Ngán ngẩm điểm đen tai nạn giao thông
TP.HCM có đến 18 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, nhiều điểm đen mới xuất hiện như giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), đường Nguyễn Tất Thành (Q.4)…
Ngán ngẩm điểm đen tai nạn giao thông
TP.HCM có đến 18 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT). Trong đó, nhiều điểm đen mới xuất hiện như giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), đường Nguyễn Tất Thành (Q.4)…
Đoạn từ số nhà 404 đến 428 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP.HCM là một trong những điểm đen tai nạn giao thông mới phát sinh trên địa bàn TP – Ảnh: HỮU KHOA |
Các điểm đen này trở thành nỗi sợ hãi của người đi đường.
Nội thành, ngoại thành đều có
Giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch mới đây có hai vụ TNGT làm hai người chết. Tại đây vào giờ cao điểm sáng hoặc chiều luôn rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, mỗi lần kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Đường Phạm Văn Bạch hai chiều nhưng mặt đường khá hẹp, lại đầy ổ gà, ổ voi. Tuy vậy xe tải từ đường này ra đường Trường Chinh nườm nượp, xếp thành những hàng dài ép sát xe máy vào lề. Theo nhiều người dân, xe máy dừng, đỗ, qua đường không cẩn thận là bị xe tải gạt té ngay, rất nguy hiểm.
Tương tự, điểm đen trên hương lộ 2 (đoạn từ số nhà 864 đến số nhà 881, phường Bình Trị Đông A) từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân qua lại nơi đây. Một tài xế xe tải nói: “Đường thì hẹp, xe thì đông, mà lại có một khúc cua gấp như vậy ngay trên đường thì rất dễ xảy ra tai nạn. Mỗi lần qua đây, cánh tài xế chúng tôi luôn lo lắng”.
Những điểm đen mới phát sinh là đoạn đường Nguyễn Tất Thành (ngay trước số nhà 155, Q.4) cũng khiến người dân hết sức lo ngại vì số lần vụ va chạm giữa xe máy và xe tải ngày càng gia tăng…
Giải pháp nào?
18 điểm đen TNGT ở TP.HCM được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng 2 điểm đen so với năm trước. Trong đó, điểm đen như giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) đã được lập phương án cải tạo đảo dừng chờ an toàn cho người đi bộ, chuyển đèn tín hiệu có chu kỳ 2 pha thành chu kỳ 3 pha.
Trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) lắp đặt đèn chớp vàng, các biển báo, dải phân cách và tấm phản quang dẫn hướng. Ở khu vực ngã tư An Sương đã lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông, mở rộng mặt đường. Đồng thời trong thời gian tới sẽ khởi công xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương. Các điểm khác cũng đã có kế hoạch xử lý.
TS khoa học Trần Quang Thắng – viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM – nói ngoài các nguyên nhân về hạ tầng, kỹ thuật, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến phát sinh các điểm đen TNGT chính là ý thức của người dân: chạy lấn tuyến, chạy cả xe lên vỉa hè, vượt ẩu, không xinhan khi sang đường… Do vậy, để khắc phục tình trạng TNGT, còn phải giải quyết vấn đề ý thức, nhận thức con người.
TS Phạm Sanh – chuyên gia giao thông – cho rằng cách quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường của VN đã lạc hậu, thiếu các tiêu chí cụ thể đánh giá nguyên nhân tai nạn, thiếu hướng dẫn các phương pháp công cụ (thậm chí công nghệ) đánh giá xử lý theo thông lệ thế giới, đặc biệt là xử lý số liệu thống kê, sử dụng mô phỏng và công nghệ GIS (kết hợp GPS).
Các nước thường có quy chuẩn kỹ thuật hoặc sổ tay hướng dẫn về điểm đen TNGT. VN chưa có và cũng chưa có hướng nghiên cứu rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy đã đến lúc ngành giao thông vận tải VN nên có một nghiên cứu và cách làm bài bản hiệu quả hơn.
Giải quyết nạn kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái Ngày 1-8, tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP phải báo cáo ngay tình hình kẹt xe cũng như giải pháp xử lý ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết hiện nay rất nhiều giải pháp đang làm, nhưng việc cần nhất vẫn là xây hai cầu vượt khu vực cửa ngõ: một cầu vượt chữ Y ngay tại khu vực sân bay để xe đi vào khu quốc tế và khu nội địa không giao cắt dưới mặt đất (đã có phương án), một cầu vượt khu vực vòng xoay Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm – đây cũng là một nhánh quan trọng ra vào sân bay. Riêng tại khu vực cảng Cát Lái, các giải pháp nhằm giảm ùn tắc đang triển khai là đăng ký thủ tục thông quan điện tử qua cảng Cát Lái. Căn cơ hơn, TP đang có nhiều dự án hạ tầng ở khu vực này như nút giao Mỹ Thủy, đường nối từ nút Mỹ Thủy đến Phú Hữu, cầu Nguyễn Thị Định mở rộng và cầu Bình Lợi mới, dự kiến tháng 8-2017 sẽ hoàn thành để đưa toàn bộ hàng theo đường thủy trên sông Sài Gòn từ Bình Dương, Tây Ninh về Cát Lái đi theo đường thủy bằng sà lan chứ không đi đường bộ như hiện nay. |
18 điểm đen tai nạn giao thông ở 10 quận gồm quận 1, 2, 4, 6, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Bình và Phú Nhuận 1. Đường Võ Văn Kiệt (Q.1): 2 vụ, 1 người chết, 1 người bị thương. 2. Đường Hồng Bàng (Q.6): 2 vụ, 1 người chết, 1 người bị thương. 3. Nút giao thông Thủ Đức (Q.Thủ Đức): 2 vụ, 3 người chết, 3 người bị thương. 4. Quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức): 3 vụ, 3 người chết. 5. Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân): 2 vụ, 2 người chết. 6. Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình): 2 vụ, 2 người chết. 7. Đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận): 2 vụ, 2 người chết, 2 người bị thương. 8. Nút giao thông Mỹ Thuỷ (Q.2): 3 vụ, 3 người chết, 1 người bị thương. 9. Nút giao thông An Phú (Q.2): 1 vụ, 2 người chết, 1 người bị thương. 10. Đường D400 (Q.9): 2 vụ, 2 người chết, 1 người bị thương. 11. Đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9): 1 người chết, 1 người bị thương. 12. Đường Lê Văn Việt (Q.9): 2 vụ, 2 người chết. 13. Ngã tư An Sương (Q.12): 8 vụ, 9 người chết. 14. Trước số nhà 81 đường Tam Bình (Q.Thủ Đức): 2 vụ, 3 người chết. 15. Hương lộ 2 (Q.Bình Tân): 2 vụ, 3 người chết. 16. Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình): 2 vụ, 2 người chết, 2 người bị thương. 17. Nguyễn Tất Thành (Q.4): 3 vụ, 3 người chết. 18. Quốc lộ 1A (Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức): 1 vụ, 2 người chết. |