23/12/2024

Thành phố thông minh người dân được gì ?

Người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an sinh xã hội…

 

Thành phố thông minh người dân được gì ?

Người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an sinh xã hội…




TP.HCM kỳ vọng phát triển vượt bậc khi triển khai xây dựng Smart City /// Ảnh: Nguyễn Văn Hải

 

TP.HCM kỳ vọng phát triển vượt bậc khi triển khai xây dựng Smart CityẢNH: NGUYỄN VĂN HẢI


Đó là chia sẻ của ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT) khi trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên về Smart City (thành phố thông minh) mà UBND TP.HCM và VNPT đang phối hợp triển khai.
Ông có thể chia sẻ về xu hướng phát triển “thành phố thông minh” trên thế giới hiện nay?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về “thành phố thông minh” trên thế giới, nhưng nhìn chung khái niệm “thành phố thông minh” đều đề cập tới việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng cuộc sống ở đô thị, cải thiện sự tương tác tích cực giữa người dân và chính quyền TP, đồng thời quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Trong 5 năm gần đây, các dự án triển khai “thành phố thông minh” đã và đang được thực hiện trên thế giới. Một trong những hình mẫu là Barcelona (Tây Ban Nha); ở đây ngoài việc thực hiện việc kết hợp giữa lập kế hoạch đô thị, nghiên cứu sinh thái và công nghệ thông tin để đảm bảo mang lại những lợi ích của công nghệ cho mọi hộ dân trong TP và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, họ còn phát triển các chương trình để làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước trở nên minh bạch với người dân. Hay như Rio de Janeiro (Brazil), sau trận lụt lớn làm chết hơn 100 người vào năm 2010, họ đã thiết lập một hệ thống còi báo động dựa trên thông tin thu thập từ phân tích lượng mưa tại các điểm của TP để đưa ra những cảnh báo kịp thời.
Có thể nói đa phần các TP trên thế giới xây dựng “thành phố thông minh” dựa trên các giải pháp công nghệ đang có trên thị trường để xây dựng TP ngày càng trở nên “thông minh”. Từ đó, các TP xây dựng một giải pháp tổng thể để kết nối các giải pháp hiện tại. Và VN cũng không nằm ngoài xu thế đó, ghép các giải pháp đơn lẻ thành một giải pháp tổng thể (unique platform).
Khung giải pháp Smart City
Thành phố thông minh người dân được gì ? - ảnh 1

Ông Phạm Đức LongẢNH: THÚY QUỲNH

       

Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM vừa qua, cụ thể những dịch vụ cơ bản mà VNPT đề xuất là gì?

