Để tái tạo năng lượng sau chuyến đi
Các chuyến du lịch là dịp nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, không ít người mắc một số sai lầm khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức, thậm chí ngã bệnh sau một kỳ nghỉ.
Để tái tạo năng lượng sau chuyến đi
Các chuyến du lịch là dịp nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, không ít người mắc một số sai lầm khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức, thậm chí ngã bệnh sau một kỳ nghỉ.
Để dưỡng sức trong các chuyến đi chơi, khách du lịch cần hết sức chú ý việc ăn uống – Ảnh minh họa: CHÂU ANH |
Theo TS.BS Trần Đức Sĩ – bộ môn y học gia đình ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các nguyên nhân khiến chúng ta dễ tiêu hao sức khoẻ trong chuyến du lịch thường do thể trạng (với người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh mạn tính hoặc có thói quen ít vận động), hoặc do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, khí hậu, thực phẩm không phù hợp, bệnh tật giữa chuyến đi, hoặc do cách sắp xếp lịch trình không phù hợp.
Làm sao dưỡng sức?
TS.BS Trần Đức Sĩ cho biết để giữ sức khoẻ, bảo toàn sức lực trong suốt chuyến đi, khách du lịch cần lưu ý một số quy tắc ăn uống, sinh hoạt như uống đủ nước và uống đều đặn. Bên cạnh đó, cần ăn uống đầy đủ nhưng không quá nhiều vào ban ngày, đặc biệt là tránh ăn nhiều chất béo, khó tiêu.
Một trong các yếu tố quan trọng thường dễ bị bỏ qua trong các chuyến du lịch là việc đảm bảo ăn đủ các bữa, ăn đúng giờ. Nhiều người đi chơi xa thường dành nhiều thời gian vui chơi và không chú trọng đến các bữa ăn, vốn giúp duy trì năng lượng cho các hoạt động.
Trong khi di chuyển nên mang theo ít bánh ngọt, thức ăn nhẹ. Các loại nước tăng lực có thể giúp mang lại cảm giác thoải mái. Tuy nhiên không nên lạm dụng, đặc biệt với người cao tuổi hoặc có bệnh tim.
Đối với các quy tắc sinh hoạt, vui chơi, BS Trần Đức Sĩ khuyên mọi người nên sắp xếp lịch di chuyển và tham quan, vui chơi hợp lý theo tuổi tác. Người trẻ, khoẻ mạnh có thể di chuyển liên tục. Trong khi đó, người lớn tuổi nên kết hợp vừa tham quan giải trí với nghỉ dưỡng, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi. Cần chuẩn bị quần áo phù hợp với khí hậu, tránh đổ bệnh do thời tiết.
Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt thì trước chuyến đi khách du lịch cần giữ gìn sức khoẻ tốt, tìm hiểu kỹ thông tin nơi đến, đặc biệt là các yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hoá ẩm thực, bệnh dịch…
Người bệnh có bệnh mạn tính cần khám và xin ý kiến bác sĩ trước khi đi du lịch, chuẩn bị thuốc với số lượng phù hợp trong thời gian đi. Cần mang theo toa thuốc đang dùng có ghi chẩn đoán của bác sĩ bằng tiếng Anh hoặc nếu là tiếng Việt thì cần kèm theo mã bệnh quốc tế.
Kinh nghiệm người trong cuộc
Để có sức khỏe cho những chuyến đi dài, kể cả du lịch hoặc vì công việc, nhiều người đã chuẩn bị thể lực khá chu đáo. Rehahn C, nhiếp ảnh gia người Pháp, ở Việt Nam 5 năm, có sở thích đi du lịch bằng xe máy.
Với các khu vực ở quá xa, ông thường đáp máy bay đến thành phố gần nhất, sau đó dùng xe máy di chuyển đến địa điểm tham quan. Rehahn đi qua nhiều nơi tại Việt Nam như Huế, Phan Rang, Mũi Né, Cần Thơ, Yên Bái, Mộc Châu… Trong đó, chuyến đi dài nhất của ông kéo dài 15 ngày, từ Hà Nội đến Đồng Văn.
Theo ông, một trong các rủi ro lớn nhất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong chuyến đi và khiến khách du lịch dễ mất sức là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Tôi không ăn thịt trong các chuyến đi xa. Trước và trong mỗi chuyến đi, tôi thường dậy sớm tập thể dục, ăn các món ăn đơn giản như bánh mì trứng, uống cà phê hoặc nước lọc”, Rehahn chia sẻ.
Ngoài ra, hằng ngày Rehahn đều bơi lội và uống nhiều nước khoáng. “Tôi đi ngủ sớm trong mỗi chuyến đi, không bao giờ uống bia và hút thuốc”, vị nhiếp ảnh gia nói thêm.
Trong khi đó, Jon Aspin (người Úc), đang sống và công tác tại TP.HCM, cho biết trong ba năm rưỡi ở Việt Nam, anh từng đi du lịch bằng cách đạp xe liên tục trong hai tuần. Tương tự như Rehahn, bên cạnh các lựa chọn “an toàn” như máy bay, tàu lửa, Jon từng lái xe máy trong hành trình và có sở thích đi du lịch tự túc hơn.
Theo Jon, những người mới đi du lịch xa lần đầu, đặc biệt là đi tự túc không nên tham gia quá nhiều hoạt động dồn dập, dễ gây đuối sức. “Đừng bao giờ uống rượu bia, dùng chất gây nghiện hoặc hút thuốc khi sắp tham gia các hoạt động thể chất có cường độ cao”, Jon chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần tranh thủ rèn luyện thể lực thông qua các hoạt động đơn giản như bơi lội nếu đi biển hoặc đạp xe. Một số lựa chọn khác khách du lịch có thể cân nhắc là tập yoga, đi bộ.
Lưu ý trước và sau chuyến đi Theo TS.BS Trần Đức Sĩ, sau chuyến đi, đặc biệt là các chuyến đi dài, cần nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu có bất thường gì về sức khoẻ, nên đến khám bác sĩ sớm và đừng quên thông báo cho bác sĩ về chuyến du lịch. Nếu tiêu tốn quá nhiều năng lượng trong hành trình và thấy mỏi mệt thì cần nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp sẽ giúp mau chóng hồi phục. Nhưng nếu mệt mỏi nhiều hoặc bị bệnh thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Cũng theo BS Trần Đức Sĩ, người nước ngoài thường có độ bền về thể lực tốt hơn người Việt Nam, giúp họ đảm bảo sức khoẻ trong chuyến đi nhờ thường quan tâm tập luyện thể thao. Tuy nhiên, những người Việt Nam chăm chỉ rèn luyện sức khỏe vẫn có thể đạt được mức độ dẻo dai và khả năng dưỡng sức tốt như người nước ngoài trong các chuyến đi. |