24/12/2024

Tranh cãi về ‘du lịch xem voi rừng’

Ý tưởng vừa đặt ra tại hội thảo về bảo tồn voi tại Quảng Nam là lồng ghép du lịch xem voi rừng trong khu bảo tồn rộng gần 17.500 ha đã nhận những ý kiến trái chiều.

 

Tranh cãi về ‘du lịch xem voi rừng’

Ý tưởng vừa đặt ra tại hội thảo về bảo tồn voi tại Quảng Nam là lồng ghép du lịch xem voi rừng trong khu bảo tồn rộng gần 17.500 ha đã nhận những ý kiến trái chiều.




Du khách cưỡi voi ngoạn cảnh sông Sêrêpốk ở Buôn Đôn, Đắk Lắk /// Ảnh: Ngọc Quyền

Du khách cưỡi voi ngoạn cảnh sông Sêrêpốk ở Buôn Đôn, Đắk LắkẢNH: NGỌC QUYỀN


“Cho đến bây giờ tôi chưa dám nói có táo bạo hay không”, ông Cao Chí Công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nói về ý tưởng thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi gắn với phát triển du lịch sinh thái tại hội thảo tổ chức chiều qua 3.8, nhân chương trình Tuần lễ bảo tồn voi khởi động tại H.Nông Sơn (Quảng Nam). “Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT) sẽ điều tra, đánh giá về quy mô sinh cảnh voi lẫn số lượng, tập tính của cá thể”, ông Công cho biết.
Nông Sơn được chọn làm điểm “khởi động” ý tưởng này vì đây là 1 trong số 15 điểm còn voi hoang dã ở VN. Trong đó, 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh là nơi có quần thể voi quan trọng thứ 4 trên toàn quốc. Toàn bộ diện tích gần 17.500 ha rừng đặc dụng trên địa bàn 2 xã này đã được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào quy hoạch khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi giai đoạn 2011 – 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng. Khu vực này được các nhà khoa học ước đoán có khoảng 6 – 10 cá thể voi hoang dã dựa trên việc phân tích dấu chân. Đến đầu tháng 7.2016, người dân thôn Cấm La (xã Quế Lâm) phát hiện 6 cá thể voi đang sinh sống tại khu vực Khe Rong, trong đó 1 con voi đực có ngà dài khoảng 30 cm. Còn theo số liệu của ngành kiểm lâm Quảng Nam, ngoài đàn voi đang sinh sống ở khu vực Nông Sơn – Hiệp Đức, còn một đàn khác nữa ở khu vực phía tây nam thuộc địa bàn Bắc Trà My – Tiên Phước.
Quá mạo hiểm?
Voi “làm” du lịch không phải chuyện mới, đã thực hiện nhiều năm ở Ea Súp (Đắk Lắk) và nhất là ở Thái Lan. Tuy nhiên, hầu hết cá thể voi phục vụ du lịch đều đã được thuần dưỡng. Lâu nay, ở địa bàn Quảng Nam mỗi khi voi rừng xuất hiện là kéo theo hàng loạt rắc rối: phá hại hoa màu, tấn công người dân… Cho nên, khi có ý tưởng đưa voi rừng vào du lịch như cách mà Tổng cục Lâm nghiệp đặt vấn đề, lập tức xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, ông Phan Tuấn, cung cấp thông tin về các vụ voi rừng tấn công người, trong đó đồng nghiệp Lê Quang Kim, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Quế Sơn, bị voi rừng quật gãy cột sống từ năm 2003 đến nay vẫn chưa chữa khỏi. Mặc dù vậy, khi PV Thanh Niên đặt nghi vấn về mức độ rủi ro với loại hình du lịch này, ông Cao Chí Công cho rằng: “Về mặt lý thuyết thì không, vì sẽ có biện pháp kèm theo, thí dụ lập hành lang hoạt động ở mức độ an toàn. Du lịch mạo hiểm ở mức độ nào, sẽ có quy chế đi kèm sau này”.
Có nhiều kinh nghiệm khi từng quản lý tại Vườn quốc gia Bạch Mã, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp), tỏ ý băn khoăn khi “thiết kế” ý tưởng đưa voi hoang dã vào du lịch. Bởi theo ông, sẽ phải thiết kế tour như kiểu homestay chẳng hạn, để khách nghỉ lại xem voi. Mà muốn xem đàn voi rừng di chuyển và sinh hoạt như thế nào, phải có góc nhìn từ trên cao xuống. “Phải đặt vấn đề quy hoạch như thế nào để tránh xung đột. Voi mất dần do săn bắn, mất sinh cảnh. Bị ảnh hưởng như vậy, voi mới trở nên hung dữ. Mà vùng sinh cảnh quy hoạch gần 17.500 ha theo tôi là không đủ cho đàn voi sống và di chuyển, đảm bảo hành lang tìm kiếm thức ăn. Kinh nghiệm tại Thái Lan cho thấy họ tạo vùng đệm rộng, khoảng 5 – 10 cây số, rồi trồng các loài cây để voi đến ăn”, ông Linh gợi ý.
Không dễ gặp… voi
Một số đại diện lữ hành tỏ ra khá dè dặt. Ông Phan Xuân Thanh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói thẳng là nên tách ra thành 2 dự án riêng, không thể “nhập” giữa bảo tồn voi với du lịch thành một. Giám đốc Công ty CP du lịch Mai Linh miền Trung, ông Nguyễn Viết Trãi, quả quyết “rất khó khả thi” trong điều kiện hiện nay.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho đây là ý tưởng hay, nhưng làm sao để du khách… thấy được voi rừng mới là chuyện quan trọng. Với diện tích vùng bảo tồn rất rộng, đàn voi rừng chỉ vỏn vẹn khoảng 6 con thì dễ “lọt thỏm” trong rừng sâu. “Voi rừng vốn rất sợ người. Đưa du khách tới mà lỡ họ không xem được voi thì sao? Ít ra xác suất thấy được voi phải 80 – 90% mới được cho là tour khả thi. Nếu mở rộng đan xen với các loài khác thì hay hơn”, ông Cường phân tích thêm.
Voi rừng được bảo vệ an toàn hơn
Theo kế hoạch triển khai dự án thành lập khu bảo tồn sinh cảnh voi, trong vòng 5 tháng (kể từ tháng 8.2016), Tổng cục Lâm nghiệp VN triển khai điều tra, khảo sát phân bố, sinh cảnh sống của voi để phân vùng bảo vệ. Để bảo tồn voi và bảo vệ người trong vùng sinh cảnh voi, hiện dự án đã lắp đặt hệ thống phát thanh tại 20 điểm, xây dựng 20 điểm cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xung đột; cấp phát 750 chiếc thau đồng để làm “công cụ” xua đuổi khi xung đột với voi, hỗ trợ thiết bị flycam, báo động sớm để giám sát quần thể voi ngoài tự nhiên. Mục đích quan trọng nhất của dự án là giữ và khôi phục sinh cảnh, lập khu bảo tồn; sau đó tính đến việc phát triển quần thể (về số lượng voi)… Khi lập khu bảo tồn, voi sẽ được an toàn bên trong vùng hành lang (rộng 5 – 10 km) và có cơ chế bảo vệ; đồng thời, một loạt các loài khác trong vùng sinh cảnh cũng sẽ được bảo vệ.
Trong khi chờ khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi được thành lập, UBND H.Nông Sơn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục đầu tư trang thiết bị để ghi lại hình ảnh voi, nắm rõ khu vực voi thường tìm kiếm thức ăn để theo dõi, cảnh báo, phòng tránh xung đột.


 

Hứa Xuyên Huỳnh