27/12/2024

Bán rẻ vỉa hè

Nguồn thu phí của nhà nước từ vỉa hè quá thấp, trong khi số tiền từ lạm thu giá trông giữ xe, trông xe vượt diện tích, kinh doanh hàng quán… lại đang chui vào túi một số tổ chức, cá nhân.

 

Bán rẻ vỉa hè

Nguồn thu phí của nhà nước từ vỉa hè quá thấp, trong khi số tiền từ lạm thu giá trông giữ xe, trông xe vượt diện tích, kinh doanh hàng quán… lại đang chui vào túi một số tổ chức, cá nhân.




Xe máy tràn ra vỉa hè trên phố Khâm Thiên	 /// Ảnh: M.H

Xe máy tràn ra vỉa hè trên phố Khâm ThiênẢNH: M.H


Hiện mức phí sử dụng hè, lề đường, lòng đường… trên địa bàn TP.Hà Nội áp dụng với giữ ô tô cao nhất là 80.000 đồng/m2/tháng ở các quận trung tâm và thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng ở các tuyến đường vành đai. Với giữ xe máy, mức phí cao nhất thuộc Q.Hoàn Kiếm là 45.000 đồng/m2/tháng và thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng ở các huyện ngoại thành. Riêng công ty khai thác điểm đỗ xe chỉ phải đóng mức phí tương đương 3% doanh thu với trường hợp xác định được doanh thu (trước đó là 2%).
Nộp phí bèo, thu lợi khủng
 
 

 

Tuy nhiên, mức phí này chỉ như “muối bỏ bể” so với thu nhập thực tế của các bãi giữ xe có phép lẫn không phép hằng ngày. Theo quy định, mức thu phí được phép không quá 3.000 đồng/xe máy (ban ngày) và 40.000 đồng/lượt/ô tô. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít điểm giữ xe đúng giá, đa số đều thu “xé rào” cao gấp 2 – 3/lần.
Ngày 4.7, khảo sát khu vực xung quanh cổng phụ Bến xe Giáp Bát (Q.Hoàng Mai), có hơn 10 điểm giữ xe nhỏ lẻ cả có phép và không phép, chúng tôi phát hiện nhiều nơi ngang nhiên treo biển 10.000 đồng/xe máy. Trong khi đó, điểm giữ xe được UBND Q.Hoàng Mai cấp phép thì mức thu phổ biến cũng là 5.000 đồng/lượt xe máy. Tại khu vực Đoàn Trần Nghiệp – Tô Hiến Thành (P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng), các điểm giữ xe chật kín tràn ra khỏi vỉa hè xuống lòng đường; phần lớn không có biển đề tên đơn vị được cấp phép, số cấp phép. Gửi xe tại một điểm khu vực này, chúng tôi được phát tấm vé đề 16B Đoàn Trần Nghiệp, không có giá xe và phải trả 10.000 đồng/xe máy.
 
 
Không chỉ các điểm trông giữ xe, nhiều quán kinh doanh đã ngang nhiên biến vỉa hè, lòng đường thành điểm kinh doanh của riêng mình như quán bia hơi tại khu vực ngã tư Khâm Thiên – Lê Duẩn, ngã ba Trần Hưng Đạo – Quán Sứ… Dù vài năm trở lại đây, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”, nhưng bộ mặt rất nhiều tuyến phố vẫn nhếch nhác, luộm thuộm vì hàng quán, hàng rong bày bán tràn lan ra vỉa hè, dù Quyết định 17/2015 và nhiều quyết định khác của UBND TP.Hà Nội nghiêm cấm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh hàng quán, bán hàng rong.
 

