14/01/2025

Nhiều hiểm hoạ từ Pokémon Go

Trò chơi Pokémon Go đã và đang tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Tuy nhiên, cần cẩn thận khi chơi trò này.

 

Nhiều hiểm hoạ từ Pokémon Go

Trò chơi Pokémon Go đã và đang tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Tuy nhiên, cần cẩn thận khi chơi trò này.




Trò Pokémon Go đang làm người trẻ điên đảo

Trò Pokémon Go đang làm người trẻ điên đảo


Đây là trò chơi ảo sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS để vẽ bản đồ giống như bản đồ ngoài đời thực. Những Pokémon sẽ xuất hiện tình cờ trên bản đồ này, từ nhà, bếp, phòng ngủ, sân trường, đường phố, công viên… mà nhà sản xuất đã cài đặt sẵn trên toàn thế giới.
Khi có Pokémon xuất hiện, ứng dụng và thiết bị thông báo rung hoặc đèn nhấp nháy cảnh báo người chơi biết. Nhiệm vụ của người chơi là cầm theo điện thoại thông minh (có cài trò chơi và bật GPS) di chuyển tới điểm đó để săn bắt Pokémon.
Chơi mọi lúc, mọi nơi
Thành Vương, sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết từ khi cài đặt đã chơi liên tục, chơi mọi lúc mọi nơi, để “săn” Pokémon.
Còn Hoàng Tiến, SV Trường ĐH Thuỷ lợi (cơ sở 2 tại TP.HCM), thì kể: “Không chỉ mình mà rất nhiều người bạn cũng yêu thích trò mới lạ này. Vì cứ phải đi lại, tìm kiếm, nên có thể là điểm cộng với những người bụng bự, đùi to”.
Cũng theo Tiến, có những ngày đã chơi liên tục 6, 7 tiếng đồng hồ. Khi thấy hình ảnh Pokémon xuất hiện là bắt đầu đi tìm. Cứ thế, di chuyển lòng vòng mãi từ ký túc xá của trường (Q.Bình Thạnh) đến Q.1, sang Q.3… để săn lùng, mong tìm được nhiều quái thú. Vì khi bắt được nhiều quái thú thì sẽ được tăng cấp độ, dễ dàng giành chiến thắng khi thi đấu với những người chơi khác.
Trên Facebook có rất nhiều fanpage về Pokémon Go đã được tạo ra. Các thành viên liên tục chia sẻ kinh nghiệm khi chơi, cũng như thường xuyên đăng tải những hình ảnh khoe chiến tích vừa bắt được Pokémon ở sảnh trường học, trong công viên, quán cà phê…
Nhiều hiểm họa từ Pokémon Go - ảnh 2

