26/12/2024

Chấp hành viên “giữa 2 làn đạn”

Để thi hành được một bản án, quyết định của toà án, cơ quan thi hành án dân sự mà trực tiếp là chấp hành viên phải ở “giữa 2 làn đạn”, vì thi hành được cho bên này thì thường là bên kia “quyết đấu”.

 

Chấp hành viên “giữa 2 làn đạn”

Để thi hành được một bản án, quyết định của toà án, cơ quan thi hành án dân sự mà trực tiếp là chấp hành viên phải ở “giữa 2 làn đạn”, vì thi hành được cho bên này thì thường là bên kia “quyết đấu”.




Chấp hành viên THADS TP.HCM trong một vụ tổ chức thi hành án  /// Ảnh: Cục THADS cung cấp

 

Chấp hành viên THADS TP.HCM trong một vụ tổ chức thi hành ánẢNH: CỤC THADS CUNG CẤP


Cách đây 70 năm, ngày 19.7.1946, ngành thi hành án dân sự (THADS) được thành lập. Nhìn lại chặng đường lịch sử này, nhiều cán bộ chấp hành viên (CHV) Cục THADS TP.HCM – nơi được coi là “đứng đầu cả nước” về lượng án và số vụ việc phải thi hành hằng năm, tự hào nhưng cũng không ít trăn trở khi tiếp xúc với chúng tôi.
17 năm = 1 tháng
Năm 1999, TAND TP.HCM tuyên buộc vợ chồng ông T.H.P (ngụ H.Củ Chi) trả cho các ông T.Q.D 21 lượng vàng 24 K; ông H.V.C 120 triệu đồng; ông Đ.V.T hơn 46 triệu đồng. Sau nhiều lần thoả thuận, cam kết, xin tự trả nhưng ông P. chỉ trả được 6 lượng vàng 24 K cho ông D. Đến năm 2002, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM tổ chức phiên bán đấu giá thành tài sản là căn nhà của vợ chồng ông P. với giá 511 triệu đồng. Người mua trúng đấu giá nhà – ông N.V. nộp đủ tiền, xin nhận nhà.
 
 

 

