Những con voi cứ chui qua lỗ kim
Lòng dân đang yêu cầu sẽ thêm nhiều “con voi tội phạm” nữa tiếp tục bị phát hiện và bị trừng phạt nghiêm khắc. Tiếng lòng chính đáng này cần phải được lắng nghe.
Những con voi cứ chui qua lỗ kim
Lòng dân đang yêu cầu sẽ thêm nhiều “con voi tội phạm” nữa tiếp tục bị phát hiện và bị trừng phạt nghiêm khắc. Tiếng lòng chính đáng này cần phải được lắng nghe.
Những thân gỗ pơmu cỡ lớn mới được xẻ thành từng tấm nằm ngổn ngang trong khu rừng sát biên giới Việt – Lào – Ảnh: LÊ TRUNG |
“Người xưa có câu lưới trời lồng lộng, kẻ ác chạy đâu cho thoát. Nhiều “con voi chui qua lỗ kim” đã bị chặn lại. Và lòng dân đang yêu cầu sẽ thêm nhiều “con voi tội phạm” nữa tiếp tục bị trừng phạt nghiêm khắc. Đó cũng là cách an lòng dân, xây việc nước, bảo vệ cơ đồ trước thời cuộc lăm le nhiều bão dông và tương lai bền vững cho con cháu mai sau… |
“Thật quá buồn! Tệ hại đến mức thế sao? Không thể hiểu nổi…”. Đó là những lời lẽ làm cho buổi cà phê sáng trở nên mặn đắng. Trời mưa lất phất, nhưng không khí quán cà phê lại oi bức kỳ lạ. Sức nóng từ lòng người phả ra!
Một bác về hưu thở dài, nói về vụ Phạm Công Danh và đồng phạm cố ý làm trái, gây thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng ở Ngân hàng Xây dựng: “9.000 tỉ đồng là thế nào nhỉ? Cán bộ về hưu lương 5 triệu đồng như tôi không thể hình dung nổi. ”. “Ông nói chi xa xôi cho khó hiểu. Rất nhiều tỉnh, thành của mình cũng không đóng thuế nổi 9.000 tỉ đồng” – một người khác góp lời chua xót!
Hết bàn chuyện sai phạm ở ngân hàng lại đến ô nhiễm môi trường, gỗ rừng chảy máu…
Ai đó chua xót khi nhắc lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Gỗ rừng đâu phải cây kim mà có thể bỏ túi đi được”. Lời lẽ quá chính xác của Thủ tướng mà bất cứ người dân nào cũng có thể hiểu và đồng cảm, thế nhưng thực tế vẫn đã và đang có biết bao gỗ rừng là cây kim, thậm chí nhỏ hơn cả cây kim mà cặp mắt bao nhiêu cán bộ chức trách ngày ngày “không thể nhìn thấy, không thể biết”.
Hình ảnh gỗ rừng pơmu được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt bị chặt phá ở biên giới Quảng Nam làm người dân buồn một, thì cảnh các súc gỗ đã được lâm tặc cưa xẻ thành phẩm nằm ngổn ngang gần trạm biên phòng, thậm chí ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang còn làm lòng dân buồn gấp mười, gấp trăm lần!
Họ thật sự yếu kém hay họ quá tệ hại? Những cán bộ liên đới trách nhiệm có thể nói không biết, không thấy này nọ, nhưng người dân sẽ chỉ hỏi lại một câu “gỗ rừng hay cây kim?”.
Dù họ có thể nói chày nói cối, biện minh thế nào, thì trong mắt dân cũng rõ rành rành đó là hình ảnh những con voi nối đuôi nhau chui qua lỗ kim. Những cán bộ ăn lương bằng đồng thuế từ mồ hôi nước mắt của nhân dân lẽ ra phải có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm này lại bị “mù hoá” mất rồi…
Tất nhiên, trong hiện trạng đầy nỗi lo cũng có tín hiệu hi vọng. Khi những “con voi chui qua lỗ kim” lần lượt bị phanh phui ra ánh sáng, phải chịu sự điều tra, trừng phạt công khai cũng có nghĩa là hệ thống chính trị, tư pháp, hành pháp chúng ta đã bắt tay vào cuộc.
Khi những nhân viên nhà nước tiếp tay cho lâm tặc; những kẻ tham lam chiếm đoạt tiền bạc của nhân dân; những cán bộ đầy rẫy sai phạm, nặng lợi nhà hơn lo việc công… không còn giấu mặt trong bình phong này nọ được nữa cũng có nghĩa là những kẻ khác hãy coi chừng sẽ đến ngày tàn của mình.
Họ phải hiểu rằng dù là cây kim cũng không thể giấu mãi trong bọc, chứ đừng nói có thể yên tâm say sưa với những núi tiền tham nhũng, những chiếc ghế lợi danh dơ bẩn.
Quá đau lòng! Đó là tâm trạng của nhiều bạn đọc khi phản hồi câu chuyện 66 cây pơmu trăm tuổi bị đốn hạ trong khu vực cấm ở Quảng Nam (Tuổi Trẻ ngày 21-7). * Quá đau lòng! Đề nghị điều tra làm rõ vụ việc này để xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm nghiêm trọng này. (Bùi Thế Tung) * Đây chắc là đường dây mafia lâm tặc, bọn này quá xem thường pháp luật. Mới đây Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa rừng, vậy mà cớ sự như vậy, thật đau lòng! (Minh Tùng) * Lâm tặc vào khu vực cấm, tự do khai thác, tập kết sản phẩm, có phải được che chắn bảo vệ bởi một số cán bộ? Phải làm cho ra bọn “sâu mọt” phá hoại đất nước này. (Dương Văn Tuấn) * Có nhiều việc cảm thấy quá phi lý mà vẫn có thể xảy ra. 66 cây gỗ đâu phải chặt cưa trong 10 phút là xong mà lại không phát hiện được khi cách trụ sở cơ quan chức năng gần như vậy? Vẫn là sự việc xảy ra xong mới phát hiện, mới nhận trách nhiệm. Cái câu nhận trách nhiệm ấy chỉ cần đứng lên nói là được hay sao? (Hang Tran – tranthuhang.hp89@…) * Như thế này mà không gây ra hạn hán, lụt lội mới là lạ! Phải bắt giam toàn bộ những người có liên quan, xử thật nặng để làm gương, không kiểm điểm chung chung nữa, cần thiết thì tịch thu toàn bộ tài sản của họ có được do cấu kết với bọn xấu để phá rừng. (Trần Văn Long) |