
Thứ hai, Quốc hội là cơ quan được trao quyền giám sát tối cao phải tổ chức giám sát, kiểm tra lại tất cả vấn đề đó.
Không chỉ chuyện công sản, đặc quyền, đặc lợi mà vừa rồi thấy rõ là từ ô nhiễm môi trường, chạy chức chạy quyền, luân chuyển cán bộ, nếu Quốc hội và các cơ quan địa phương giám sát kỹ thì vấn đề chắc không đến nỗi trầm trọng.
Quốc hội phải đi thẳng vào vấn đề, không nói chung chung trong việc giám sát nữa.
Bởi qua việc này không chỉ thể hiện sự thất thoát về tài sản mà thất thoát lớn nhất là lòng tin của dân vào Nhà nước.
Nói tóm lại, do mình cả thôi, có luật hết rồi.