30/12/2024

Dân kêu cứu vì ô nhiễm môi trường

Suốt nhiều năm qua, người dân ở tổ 7, ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM hứng chịu ô nhiễm trầm trọng khi ấp này có đến ba cơ sở thải hoá chất, khí độc, nước ô nhiễm ra môi trường.

 

Dân kêu cứu vì ô nhiễm môi trường

 

Suốt nhiều năm qua, người dân ở tổ 7, ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM hứng chịu ô nhiễm trầm trọng khi ấp này có đến ba cơ sở thải hoá chất, khí độc, nước ô nhiễm ra môi trường.

 

 

 

 

Dân kêu cứu vì ô nhiễm môi trường
Người dân ở ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP.HCM) phải đeo khẩu trang suốt ngày vì ô nhiễm trầm trọng – Ảnh: UYÊN TRINH

Người dân ở đây đã cầm đơn đi khiếu nại khắp nơi, nhưng vẫn không có kết quả.

“Đang ăn cơm phải bỏ chén cơm 
mà chạy”

“Mỗi khi đang ăn cơm mà nhằm lúc công ty trộn hoá chất, mùi nồng nặc bốc lên, chúng tôi phải bỏ chén cơm mà chạy. Dân ở đây đóng cửa suốt ngày, muốn ra quét sân cũng phải đeo khẩu trang. Có khi đi ngủ cũng đeo luôn khẩu trang”. Vừa nói, cô Lê Ngọc Hà (59 tuổi, người dân ở ấp 3) chỉ tay về phía nhóm người đang đeo khẩu trang trò chuyện trước sân.

Tiếp lời, cô Nguyễn Ngọc Oanh nói: “Cứ trời mưa là nước cống tràn lên cùng với nước công ty thải ra, đục trắng như nước cơm. Hết mưa thì bột trắng đó đóng từng lớp”. Chú Nguyễn Văn Nghiêm gật đầu tán đồng: “Dân ở đây dùng nước giếng khoan mà hóa chất này ngấm dần xuống đất, dần dần nhà tôi không dám dùng nước giếng sinh hoạt. Nấu cơm, nấu nước thì lấy nước mưa, còn uống thì mua nước bình”.

Không chịu được tiếng ồn và mùi hôi từ cơ sở phế liệu sau nhà, ba lần cầm đơn đi kiện vẫn không giải quyết được gì, nay đã ở tuổi 72 ông Nguyễn Văn Hổ không còn tha thiết việc thưa kiện ai nữa. Hai vợ chồng già chịu đựng sống chung với tiếng ồn và mùi hôi mỗi ngày.

Cũng trong ấp 3, những người phụ nữ dẫn chúng tôi ra con kênh nối dài từ kênh Ba Làng, nước đỏ ngầu. “Trước kia, cơ sở này dệt chiếu, gần đây còn nhuộm rồi thải thẳng nước chứa chất nhuộm đó ra kênh. Ngày xưa con kênh này nước trong vắt, cá từng đàn. Giờ cá chết hết, nước đỏ ngầu không tưới tiêu ruộng đồng được. Lúa thì chết khô mấy hôm nay” – chị P. lo âu.

Kênh Ba Làng chảy qua cả ấp 2 và ấp 3 của xã Bình Chánh, trong hơn hai tháng nay, cứ độ 10 ngày, cơ sở làm chiếu này lại thải nước đỏ ngầu ra kênh. Ruộng lúa bao năm nay sống nhờ nguồn nước kênh Ba Làng, nay lúa khô chết vì nắng, vì thiếu nước sạch. Dân không có nước sạch tưới tiêu, chăn nuôi, sinh hoạt.

Cả xóm viêm hô hấp

Khi chúng tôi tìm đến những hộ dân sống gần Công ty TNHH nhựa Việt Trung, một người dân giới thiệu cho tôi anh Phạm Thanh Nghĩa, người bị viêm đường hô hấp quanh năm suốt tháng. Anh Nghĩa kể: “Đóng cửa thì nóng, mở ra thì thở không được. Mùi đó làm nước mắt, nước mũi tôi chảy liên tục, nên tôi bị viêm họng, viêm mũi quanh năm”.

Anh Nghĩa chỉ tay qua bé Bình Minh (8 tuổi, con một người dân sống cạnh công ty nhựa): “Thằng bé này bị viêm đường hô hấp nặng, trong tháng 7 phải mổ”. Chị Hiến, mẹ bé Bình Minh, xót xa: “Từ lúc nó sinh ra đến giờ phải hít mùi hôi với bụi này, giờ viêm đường hô hấp nặng. Đêm về, bé cứ chảy nước mũi, ngộp thở ngủ không được…”.

