27/12/2024

Đuổi ngay cán bộ 
hải quan nhũng nhiễu

Từ vụ cán bộ hải quan Đà Nẵng bị tố vòi vĩnh, nhiều ý kiến cho rằng ngành hải quan phải có trách nhiệm hơn trong xử lý người vi phạm, còn lãnh đạo ngành cam kết loại khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu.

 GẶP GỠ ĐẦU TUẦN

Đuổi ngay cán bộ 
hải quan nhũng nhiễu

 

 Từ vụ cán bộ hải quan Đà Nẵng bị tố vòi vĩnh, nhiều ý kiến cho rằng ngành hải quan phải có trách nhiệm hơn trong xử lý người vi phạm, còn lãnh đạo ngành cam kết loại khỏi ngành những cán bộ nhũng nhiễu.

 

 

 

 

Đuổi ngay cán bộ 
hải quan nhũng nhiễu
Nhân viên hải quan và an ninh giám sát hành lý của hành khách tại sân bay Đà Nẵng – Ảnh: ĐĂNG NAM

 

 

Ông Nguyễn Văn Cần (tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan): Có phản ảnh vòi vĩnh là phải xác minh làm rõ

Tất cả những phản ảnh của người dân, doanh nghiệp đều phải được cơ quan hải quan xem xét. Vụ việc xảy ra ở Đà Nẵng thì trách nhiệm của cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng phải xem xét xử lý cán bộ của mình nếu đúng như phản ảnh của người dân.

Cán bộ hải quan mà có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền của hành khách thì đương nhiên phải xử lý. Chế tài rất rõ ràng, từ xét kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, luân chuyển vị trí công tác, nặng nhất là buộc thôi việc, cho ra khỏi ngành những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền.

Chỉ cần có thông tin phản ảnh về việc cán bộ A hay B nhũng nhiễu, vòi tiền người dân thì ngay lập tức phải chuyển cán bộ này sang vị trí công tác khác, chứ chưa cần phải có chứng cứ khẳng định có vi phạm hay không.

Sau đó Cục Hải quan mới lập hội đồng xác minh làm rõ phản ảnh của người dân, mức độ vi phạm nếu có của cán bộ.

Quan điểm của Tổng cục Hải quan là không bao che, dung túng bất kỳ cán bộ nào dù cấp cao hay thấp mà có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Như năm 2015, ngành hải quan đã xử lý kỷ luật đối với 18 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm. Trong đó khiển trách 11 trường hợp, cảnh cáo 6 trường hợp và buộc thôi việc 1 trường hợp.

Về cơ chế giám sát, trước hết ở sân bay như khu vực làm thủ tục hải quan, chúng tôi đã trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động của nhân viên hải quan.

Chi cục trưởng, cục trưởng phải phân công cán bộ giám sát theo dõi cán bộ của mình qua hệ thống camera. Ngoài ra, chúng tôi còn giám sát cán bộ thông qua đường dây nóng, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp…

Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM: Nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ hải quan

Hiện nay, hải quan sân bay đã lắp đặt hệ thống camera giám sát từ chỗ hành lý xuất – hành lý nhập và từ chỗ hành khách bước vào ống lồng.

Hình ảnh thu nhận từ camera sẽ truyền thẳng về phòng giám sát (do Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan quản lý), có người theo dõi công chức hải quan 24/24 giờ.

Tuy nhiên, không thể nói có camera sẽ loại trừ được hết khả năng nhũng nhiễu của cán bộ hải quan, nhưng đây là một giải pháp căn cơ để lãnh đạo quản lý công chức.

Mặt khác, có camera thì trong quá trình thực hiện thủ tục các công chức sẽ luôn thấy có người giám sát, theo dõi nên sẽ tự điều chỉnh hành vi, làm việc nghiêm túc hơn.

Thời gian tới, Cục Hải quan TP.HCM sẽ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp cho công chức hải quan. Cán bộ hải quan thường xuyên luân chuyển công tác nên quan điểm của cục phải liên tục đào tạo, tập huấn.

Cục đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng 01272.247.247 trên website và trên các bảng thông tin tại sân bay.

Nếu hành khách bị nhũng nhiễu hãy báo tin cho phòng thanh tra của cục (đơn vị phụ trách đường dây nóng). Căn cứ vào ngày, giờ, vị trí hành khách khai báo, phòng thanh tra sẽ trích xuất camera giám sát tìm hiểu vụ việc.

Tiêu cực phát sinh do “ranh giới mỏng manh”

Một chuyên gia hải quan có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng chính sách hiện nay chưa rõ ràng, hàng hoá thì thu thuế, còn hành lý thì không nên dễ dẫn đến nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Đối với hàng hóa, một người chỉ được mang tổng trị giá không quá 5 triệu đồng/lần khi nhập cảnh. Đây là ranh giới khá mong manh để quyết định hành lý hành khách mang theo vượt hay chạm ngưỡng 5 triệu đồng.

Với quy định này, nhân viên hải quan có thể làm khó người dân. Do đó để ngăn chặn việc cán bộ hải quan vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân thì phải công khai, minh bạch công tác giám sát cán bộ trong nội bộ khu vực sân bay.

Trong khu vực sân bay gồm có ba cơ quan là hải quan, an ninh hàng không và Cục Xuất nhập cảnh. Ba cơ quan này cần giám sát chặt chẽ lẫn nhau, chứ không chỉ dừng ở việc thông tin nội bộ của ngành hải quan.

Xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị

Theo kế hoạch kiểm tra phòng chống tham nhũng của Tổng cục Hải quan, các cục hải quan cần kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức hải quan, tập trung chủ yếu kiểm tra các khâu trong làm thủ tục hải quan.

Cán bộ hải quan không được yêu cầu người dân và doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ ngoài quy định khi làm thủ tục hải quan. Không được thu bất kỳ khoản thu nào trái quy định.

Riêng việc kiểm tra xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức hải quan, đơn vị nào để các cơ quan chức năng hoặc các cơ quan báo chí phát hiện cán bộ, công chức hải quan tiêu cực, sách nhiễu, thu tiền trái quy định thì phải xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức vi phạm và xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị đó.

Ông Trần Hòa Phương (phó chủ nhiệm Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM):

Sẽ hỗ trợ nếu Việt kiều bị làm khó

Việt kiều khi về nước bị làm khó nếu liên hệ, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ và có biện pháp giải quyết. Tinh thần chung là ai làm sai, có vụ việc, bằng chứng cụ thể thì phải bị lên án và xử lý.

Theo quan sát của cá nhân tôi và đánh giá của bà con Việt kiều thì thủ tục ở sân bay, cửa khẩu hiện đã thông thoáng hơn xưa. Nếu hành khách mang theo hàng hóa đúng trọng lượng được phép, chủng loại quy định thì không ai có thể làm khó được.

Tuy nhiên cũng có bà con mang hàng quá số cân nặng, mang hàng hoá vượt mức quy định lại muốn “bồi dưỡng” cho hải quan vài chục đôla để được cho qua.

Dĩ nhiên khi được việc rồi thì đâu ai phản ảnh. Có khi chưa cần cán bộ vòi vĩnh, bà con đã tự đưa trước rồi. Lâu dần thành cái lệ quen, thành luật bất thành văn.

Muốn bỏ được cái này phải xuất phát từ hai phía: siết lại trách nhiệm, kỷ luật của cán bộ khi thực thi công vụ và thay đổi cách hành xử của hành khách.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Khó chấn chỉnh nếu sai không sửa

Thực tế thì các quy định, các chế tài của chúng ta đều có hết rồi, sân bay cũng có hệ thống camera, bộ phận nào cũng có đường dây nóng nhưng dân không tin để mà gọi đường dây nóng.

Với tâm lý để “được đi nhanh” hoặc “được về sớm” nên chấp nhận đưa tiền rồi mang theo nỗi tức giận và hình ảnh rất xấu về nhiều lực lượng ở sân bay.

Họ không tin vào đường dây nóng hoặc các con đường phản ảnh khác vì sẽ không được xử lý rốt ráo, nên thường tự thu thập bằng chứng rồi cung cấp cho báo chí hoặc mạng xã hội, từ đây vụ việc mới được xử lý.

Nhưng để làm được rốt ráo phải thay đổi tư duy của những người có thẩm quyền xử lý. Một vụ như vụ hải quan sân bay Đà Nẵng, chứng cứ rõ ràng nhưng lại xử lý qua loa, cho thấy việc lớn đã biến thành nhỏ, việc nhỏ coi như không có gì.

Đó chính là tâm lý bao che, bênh vực. Như vậy đã rõ vấn đề ở đây không phải là phương tiện phản ánh, là đường dây nóng hay nguội, là có tố giác và góp ý hay không, mà là xử lý thế nào. Còn sai sót mà không được xử lý rốt ráo thì đừng mong gì ở một xã hội tốt đẹp hơn.

Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn luật sư TP.HCM):

Xử lý nghiêm mới 
đủ sức răn đe

Ngành hải quan đã cố gắng rất nhiều trong kiểm soát, hạn chế tiêu cực bằng công nghệ. Tuy nhiên vi phạm, tiêu cực vẫn xảy ra vì hệ thống nào cũng ít nhiều có lỗ hổng và khi cán bộ thừa hành vẫn muốn tiêu cực.

Vì vậy, thái độ xử lý thật nghiêm vi phạm của cán bộ để đủ sức răn đe là rất quan trọng.

Riêng sự việc xảy ra với nhân viên hải quan sân bay Đà Nẵng thì việc người dân bị vòi vĩnh 200.000 đồng đã phản ảnh sự việc trên qua Facebook.

Rồi trường hợp bị vòi 50 triệu đồng thì phản ảnh qua báo chí và được phản ảnh đến lãnh đạo TP Đà Nẵng.

Các trường hợp trên đều được xem như là nguồn tin tố giác, tin báo tội phạm để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Đặc biệt là trong hoàn cảnh Đà Nẵng hiện có nhiều cơ quan nhà nước sử dụng facebook làm công cụ tương tác với người dân.

Với hai trường hợp trên, cơ quan hải quan Đà Nẵng không thể xử lý qua loa vì “chưa đến mức độ để xử lý” và chưa thấy rõ “có hay không việc nhận tiền bồi dưỡng”…

Trường hợp công chức hải quan vòi 200.000 đồng phải xử lý kỷ luật vì vi phạm quy định Luật cán bộ công chức.

Trường hợp vòi 50 triệu đồng thì phải chuyển hồ sơ, chứng cứ cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định.

M.HƯƠNG – H.ĐIỆP – A.NHÂN

LÊ THANH – TRẦN KIM ANH ghi