Giải pháp “thành phố thông minh” do VNPT đề xuất với các dịch vụ thông minh xoay quanh đối tượng trọng tâm là con người. Khung giải pháp dựa trên hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin – dịch vụ thông minh – trung tâm vận hành. Với 5 lĩnh vực cụ thể, VNPT đã đưa ra hàng loạt các dịch vụ thông minh. Với lĩnh vực chính quyền số, VNPT cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho một chính quyền điện tử như dịch vụ công, văn phòng điện tử, quản lý doanh nghiệp, dân cư, lưu trú, quản lý đầu tư công, quản lý đất đai; bên cạnh đó cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch, văn hoá như các ứng dụng du lịch, cổng thông tin du lịch, các phương thức thanh toán tiện lợi không dùng tiền mặt. Với lĩnh vực an toàn TP, VNPT xây dựng các giải pháp giúp cho việc đảm bảo an toàn công cộng và việc thực thi pháp luật như camera giám sát (CCTV), phát hiện các tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật, phiên xét xử…
Ở lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, VNPT đưa ra các giải pháp như quản lý bệnh viện, số hóa bệnh án, hỗ trợ thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đến quản lý tệ nạn, vô gia cư, bảo hiểm xã hội (BHXH). Đối với lĩnh vực giáo dục, VNPT đưa ra các giải pháp đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong môi trường thông minh như học từ xa, quản lý nhà trường, học sinh, hỗ trợ các thiết bị thông minh, giúp phụ huynh theo dõi con cái…
Để đảm bảo phát triển TP bền vững, VNPT đã chú trọng vào các giải pháp đảm bảo vận hành hạ tầng TP hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời có kế hoạch sử dụng tài nguyên hợp lý. Chẳng hạn như đối với giao thông là các giải pháp quản lý xe, thu phí, đậu xe, biển báo…; đối với năng lượng và nước sạch thì quản lý lưới điện, phân tích tiêu dùng nước và điện; đối với toà nhà, chúng ta có toà nhà thông minh, với nhà ở của cư dân thì chúng ta có nhà thông minh.
Hỗ trợ tình huống khẩn cấp, phòng ngừa trộm cướp
Khi thực hiện “thành phố thông minh”, một nội dung trọng tâm là sẽ triển khai ứng dụng bảo vệ cư dân trước các tình huống khẩn cấp, trộm cắp, cướp giật… thông qua lắp đặt hệ thống camera chất lượng cao giám sát toàn TP. Ứng dụng này cụ thể như thế nào?
Một trong những nội dung trọng tâm khi thực hiện Smart City trong giai đoạn đầu tiên là hệ thống camera giám sát dựa trên giải pháp Cloud Camera do VNPT đang cung cấp. Hệ thống camera cung cấp thông tin kịp thời về giao thông, giải quyết ùn tắc, bằng chứng cho các đơn vị liên quan (công an, bảo hiểm, cứu hộ, cứu hoả, cấp cứu…) về các trường hợp như trộm, cướp, tai nạn, đậu đỗ xe sai quy định…; cung cấp thông tin về giao thông cho khách du lịch…
Với giải pháp giám sát TP được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây với công nghệ Plug & Play và di động, các kịch bản tình huống sẽ được xây dựng. Ví dụ, khi xảy ra ùn tắc giao thông tại một khu vực nào đó, hệ thống camera tại các khu vực lân cận có thể nhanh chóng cung cấp thông tin về giao thông để giúp người điều hành có thể ra được các chính sách điều hướng linh hoạt, tránh việc làm trầm trọng thêm tại khu vực đang ùn tắc. Một ví dụ khác là camera theo dõi một con đường ven sông sẽ cung cấp thông tin đồng thời cho hai module phân tích theo dõi lưu lượng giao thông và theo dõi mực nước của sông…
Hệ thống phòng chống tội phạm và hỗ trợ khẩn cấp được triển khai tại một số khu vực ít người qua lại, các hệ thống camera ở đây có khả năng giám sát nhiều chiều, có khả năng nhìn đêm. Khi xảy ra sự cố thì người dân có thể bấm phím khẩn cấp trên cột, hệ thống sẽ kích hoạt loa báo động và hình ảnh từ camera có thể được truyền theo thời gian thực đến xe của cảnh sát. Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ an toàn qua điện thoại thông minh rất hữu ích cho phụ nữ, trẻ em và du khách. Khi đăng nhập sử dụng hệ thống, người dùng có thể khởi tạo quãng đường đi bộ cần di chuyển và thời gian di chuyển; hệ thống sẽ theo dõi diễn biến trên quãng đường và thời gian đó qua tín hiệu GPS. Khi người sử dụng tiến hành di chuyển thì ứng dụng sẽ cho phép xem qua camera hình ảnh ở quãng đường phía trước. Nếu tín hiệu GPS không phù hợp với quãng đường và thời gian di chuyển đã đăng ký, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo và trung tâm kết nối có thể chuyển tín hiệu cảnh báo đến các đội xử lý và hỗ trợ khẩn cấp.
Thách thức và lộ trình triển khai
Lộ trình nào để có thể triển khai khả thi “thành phố thông minh” tại TP.HCM?
Với kinh nghiệm của mình, VNPT đang tăng tốc xây dựng và cũng đưa ra quy trình triển khai Smart City. Đối với TP.HCM, VNPT đề xuất triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến 2018 tiếp tục hoàn thiện hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin, xây dựng trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của một trung tâm vùng, chuyển giao nền tảng tích hợp lên trung tâm dữ liệu. Giai đoạn 2 (2018 – 2020) tiếp tục triển khai các dịch vụ trên nền tảng đã xây dựng, giải quyết các thách thức mới. Giai đoạn 3, định hướng đến 2025 xây dựng TP ngày càng thông minh theo định hướng của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh ở VN nói chung và TP.HCM nói riêng, có thể sẽ gặp phải những khó khăn nào không, thưa ông?
Theo chủ trương của Chính phủ, VNPT đáp ứng các mô hình hợp tác, từ chìa khoá trao tay, thuê dịch vụ công nghệ thông tin đến hợp tác công tư (PPP). Để triển khai Smart City sẽ có thể phải áp dụng cả 3 mô hình nói trên một cách linh hoạt, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn và nguồn lực của các bên. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên triển khai theo mô hình mà khả năng thu hồi vốn nhanh nhất, trong đó có hợp tác công tư.
Trong hoàn cảnh ở VN nói chung và TP.HCM nói riêng, nguồn vốn dành cho việc xây dựng “thành phố thông minh” chưa được đặt lên ưu tiên. Đây cũng chính là khó khăn và thách thức khi triển khai, tuy nhiên nếu như chúng ta quyết tâm, cung cấp các dịch vụ thật sự có ích, giúp cho việc quản lý TP hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì việc nghiên cứu đưa ra một đề án khả thi là rất cần thiết. VNPT sẽ cùng với TP.HCM chung tay giải quyết bằng các phương thức hợp tác cụ thể.
Cung cấp môi trường sống thân thiện
Thưa ông, người dân sẽ được thụ hưởng những tiện ích gì từ “thành phố thông minh”? Chính quyền sẽ đột phá thế nào về mặt quản lý? Doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội nào trong môi trường này?
Ba đối tượng chính được phục vụ trong Smart City là chính quyền – doanh nghiệp – người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an sinh xã hội… Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển TP bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí, thu được nhiều thuế từ các doanh nghiệp, người dân đóng góp.
Bước đi tiếp theo mà VNPT có thể chủ động được sau khi lãnh đạo TP.HCM đã quyết định lựa chọn VNPT để triển khai Smart City?
VNPT đã có những thoả thuận hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới nhằm bổ sung các giải pháp cũng như kinh nghiệm trong triển khai Smart City. Bước tiếp theo sau khi được TP.HCM lựa chọn triển khai, VNPT sẽ cử đội chuyên gia và đối tác cùng với chính quyền TP bắt tay ngay vào việc xây dựng đề án (dự kiến là 3 tháng). Đề án này sẽ đưa các giải pháp cụ thể sau khi phân tích các thách thức tại TP.HCM với sự tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm triển khai Smart City trên thế giới. Sau đó sẽ được đưa ra lấy ý kiến của người dân. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia VNPT đang lên các phương án mà VNPT chủ động được như hoàn thiện hạ tầng công nghệ cao.
Ngoài TP.HCM, VNPT còn nhắm đến Phú Quốc
Ngày 6.8, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết việc xây dựng huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành thành phố thông minh mới chỉ ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu theo ý tưởng, đề xuất của Tập đoàn VNPT.
Theo Tập đoàn VNPT, khi xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố thông minh thì mỗi trụ điện, trụ đèn đường đều có thể trở thành các trạm thông tin hoặc điểm phát wifi tốc độ cao. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân sẽ có được những thông tin chung về Phú Quốc như dân số, diện tích, điểm tham quan, tình hình thời tiết… Theo đề xuất, lộ trình triển khai xây dựng gồm 4 giai đoạn, từ 2016 – 2025 VNPT sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử (giảm thủ tục, bớt phiền hà cho người dân trong thủ tục hành chính), quản lý hạ tầng thông minh và hiệu quả; bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chất thải; đảm bảo an sinh xã hội.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn VNPT, cho rằng Phú Quốc là địa phương có đủ điều kiện để xây dựng thí điểm thành phố thông minh cả về hạ tầng và nguồn nhân lực. “Hiện nay, toàn bộ huyện đảo Phú Quốc đã được đầu tư hạ tầng vô tuyến băng rộng 4G; di động 4G được lắp kín cả huyện, cáp quang rải khắp nơi, cung cấp dịch vụ cáp quang tốc độ cao đến tận nhà dân và có đường cáp quang nối ra biển, nối thông với đất liền nên có đầy đủ điều kiện để triển khai Smart City rất nhanh và rất khả thi”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, yêu cầu việc xây dựng Phú Quốc thành thành phố thông minh phải đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho người dân tốt hơn, tăng hiệu quả quản lý và phục vụ của chính quyền, đảm bảo an toàn an ninh cho người dân, du khách và đặc biệt là phải giải quyết được những vướng mắc tại Phú Quốc như thủ tục hành chính, năng lực quản lý, an ninh trật tự, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Xuân Lam

