26/12/2024

Lúng túng thẩm định tranh Việt

Những kiệt tác của các danh họa VN trưng bày tại triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở về tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị cho là giả đã xới lên nhiều vụ tranh giả khác.

 

Lúng túng thẩm định tranh Việt

Những kiệt tác của các danh họa VN trưng bày tại triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở về tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị cho là giả đã xới lên nhiều vụ tranh giả khác.




Bức tranh 'Trước giờ biểu diễn' của họa sĩ Bùi Xuân Phái đang treo ở Bảo tàng Mỹ thuật VN	 /// Ảnh: Hội Mỹ thuật VN

Bức tranh ‘Trước giờ biểu diễn’ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đang treo ở Bảo tàng Mỹ thuật VNẢNH: HỘI MỸ THUẬT VN


Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một trung tâm đủ uy tín để thẩm định tranh Việt.
Theo giới mỹ thuật VN, trong số các danh họa lớn bị làm giả tranh nhiều nhất phải kể đến hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Vào tháng 10.2008, nhà đấu giá Sotheby’s tại Hồng Kông tuyên bố đấu giá 5 bức tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (2 bức về đề tài chèo, 2 bức về phố cổ và bức Mèo đỏ). Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, đã có ý định kiện Sotheby’s vì 4/5 bức này đều là tranh giả, chỉ có bức Mèo đỏ là thật. Bức Mèo đỏđược bán với giá hơn 6.000 USD (khoảng 140 triệu đồng), trong khi 2 bức về chèo được bán với giá lần lượt là hơn 19.000 USD (khoảng 450 triệu đồng) và hơn 20.000 USD (khoảng 480 triệu đồng). Trước đó, nhiều bức tranh giả tranh của Bùi Xuân Phái, trong đó có bức Trước giờ biểu diễn, cũng được Sotheby’s đem ra đấu giá với cái tên Cheo Actors (Diễn viên chèo).
Nhà đấu giá Neal (Los Angeles, Mỹ) từng đấu giá 2 bức tranh được cho là bức sơn mài Trong vườn của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và bức sơn dầu Thiếu nữ bên hoa sen của họa sĩ Nguyễn Sáng với mức giá khởi điểm 7.000 – 9.000 USD (khoảng 168 – 216 triệu đồng). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, 2 bức này đều là tranh giả. Mới đây, bức Lady of Hue của họa sĩ Lê Văn Đệ được đấu giá tại Christie’s Hong Kong cũng bị nghi không phải là tranh thật của hoạ sĩ.
Lúng túng thẩm định tranh Việt 1

Bức tranh Cheo Actors giả tác phẩm Trước giờ biểu diễn của họa sĩ Bùi Xuân Phái từng được Sotheby’s đem ra đấu giáẢNH: MUTUALART.COM

Ai “soi” tranh Việt?
Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng, trong vụ việc tranh giả vừa bị phát hiện, nhà sưu tập tranh Vũ Xuân Chung có thể kiện chuyên gia cố vấn là ông Jean-Francois Hubert. Cách đây 3 ngày, một người bạn hoạt động hội hoạ tại Pháp đã gửi cho họa sĩ Lê Huy Tiếp một bức thư, cho biết ông Hubert từng đề xuất cho nhà đấu giá Christie’s Hong Kong tranh giả được cho là họa sĩ VN, trong đó có bức tranh sơn mài được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái.
Nhìn nhận từ vụ việc vừa qua, họa sĩ Bùi Hoài Mai nói: “Đây là bài học cho các nhà sưu tập tranh, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước”. Cũng theo ông Mai: “Tranh Việt bị làm giả và bán tại nước ngoài quá nhiều. Điều đó gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của hội hoạ VN. Cần phải có giải pháp để hạn chế tình trạng này”. Còn nhà điêu khắc Phan Gia Hương (Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN) nêu giải pháp: Việc xây dựng đội ngũ thẩm định tranh cùng các quy chế chặt chẽ trong việc xử lý tranh giả sẽ góp phần củng cố hành lang pháp lý để bảo vệ mỹ thuật Việt cùng các hoạ sĩ Việt.
Trong thực tế, từ năm 2010, Bảo tàng Mỹ thuật VN từng thành lập Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên, một thời gian sau khi được thành lập, trung tâm này đã đóng cửa. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho hay: “Trung tâm muốn hoạt động tốt phải có sự phối hợp giữa nhiều ngành trước hết là lịch sử mỹ thuật, kỹ thuật vẽ, tạo hình, vật lý, hoá học…, nhưng lại thiếu hụt tất cả. Trung tâm không hoạt động tốt thì cũng phải chết yểu thôi”. Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng việc thành lập một trung tâm như vậy vẫn còn nhiều e dè trong thời điểm hiện tại. “Bởi cần có sự phối hợp giữa nhà nước và hội nghề nghiệp, và còn quá nhiều vấn đề phải tính đến để hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, cần thiết phải có trung tâm này”, ông Đoàn nói. Trong khi đó, hoạ sĩ Lê Huy Tiếp nhìn nhận: “Việc này là khả thi, nhưng nơi nào sẽ đứng ra làm đây?”.
Trong khi chưa biết khi nào sẽ có một trung tâm “soi” tranh Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đề xuất: “Tôi mong rằng có thể làm ngay việc lưu trữ, số hóa chữ ký các hoạ sĩ. Chúng ta có thể soi chữ ký để phân biệt tranh thật, tranh giả. Việc này không quá phức tạp nhưng lâu nay chưa thấy cơ quan nào chịu làm cả”.
Hoạ sĩ tự bảo vệ
Họa sĩ Đặng Phương Việt (người gắn chặt với tên Việt “Sen” bởi chỉ chuyên tâm vẽ hoa sen trong nhiều năm qua) cho biết trước tình trạng bị khá nhiều phòng tranh tại Hà Nội làm giả tranh, anh đã bảo vệ bằng cách đánh dấu tranh và cấp cho người mua chứng nhận từ họa sĩ. Đặc biệt, anh cho biết “tận dụng kỹ thuật để tránh làm giả như cách tôi hay làm là làm nhiều lớp màu rất kỹ với loại sơn dầu rất đặc biệt mà bên ngoài không thể có. Có vậy tranh chép không tài nào làm giống được tranh gốc”.
Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình (gốc Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM) tự tin cho biết đến nay riêng dòng tranh khoả thân của anh vẫn chưa có hàng giả vì độ khó của nó. Chia sẻ về bí quyết bảo vệ tranh, họa sĩ Bình tiết lộ: “Chỉ có thể làm giấy chứng nhận và có chữ ký. Giấy chứng nhận của tôi thì hơi khó làm giả vì có cả số code”.
Còn hoạ sĩ Thành Chương đề nghị các hoạ sĩ hãy tự tạo ra các mật mã riêng và nên lên tiếng, khởi kiện đến nơi đến chốn khi phát hiện ra tranh giả của mình. “Có thể nghĩ đến một ngân hàng mật mã cho các hoạ sĩ”, anh nói.

 

Lucy Nguyễn – Ngọc An