Khóc dở, mếu dở
Thùy An, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đã chơi và mê mẩn trò này từ khi mới xuất hiện. “Ban đầu cũng thấy thú vị, tưởng chừng có lợi cho sức khoẻ, giúp siêng đi bộ, vận động. Nhưng rồi “thấy vậy mà không phải vậy”.
Có nhiều hình ảnh Pokémon xuất hiện ở những nơi rất nhạy cảm, như nhà vệ sinh, phòng ngủ… Mình từng muối mặt khi mải theo vị trí Pokémon xuất hiện để rồi phát hiện đây là… nhà vệ sinh nam”, Thuý An giải thích.
Trên fanpage Pokémon Go VN có khá nhiều tình huống bi hài được các thành viên chia sẻ lại. Như thành viên Nguyễn Hoàng kể đang nghỉ trưa trong phòng trọ, tự nhiên thấy bóng dáng người lạ lảng vảng phía trước, cứ nghĩ là trộm nên đóng cửa cảnh giác. Sau đó người này gõ cửa thì mới té ngửa với lý do đưa ra: “Cho mình vào phòng để… bắt Pokémon”.
Những hệ luỵ đáng chú ý nhất khi chơi trò này đó là dễ gây tai nạn giao thông và bị cướp giật. “Ra đường bây giờ thấy có nhiều bạn trẻ vừa chạy xe vừa dán mặt vào màn hình điện thoại để xem “quái thú”, xem Pokémon đang ở đâu. Thậm chí người bạn của mình đang chạy xe ở làn đường dành cho xe máy, bỗng lao ra làn dành cho ô tô vì “tao thấy điện thoại báo hình ảnh Pokémon xuất hiện ở đây”. Nếu cứ mải mê chơi như thế thì nguy cơ gặp tai nạn là khá cao”, Viết Vũ, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói.
Cũng vì chơi mọi lúc mọi nơi, vừa chạy xe vừa cầm điện thoại nhìn màn hình như vậy nên đã có những vụ “tín đồ Pokémon Go” bị cướp điện thoại.
Coi chừng bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng BKAV, cho biết trò này chưa được cung cấp chính thức tại VN, tuy nhiên nhiều người vẫn có thể tải về từ nguồn không chính thống trên internet. Chính vì thế đã xuất hiện game giả mạo khiến điện thoại thông minh của người dùng có thể bị tấn công. Phân tích một số ứng dụng Pokémon Go giả mạo, BKAV đã thấy xuất hiện loại mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
“Cách thức phát tán mã độc là kẻ xấu chỉ cần tải file cài đặt ứng dụng Pokémon Go từ nhà sản xuất về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm. Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng. Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên internet với tên giống hệt phần mềm “xịn”, và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại. Do đó, người sử dụng không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi điện thoại đã bị kiểm soát từ xa”, ông Tuấn Anh nói.
Gây ra nhiều nguy hiểm
Theo The Telegraph, cảnh sát O’Fallon, Missouri (Mỹ) xác nhận những mối lo ngại về trò chơi Pokémon Go là có thật. 4 kẻ cướp có súng đã lợi dụng tính năng định vị của trò này để tìm kiếm các địa điểm nạn nhân thường xuyên lui tới nhằm tổ chức cướp. Cho đến khi bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 11.7, nhóm này đã gây ra 8 vụ cướp.
Vào ngày 7.7, vì mải chơi Pokémon Go, chàng trai 17 tuổi Marcus Jackson (ở Chicago) đã vô tình lạc vào khu vực nguy hiểm, có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động. Sau đó cậu bị kẻ cướp đâm, cướp điện thoại và tài sản trên người. Tại bang Massachusetts, một người đàn ông đã gây tai nạn khi dừng giữa đường cao tốc chỉ vì Pokémon Go. Người đàn ông này khai với cảnh sát đã quá mải mê bắt Pokémon khi đang lái xe, theo CNN.
Hay vào tối 12.7, trang Metro đưa tin tại Auburn, một tài xế 28 tuổi đã đâm xe vào gốc cây chỉ vì mải chơi Pokémon Go khi đang điều khiển xe. Ngoài ra, nhiều tín đồ của trò này đã bị thương do lao xe vào cột, lao xuống lòng đường vì dán mắt vào điện thoại…
Còn trang Dailynews cho biết ngày 10.7 vừa qua, một gia đình ở Massachusetts tỉnh dậy và sửng sốt khi thấy khu vườn sau nhà mình đầy những “game thủ” đang đi lùng sục Pokémon.
Theo Theguardian, cảnh sát New York mới đây đã gửi một số cảnh báo như: luôn cảnh giác; quan sát xung quanh; chơi theo nhóm hoặc theo cặp để bảo đảm an toàn; không lái xe, đạp xe hay chơi ván trượt… khi đang chơi Pokémon Go; không cố gắng đột nhập vào các khu vực riêng tư; nhắc nhở con cái về nguy cơ từ người lạ… Còn cảnh sát O’Fallon thì khuyên mọi người không để trẻ em chơi Pokémon Go một mình.

Xuân Phương