Đội THADS H.Củ Chi (nay là Chi cục THADS H.Củ Chi) nhiều lần thuyết phục cũng như ra quyết định cưỡng chế buộc ông P. giao nhà cho ông Â. nhưng bất thành. Vì đây là căn nhà duy nhất của hai vợ chồng nên Đội THADS H.Củ Chi tạo điều kiện để vợ chồng ông P. được chuộc lại căn nhà. Hai bên đương sự thoả thuận được giá tiền, ngày giao nhận nhà nhưng sau đó ông P. lại không thực hiện. Năm 2012, Chi cục THADS H.Củ Chi phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức cưỡng chế nhưng vẫn không thành. Cuối năm 2015, Chi cục THADS H.Củ Chi tiếp tục họp để tiến hành cưỡng chế nhưng vẫn không được. Trong khi đó, người mua trúng đấu giá liên tục khiếu nại lên cơ quan cấp trên, Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp…
Đầu năm 2016, Tổng cục THADS gửi công văn yêu cầu Cục THADS TP.HCM phải giải quyết dứt điểm vì vụ việc quá kéo dài, phức tạp. Tháng 4.2016, lãnh đạo Cục THADS TP.HCM yêu cầu Chi cục THADS H.Củ Chi chuyển hồ sơ lên và giao cho CHV Hồ Quân Chính, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (đơn vị tổ chức THADS án kinh tế, hôn nhân và gia đình, lao động). Và chỉ trong vòng 1 tháng sau đó mọi chuyện đã được giải quyết xong.
“Vụ việc từng phải mất gần 17 năm cũng có lý do của nó, không đơn thuần vì bên phải thi hành án không hợp tác, kiếm đủ cách né tránh. Điều quan trọng là CHV không nhát tay, cả nể. Tôi tin, nếu làm vì lợi ích của bên được pháp luật bảo vệ, bỏ đi những mối quan hệ “vòng ngoài” can thiệp vào công tác tổ chức thi hành án thì mọi việc sẽ giải quyết được. Trong ngành chúng tôi vẫn hay nói sợ thì không làm CHV, đã làm CHV thì không sợ”, ông Chính tâm sự.
“Đụng” đến chỗ khó
Năm 2013, theo quyết định công nhận sự thoả thuận thành của TAND TP.HCM, ông N.H.T (ngụ Kiên Giang) phải chuyển nhượng 250.000 cổ phiếu của công ty A. cho công ty B. Năm 2014, nhận được đơn yêu cầu thi hành án, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM ra quyết định thi hành án. Theo số mặc định, hồ sơ được giao về cho CHV Vũ Thanh Xuân, Chánh văn phòng Cục THADS TP.
Ông Xuân nhớ lại: “Lúc đó lãnh đạo gọi tôi lên và hỏi có dám làm vụ này không, vì người phải thi hành án là em trai của một lãnh đạo cấp cao; còn người được thi hành án cũng là người có địa vị xã hội. Nhưng tôi trả lời thẳng là tôi không ngại và quyết tâm làm”. Nhận hồ sơ xong ông Xuân đi xác minh. “Lúc đó cũng có nhiều vấn đề không rõ về số cổ phiếu nhưng khổ nhất vẫn là quá trình tổ chức thi hành án, hai bên đương sự nhất quyết không ra mặt mà chỉ giao cho đại diện uỷ quyền”, ông Xuân kể và cho biết nếu quy ra tiền thì ông T. “dư sức trả” nhưng ông này không chịu trả tiền mặt và cũng không muốn chuyển nhượng cổ phiếu. Hơn nữa, hai bên có mâu thuẫn nên ông T. cũng tuyên bố nếu muốn được thi hành án thì công ty B. phải xin lỗi ông. “Đương sự các bên đều là những người am hiểu pháp luật. Tôi nghĩ, nếu dùng pháp luật thuyết phục sẽ không xong nên chuyển sang dùng tình cảm. Nhưng để gặp trực tiếp ông T. thuyết phục là điều không thể. Tôi nảy ra ý phải tiếp cận được người có ảnh hưởng đối với ông này. Và may mắn là khi nghe tôi phân tích, người này đã đồng ý và giúp tôi thuyết phục được ông T.”, ông Xuân chia sẻ. Theo ông Xuân, để có buổi nói chuyện đó, bản thân CHV phải hiểu được hai bên đương sự “chiến đấu” vì điều gì, vì tiền bạc sẽ có cách thuyết phục khác, vì danh dự sẽ có “bài” khác hẳn. “Căn bản phải gãi đúng chỗ ngứa”, ông Xuân nói.
Giai đoạn năm 2004, khi còn công tác tại Đội THADS H.Thới Bình (Cà Mau), ông Xuân cũng từng đối diện “một ca khó”. Vụ việc bắt đầu từ chuyện cô gái có bầu với người yêu nhưng hai bên gia đình không chấp nhận. Về sau, cô gái kiện anh chồng “hờ” ra toà truy nhận cha cho con và đòi tiền cấp dưỡng. Tòa buộc anh này phải cấp dưỡng cho đứa trẻ 20 kg gạo/tháng. Nhưng anh ta không cấp dưỡng nên mẹ cô gái là bà cụ 60 tuổi liên tục đi từ 5 – 7 km đường sông lên Đội THADS H.Thới Bình khiếu nại. Nhiều lần đến nhà để thuyết phục nhưng anh ta vẫn ngó lơ, ông Xuân quyết không bỏ cuộc và cuối cùng đã giải quyết êm. Ông kể: “Điên quá, tôi khích tướng: Tôi nói thật với ông nhé, ông và tôi đều là đàn ông mà đàn ông thì dám chơi dám chịu. Ông gây ra hậu quả rồi ông bỏ đó, mẹ nó cũng bỏ xứ đi làm ăn xa, để mình bà già nuôi nó còn phải cõng 5 – 7 km chỉ để chờ cấp dưỡng của ông mà ông còn lơ. Nói xong tôi bỏ về, thế mà hằng tháng cậu ta tự động sang nộp gạo”.
Năm 2015, Cục THADS TP.HCM đã giải quyết 353/387 việc, đạt tỷ lệ 91,2%; tiền thu được gần 12.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 75,98%; về thực hiện chế định thừa phát lại, các cơ quan thi hành án tại TP.HCM đã chuyển giao 50.067 văn bản để văn phòng thừa phát lại thực hiện công tác tống đạt.

Phan Thương