Tại ấp 3, nhiều hộ dân nhà có bao nhiêu nhân khẩu là bấy nhiêu người viêm đường hô hấp triền miên. Như nhà chú Nguyễn Văn Nghiêm có sáu người thì cả sáu đều bị viêm đường hô hấp mãn tính. Người con gái Hồng Phúc bị viêm mũi họng, đi nạo mổ cuối năm 2015. Đứa cháu trai Thế Hưng mới 5 tuổi cũng bị viêm hô hấp liên tục.

Cô Nguyễn Ngọc Oanh (62 tuổi) phàn nàn: “Nhà tui có hai đứa cháu, một tháng đi học chưa được nửa tháng, vì bệnh hoài có đi học được đâu. Ở nhà thì phải hít thêm khí này, lại bệnh nặng thêm. Hè này tui cho hai đứa cháu về quê ngoại ở cho đỡ bệnh”.

Nhà nhà, người người đều bệnh nhưng kiểm tra thì mức độ ô nhiễm nằm trong ngưỡng cho phép. Theo văn bản giải quyết kiến nghị cho dân ngày 24-2 của UBND huyện Bình Chánh, sau khi đo đạc tiếng ồn và không khí xung quanh tại vị trí nhà dân (C7/37, ấp 3, xã Bình Chánh, nhà ông Nguyễn Văn Nghiêm) thì chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn.

Đã từng đề xuất di dời

Công ty TNHH nhựa Việt Trung được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép năm 2009 với tên ngành là sản xuất sản phẩm từ plastic và vệ sinh chung nhà cửa. Từ đó, người dân phải chịu mùi khó chịu và bụi mạt cưa ô nhiễm suốt những năm qua. Đã sáu lần người dân cầm đơn đi khiếu nại, năm lần bị xử phạt, nhưng xử phạt xong, người dân lại phải chịu tình trạng cũ.

Ông Phạm Văn Trợ (tổ trưởng tổ 7, ấp 3, xã Bình Chánh) cho biết: “Tui đã cùng với dân kiến nghị, ý kiến lên UBND, xử phạt rồi nhưng đâu lại vào đấy”. Anh Lê Văn Nhơn, trưởng ấp 3, xã Bình Chánh, cho biết: “Ba năm nay, tôi đã đại diện bà con trong ấp phản ảnh lên UBND xã, huyện. Tôi đề nghị phải di dời công ty này ra khỏi khu dân cư, chứ xử phạt không phải là biện pháp lâu dài cho dân”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Trọng Quyền, phó chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho biết: “Việc gây ô nhiễm của Công ty TNHH nhựa Việt Trung, xã đã từng kiểm tra, xử lý và làm văn bản ngày 3-6 gửi cho UBND huyện, đề xuất di dời công ty ra khỏi khu dân cư”.

Khi hỏi Phòng tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh về đề xuất di dời thì bà Nguyễn Kim Mai, phó Phòng tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh, cho biết: “Huyện từng trao đổi về việc di dời cơ sở này. Nhận phản ánh từ báo chí, sắp tới phòng sẽ phối hợp kiểm tra 510 cơ sở gây ô nhiễm trong địa bàn, để tổng hợp gửi văn bản lên UBND TP”.

Về việc công ty này từng bị phạt năm lần nhưng tình hình vẫn không cải thiện, bà Mai cho biết: “Huyện đã kiểm tra, xử phạt cuối năm 2015, biện pháp khắc phục là có nhưng chưa triệt để. Sau lần đó, huyện chưa kiểm tra lại”.

Trao đổi về tình hình sức khoẻ của người dân sống gần các cơ sở gây ô nhiễm, ông Phạm Văn Hùng, trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh, cho biết: “Huyện chưa nhận phản ảnh từ xã. Trách nhiệm của phòng là đã chưa tham mưu kịp thời lên huyện để đưa vô dự án di dời những cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn.

Sắp tới, phòng sẽ tham mưu kiên quyết lên huyện, để trình văn bản lên UBND TP. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc như niêm phong, bắt buộc ngừng những công đoạn thải mùi hôi, nước ô nhiễm ra môi trường”.

Còn ông Phạm Trường Nhật, cán bộ địa chính xã Bình Chánh, nói: “Đối với cơ sở phế liệu và cơ sở làm chiếu, xã đã kiểm tra cuối năm 2015, nhận thấy không có sai phạm. Vừa qua, vì những đợt kiểm tra chuyên đề, nên xã chưa kiểm tra định kỳ hai cơ sở này. Sắp tới, xã sẽ kết hợp với huyện và đơn vị thứ ba tổng kiểm tra, đo đạc định kỳ, đặc biệt chú trọng những cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn”.

UYÊN TRINH