Không tăng phó thủ tướng, thay ‘tư lệnh’ Bộ NN-PTNT
Hôm qua (27.7), Quốc hội tiếp tục phiên làm việc với các nội dung bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Thủ tướng trình danh sách các thành viên Chính phủ…
Không tăng phó thủ tướng, thay ‘tư lệnh’ Bộ NN-PTNT
Hôm qua (27.7), Quốc hội tiếp tục phiên làm việc với các nội dung bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Thủ tướng trình danh sách các thành viên Chính phủ…
Theo kết quả bỏ phiếu kín buổi sáng, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011 – 2016 (từ tháng 4.2016) tiếp tục được Quốc hội (QH) bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 với 478/487 phiếu hợp lệ tán thành.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND tối cao nhiệm kỳ 2011 – 2016 (từ tháng 4.2016), được QH tín nhiệm bầu giữ chức này nhiệm kỳ 2016 – 2021 với 473/488 phiếu tán thành. Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao nhiệm kỳ 2011 – 2016 (từ tháng 4.2016), tiếp tục tái đắc cử với 448/487 phiếu tán thành.
Ngay sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, và đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chánh án TAND tối cao nước CHXHCN VN tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN VN; hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu nhậm chức, ông Nguyễn Hòa Bình hứa cùng tập thể lãnh đạo TAND tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng TAND trong sạch và liêm chính, thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh nhà nước đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng.
Ông Nguyễn Hoà Bình sinh năm 1958, quê tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, là phó giáo sư, tiến sĩ luật. Ông tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng từ khoá XI, được bầu vào Ban Bí thư T.Ư trong khoá XII; được bầu làm Viện trưởng Viện KSND tối cao tại kỳ họp thứ 1 QH khoá XIII, tháng 7.2011…
Bộ NN-PTNT sẽ có bộ trưởng mới
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc Tờ trình về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, cũng như đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 bao gồm 27 thành viên, không tăng so với Chính phủ cũ. So với nội các được kiện toàn hồi tháng 4, chỉ có một vị trí dự kiến thay đổi là người đứng đầu Bộ NN-PTNT. Ứng viên là ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng của bộ này.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Thủ tướng về cơ cấu, số lượng thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ QH khoá XIV có 27 thành viên.
Sáng 28.7, QH bỏ phiếu kín quyết định việc phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ.
Danh sách thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 được đề xuất
5 phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.
Các bộ trưởng/thủ trưởng cơ quan ngang bộ:
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng KH-CN Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Xây dựng Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng GTVT Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng GD-ĐT Ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra Chính phủ Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng VH-TT-DL Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng TT-TT. |
Anh Vũ