Ý kiến:
Thành phố thông minh người dân được gì ? - ảnh 2

       

2025 xây dựng được Smart City

Hạ tầng cơ bản của TP.HCM hiện nay chưa hoàn chỉnh, còn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, cư dân biến động với số lượng lớn… Đây chính là những thách thức mà chúng ta cần giải quyết bằng các giải pháp thông minh trên nền Smart City. Khi xây dựng giải pháp này, TP mong muốn tạo ra những bước tăng trưởng vượt bậc trong phát triển kinh tế, cũng như phát triển bền vững cho TP, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Lý do chọn VNPT bởi đây là đơn vị có kinh nghiệm triển khai Smart City, hạ tầng công nghệ viễn thông tiên tiến, mạng lưới dịch vụ phủ sóng rộng, tương thích với các quốc gia trên thế giới và khu vực. TP cùng với VNPT đánh giá từng thách thức, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, sau đó sẽ đưa ra lộ trình cụ thể cho cải thiện, nâng cấp mới hạ tầng cơ bản, bên cạnh đó là việc áp dụng các giải pháp công nghệ. TP sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Smart City do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn, rất mạnh mẽ của chính quyền TP. TP đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng được Smart City. Từ đây đến thời điểm đó, TP sẽ có lộ trình, đặt ra những đề bài để từng bước triển khai, giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch UBND TP.HCM)
Thành phố thông minh người dân được gì ? - ảnh 3

       

Không liên thông sẽ gây lãng phí

Khi triển khai Smart City rất cần sự cập nhật, kết nối để tránh lãng phí các chương trình đã đầu tư. TP đang làm hơn 10 phần mềm cơ sở dữ liệu để có thể dùng chung giữa các sở ngành, quận, huyện nhưng một hạn chế đang tồn tại là tính liên thông vẫn chưa cao; từng ngành, từng đơn vị tự làm rất phân tán. Đơn cử như phần mềm quản lý tất cả cán bộ, công chức TP mà TP đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng hiện vẫn không kết nối được với Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan ở T.Ư. Nếu làm Smart City thì nên bắt đầu từ trên xuống. Chính phủ cần có chủ trương và quyết tâm thực thi mạnh mẽ, bởi nếu như không đảm bảo tính liên thông trong bộ máy hành chính thì sẽ gây lãng phí lớn về kinh phí đầu tư.
Ông Lê Hoài Trung (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM)
Tân Phú (ghi)

 

Tân Phú 
(thực hiện)