Tương tự ở các bệnh viện trên địa bàn TP, mức giá giữ xe máy 5.000 đồng/xe, thay vì 3.000 đồng theo quy định. Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện 354, Viện Nhi T.Ư, Viện Mắt T.Ư, Viện Xanh Pôn, Viện K, Viện Quân y 108, Viện Hữu Nghị, Châm cứu T.Ư, Nội tiết… đều từng bị xử phạt do thu 4.000 – 5.000 đồng/xe. Thậm chí ngay cả các trường đại học, sinh viên không có thu nhập, các đơn vị được giao giữ xe cũng thu vượt rào (3.000 đồng nhưng thu 4.000, 5.000 đồng/xe máy) hoặc sử dụng chứng từ thu không đúng, như Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường ĐH Đại Nam cơ sở 2, ĐH Công nghệ GTVT, ĐH KHXH-NV…

Không đúng quy định vẫn cấp phép
Theo quy định, Sở GTVT và các quận chỉ cấp phép giữ xe với các tuyến đường có vỉa hè trên 3 m, vỉa hè sau khi để xe phải chừa lại tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ. Tuy nhiên, không khó nhận thấy nhiều tuyến phố phần còn lại cho vỉa hè chưa được 1 m, thậm chí không còn khoảng trống cho người đi bộ len chân. Vỉa hè đường Khâm Thiên vốn nhỏ hẹp, nhưng vạch sơn kẻ giới hạn điểm giữ xe cũ bị xoá đi, vạch mới lùi thêm ra khiến phần còn lại chưa đầy 1 m, hoặc không còn vỉa hè như đoạn gần một showroom xe máy ngã tư Khâm Thiên – Lê Duẩn. Một nhà hàng số 43 Yết Kiêu thậm chí còn giữ xe 3 – 4 hàng chiếm luôn toàn bộ phần vỉa hè vốn rất rộng tại đây, chỉ chừa lại một lối đi rất nhỏ.
Nhiều vị trí giữ xe không phù hợp, dù người dân kiến nghị rất nhiều lần nhưng không hiểu sao vẫn tiếp tục được sở, quận cấp phép. Đơn cử như điểm giữ xe ô tô của Công ty TNHH MTV tại hè, lòng đường ngõ giao thông nội bộ của khu nhà 5 tầng nối với phố Trần Huy Liệu, trước cổng Trường mầm non Tuổi Hoa. Lòng đường tại đây rất hẹp, hằng ngày có hàng trăm phụ huynh đưa đón con, thường xuyên gây ùn tắc, tai nạn giao thông, cử tri P.Giảng Võ kiến nghị nhiều lần không cho phép giữ xe ô tô tại đây nhưng vẫn chưa được giải quyết. UBND Q.Ba Đình cũng 2 lần có văn bản đề nghị từ năm 2014, nhưng tới đầu năm 2016, điểm giữ xe này vẫn tiếp tục được cấp phép cho tồn tại.
Tương tự, điểm giữ xe trên hè phố Nguyễn Khắc Cần (P.Tràng Tiền) được UBND Q.Hoàn Kiếm cấp giấy phép có thời hạn đến 20.9.2016 cho nhà hàng Âu Lạc giữ xe phục vụ khách, nhưng vỉa hè có mặt cắt 2 m, không đủ tiêu chuẩn cấp phép theo Thông tư 04 của Bộ Xây dựng. Điểm giữ xe số 5 – 7 trên hè phố Nguyễn Siêu của UBND Q.Hoàn Kiếm cấp giấy phép cho Công ty CP Đồng Xuân, vỉa hè chỉ có mặt cắt 2,7 m không đủ chuẩn, nhưng cũng xếp 2 hàng xe, kín vỉa hè. Hai điểm này cùng rất nhiều điểm bất hợp lý khác sau khi tồn tại một thời gian dài, chỉ tới khi có rà soát liên ngành mới có kiến nghị thu hồi.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội, cho rằng những điểm giữ tự phát, lén lút thu tiền tồn tại rất bức xúc, nhưng lực lượng kiểm tra đến thì bỏ đi, nhân lực kiểm tra giám sát không đủ, không thường xuyên. Trong khi đó, một cán bộ có thẩm quyền chia sẻ, tình trạng thu quá giá, quy định 3.000 thu đến 5.000 đồng/xe máy trong trường học, bệnh viện rất phổ biến. “Các cấp các ngành có biết điều này không, có biết. Liên ngành sau nhiều cuộc họp cũng đang kiến nghị mức 3.000 đồng không phù hợp nữa với giá trị tài sản, cần điều chỉnh tăng ở mức độ hợp lý để đa số người dân chấp nhận được”, ông này nói.

 

Mai Hà