Chữa mụn trứng cá bằng y học cổ truyền
Nhiều người bị mụn trứng cá điều trị nhiều nơi không hết nhưng khi điều trị bằng các bài thuốc y học cổ truyền, họ đã hết mụn.
Chữa mụn trứng cá bằng y học cổ truyền
Nhiều người bị mụn trứng cá điều trị nhiều nơi không hết nhưng khi điều trị bằng các bài thuốc y học cổ truyền, họ đã hết mụn.
Bác sĩ đang bắt mạch điều trị mụn trứng cá cho bệnh nhân – Ảnh: B.L |
Nhiều năm trước, chị P.N.T.D. (21 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị mụn trứng cá nổi khắp mặt, mụn sưng, đỏ, ngứa, tạo thành từng mảng. Những mụn này sau khi xẹp để lại sẹo rỗ trên mặt. Chị D. luôn thấy lo lắng và không tự tin khi trên mặt mọc nhiều mụn như vậy.
Chị điều trị ở nhiều nơi nhưng mụn vẫn không giảm. Sau ba tháng điều trị mụn tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, các mụn trên mặt chị đều lặn, vùng ngứa giảm hẳn và không tái phát mụn.
Chữa khoảng 2-3 tháng
Chị T.T.T.T., 22 tuổi, cũng bị nổi mụn trứng cá ở vùng má, trán từ nhiều năm nay. Chị từng đến điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa về da trong TP, mụn có giảm nhưng chỉ ngưng thuốc bôi và uống mụn lại nổi nhiều hơn.
Nghe một người quen giới thiệu chị đến Bệnh viện Y học cổ truyền điều trị, sau hai tháng mụn giảm hẳn sưng, đỏ, số lượng ít.
Mới hơn 3 tuần điều trị mụn tại Bệnh viện Y học cổ truyền nhưng chị Đ.T.Đ. (26 tuổi, ở Q.3) cũng cảm thấy hài lòng vì mặt ngày càng bớt mụn đi và trong người cảm thấy rất thoải mái khi uống những bài thuốc được bác sĩ cho điều trị.
Chị Đ. kể từ khi chữa mụn bằng y học cổ truyền, chị vất vả hơn vì phải sắc thuốc uống mỗi ngày hai lần vào hai buổi sáng, tối nhưng bù lại chị cảm thấy yên tâm với cách điều trị “tận gốc” này. Trước đây, chị Đ. từng uống thuốc Tây nhưng cứ ngưng thuốc là mụn lại nổi lên.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Ngọc Liểng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết thời gian điều trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền thường lâu hơn so với các bác sĩ chuyên khoa da liễu, sau 2-3 tháng tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân.
Phòng mụn bằng lối sống
Theo Tây y, nguyên nhân mọc mụn là do da có chất nhờn nhiều làm lỗ chân lông bít lại, hình thành nên nhân mụn. Còn theo Đông y, nguyên nhân gây mụn chủ yếu là do cách ăn uống, môi trường sống sẽ làm khí huyết không tốt nên mụn sẽ phát ra ở mặt mũi.
Bác sĩ Liểng cho biết người mới bị mụn được điều trị bằng những bài thuốc y học cổ truyền có hiệu quả nhanh hơn vì khi mụn mới phát ra thì những tổn thương ở tạng phủ không nhiều, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống những bài thuốc để giải độc, thanh nhiệt.
Có khoảng 80% bệnh nhân bị mụn trứng cá đến khám và điều trị bằng các bài thuốc y học cổ truyền có hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh nhân nếu không uống những bài thuốc này nữa, phải tuân thủ chế độ sinh hoạt phù hợp thì mụn sẽ không xuất hiện hoặc nếu xuất hiện trở lại cũng số lượng ít.
Khi bị nổi mụn lại dù rất ít, những bệnh nhân này cũng nên trở lại Bệnh viện Y học cổ truyền để khám và điều trị.
Người bị mụn theo khuyến cáo của bác sĩ Liểng là nên hạn chế rửa mặt bằng xà bông có kiềm, rửa sạch mặt mỗi khi tiếp xúc với bụi. Khi mới đi từ ngoài nắng vào không được rửa mặt ngay vì da lúc đó mỏng và dễ bị tổn thương. Tránh nặn mụn vì dễ gây nhiễm khuẩn, dễ thành mảng mủ, dễ để lại vết thâm.
Đối với các nhân mụn già có thể nặn nhẹ, hoặc dùng kim vô khuẩn nặn ra, sát khuẩn lại bằng cồn iod 1%.
Hạn chế ăn các chất cay, nóng, chiên, xào, cà phê, chất kích thích…, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Cung cấp đủ nước cho cơ thể từ 2-3 lít/ngày, đồng thời giảm stress, tập thể dục nhẹ như đi bộ…
Uống nhiều nước, ăn nhiều rau giảm được mụn Tuổi dậy thì dễ bị mụn trứng cá do tuổi này hay ăn uống ở ngoài, hay ăn đồ ngọt, đồ cay chiên xào, hay thức khuya. Ngoài ra, bác sĩ Liểng cũng cho rằng trẻ nào cơ địa đã nóng lại uống ít nước cũng gây mụn, hoặc bị mụn nổi lên bé lại hay sờ vào nặn sẽ để lại những vết sẹo, những vết thâm. Lúc trẻ mới bị mụn, nên điều tiết lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Chỉ cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau cũng giảm được mụn, chứ chưa cần uống thuốc. Còn trẻ nào mọc nhiều mụn quá có thể đến Bệnh viện Y học cổ truyền để được điều trị sớm. |