23/12/2024

Có cả 1001 lý do khiến bạn đau bụng…

Bài viết sẽ cung cấp những kiến thức y khoa cần biết cho quý độc giả nhằm có thể bảo vệ sức khoẻ và hiểu rõ hơn những gì bác sĩ phải đối diện trước một bệnh nhân bị đau bụng.

 

Có cả 1001 lý do khiến bạn đau bụng…

 

Bài viết sẽ cung cấp những kiến thức y khoa cần biết cho quý độc giả nhằm có thể bảo vệ sức khoẻ và hiểu rõ hơn những gì bác sĩ phải đối diện trước một bệnh nhân bị đau bụng.

 

 

 

 

Có cả 1001 lý do khiến bạn đau bụng...
Siêu âm là một trong những biện pháp chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân – Ảnh: Châu Anh

Đầu tiên chúng ta cần biết ruột thừa là đoạn ruột nhỏ nối với phần cuối cùng của ruột già. Gọi là ruột thừa nhưng cũng không phải là dư thừa vì thật ra ruột thừa vẫn có chức năng là “lò huấn luyện” các bạch cầu cho cơ thể trước khi “chinh chiến” để bảo vệ cơ thể.

Tuy nhiên khi ruột thừa bị viêm, bắt buộc phải cắt bỏ vì nó chứa đầy mủ, có thể vỡ ra gây viêm màng bụng dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Triệu chứng thường gặp là đau bụng vùng ngang rốn và dưới rốn ở phía bên phải kèm với sốt, đôi khi có nôn ói và chán ăn.

Nhưng không phải ai cũng đau ở vị trí như vậy, có trường hợp đau ở ngay vùng gan (dưới bẹ sườn bên phải), thậm chí có người ở giai đoạn đầu còn than đau ở vùng bụng giữa trên rốn giống như đau dạ dày.

Cái ruột thừa viêm, 
tại sao khó?

Ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới bên phải, chen chúc với rất nhiều cơ quan bộ phận ở vùng này như tử cung, buồng trứng, vòi trứng, đoạn cuối ruột non, đoạn đầu ruột già, niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bọng đái).

Có thể ví von ruột thừa giống như 1 thành viên sống chen chúc cùng hàng chục thành viên khác trong 1 căn nhà ổ chuột nên việc va chạm là khó tránh khỏi.

Vì vậy ở vùng này khi đau thì có thể do nhiều bệnh lý khác gây ra nên việc chẩn đoán chính xác hoàn toàn trước mổ cũng khó khăn cho dù dùng đến các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất.

Ngay tại Hoa Kỳ tỉ lệ chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa trước mổ cũng khoảng 80% và có dùng đến CT scan thì tỉ lệ chẩn đoán chính xác cũng khoảng 91%.

Ngoài ra việc tự uống thuốc của bệnh nhân, nhất là uống thuốc kháng sinh hay thuốc giảm đau cũng làm cho triệu chứng và diễn tiến bệnh không còn điển hình, gây khó khăn cho chẩn đoán.

Chưa kể, vài bệnh có thể gây triệu chứng đau bụng giống bệnh viêm ruột thừa.

1. Nang buồng trứng xuất huyết, nang buồng trứng xoắn

– Khi nang trứng phát triển to dần nhưng không trưởng thành và rụng trứng được, hoặc sau khi rụng trứng mà vỏ nang trứng đóng lại quá nhanh, sẽ hình thành ổ dịch trong buồng trứng, gọi là nang buồng trứng.

– Nang buồng trứng có thể không có triệu chứng hoặc nếu có sẽ gây đau nặng bụng dưới rốn hoặc kinh nguyệt bị rối loạn. Khi nang buồng trứng bị xuất huyết hoặc xoắn, bệnh nhân đau bụng rất nhiều và nếu nang ở buồng trứng phải thì triệu chứng giống ruột thừa viêm.

2. Bệnh viêm vùng chậu: là bệnh nhiễm trùng ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung.

3. Thai ngoài tử cung: túi thai không nằm trong lòng tử cung mà lại nằm trong vòi trứng. Khi túi thai to lên, làm nứt vỡ vòi trứng gây xuất huyết.

4. Lạc nội mạc tử cung: nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung như ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột… Khi vào chu kỳ kinh nguyệt, nội mạc sẽ bong tróc ra nhưng chúng không có chỗ thoát hoàn toàn ra khỏi cơ thể và có thể gây đau theo chu kỳ và tạo sẹo.

Ngoài ra còn một số bệnh lý khác như nhiễm trùng đường tiểu, sỏi kẹt niệu quản bên phải, viêm đại tràng, viêm túi thừa ruột non (túi thừa Meckel), lao ruột.

Bác sĩ làm gì khi nghi ngờ ruột thừa bị viêm?

Thông thường bệnh nhân được xét nghiệm máu xem bạch cầu có tăng không, siêu âm bụng. Quan trọng nhất là người bệnh được khám, theo dõi diễn tiến và khám lại trước khi quyết định phẫu thuật.

Tuy nhiên có nhiều bệnh nhân đau vùng bụng dưới bên phải mà chưa thể phân biệt được do viêm ruột thừa hoặc viêm vòi trứng phải, 
hoặc u nang buồng trứng bị xoắn hay chảy máu, thì để an toàn cho người bệnh, cần xem xét phẫu thuật vì có “dấu hiệu bụng ngoại khoa”.

Người bệnh cần làm gì khi đau bụng?

– Nằm nghỉ, 2 chân thẳng và thả lỏng, uống một ly nước ấm có pha 1 lát gừng tươi.

– Nếu chưa ăn uống gì trước đó thì nên uống một ly nước ấm có pha đường.

– Không nên uống sữa vì có thể làm nặng thêm tình trạng đau bụng nếu bạn bị các bệnh sỏi mật hoặc bệnh của tuỵ tạng mà không biết.

– Không nên dùng thuốc chống ói hay cầm tiêu chảy.

– Nên khám bác sĩ để được kê thuốc chứ không nên tự ý uống thuốc.

Cần gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu:

– Sốt từ 38 độ C trở lên; có vàng mắt vàng da, hoặc nước tiểu sậm màu; đau kéo dài trên 1 giờ mà không giảm; trướng bụng; không xì hơi được, không đi cầu được; nôn ói nhiều, không uống được; vã mồ hôi, chóng mặt; da niêm xanh nhạt.

BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG