24/12/2024

Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?: Nóng vội hay rập khuôn đều không tốt

Ông Đặng Tự Ân, chuyên gia Trưởng dự án VNEN, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng tuỳ điều kiện mà áp dụng ở mức độ khác nhau. Phát triển nóng vội hay rập khuôn đôi khi phản tác dụng.

 

Vì sao giáo viên và phụ huynh đều sợ VNEN?: Nóng vội hay rập khuôn đều không tốt

 

Ông Đặng Tự Ân, chuyên gia Trưởng dự án VNEN, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng tuỳ điều kiện mà áp dụng ở mức độ khác nhau. Phát triển nóng vội hay rập khuôn đôi khi phản tác dụng.





Ông Đặng Tự Ân trong một buổi tập huấn về VNEN /// Ảnh: Tuyết Mai

 

Ông Đặng Tự Ân trong một buổi tập huấn về VNENẢNH: TUYẾT MAI


Mặc dù thừa nhận mô hình trường học mới VN (VNEN) có những mặt tích cực, nhưng trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Đặng Tự Ân, chuyên gia Trưởng dự án VNEN, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng tùy điều kiện mà áp dụng ở mức độ khác nhau. Phát triển nóng vội hay rập khuôn đôi khi phản tác dụng.


Quan điểm của ông khi đón nhận thông tin một số tỉnh tạm dừng thực hiện VNEN, trong đó có những địa phương vốn rất hăng hái và được Bộ GD-ĐT coi là điển hình?
Tất nhiên là chúng tôi lấy làm tiếc về việc dừng triển khai mô hình ở tỉnh Hà Giang vào năm học mới, trong khi Bộ vừa tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả qua 3 năm triển khai mô hình VNEN. Tất cả các tỉnh, thành đều có đánh giá tốt về bản chất của mô hình và kết quả triển khai, mặc dù cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình và công tác chỉ đạo, điều hành để thời gian tới có kết quả tốt hơn.


Một số chuyên gia cho rằng nhiều nơi chạy theo số lượng nên ở những trường chưa đảm bảo điều kiện vẫn thực hiện. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương quá nôn nóng… Ý kiến của ông về nhận định này?
Tùy theo điều kiện từng trường mà có thể áp dụng mô hình ở mức độ khác nhau (áp dụng tất cả hay một phần nội dung, một trường hay nhiều trường, yêu cầu cao hay thấp về mức độ đạt được). Phát triển nóng vội hay rập khuôn máy móc đều không tốt, đôi khi phản tác dụng cho địa phương cũng như toàn bộ mô hình. Tuy nhiên, đã có khoảng hơn 30% số trường tiểu học trong toàn quốc áp dụng là điều rất mừng về tính hấp dẫn đổi mới của mô hình với các địa phương.
Trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục là phải từng bước có lộ trình giải quyết. Nếu chưa giải quyết được triệt để vẫn có thể áp dụng VNEN nhưng cần phải sáng tạo, linh hoạt cả về mục tiêu và giải pháp thực hiện cho phù hợp với từng lớp và từng trường ở mỗi địa phương. Đợi khi có đầy đủ, đồng bộ các điều kiện mới triển khai đổi mới, áp dụng mô hình, theo tôi là điều không tưởng.


Việc dự án kết thúc đồng nghĩa với việc kinh phí cho VNEN cũng hết, điều này có ảnh hưởng gì đến duy trì và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới hay không?
Có kinh phí hỗ trợ từ dự án thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn, nhất là những trường còn thiếu nguồn lực, nhưng đó không phải là điều kiện chủ yếu để chúng ta tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Vì hiện tại trong 54 tỉnh thành phố trong cả nước đã có trên 2.300 trường tiểu học tự nguyện nhân rộng mô hình mà không có hỗ trợ kinh phí từ dự án.
Hà Tĩnh không mở rộng, Hà Giang dừng mô hình
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo không nhân rộng để có thời gian xem xét đánh giá thêm. Tỉnh Hà Giang yêu cầu “dừng” và chỉ đạo vận dụng linh hoạt mô hình VNEN, không áp dụng nguyên mẫu như thời gian thực hiện dự án vừa qua.
Năm học 2015 – 2016, tỉnh Hà Tĩnh nhân rộng tới khoảng trên 50% số trường trong toàn tỉnh. Sở GD-ĐT dự tính nhân rộng thêm trong năm học tới nhưng UBND tỉnh yêu cầu chưa nhân rộng mà giữ nguyên ở tỷ lệ này để đánh giá, tổng kết. Những người làm dự án rất khâm phục ý chí, quyết tâm về mong muốn đổi mới của Sở tuy nhiên việc chỉ đạo 100% áp dụng ngay là chưa nên, cần có thời gian để trải nghiệm mô hình thêm một số năm học nữa.
Hà Giang là tỉnh miền núi rất khó khăn về giáo dục. Bộ đã chỉ đạo và hỗ trợ mô hình VNEN ở Hà Giang được trên 5 năm, có nhiều giáo viên của tỉnh đã trưởng thành, cán bộ cốt cán đi tập huấn mô hình ở các tỉnh bạn. Hà Giang có 73 trường được dự án hỗ trợ với trên 40 tỉ đồng. Việc địa phương cho dừng VNEN vào năm học 2016 – 2017 để quay lại mô hình truyền thống là đáng tiếc, nhất là khi chưa phân tích, đánh giá yếu tố tích cực mô hình ở địa phương một cách rộng rãi, chưa tham khảo ý kiến chỉ đạo mô hình ở các tỉnh bạn có hoàn cảnh tương đồng.



Tuệ Nguyễn 
(thực hiện)