Dùng nước có vitamin cũng phải chừng mực
Các vitamin tan trong nước có thể thải trừ khỏi cơ thể nếu thừa, nhưng vitamin tan trong chất béo như A, E, D, K rất khó thải trừ và việc bổ sung vitamin phải phụ thuộc vào thói quen ăn uống, tình trạng cơ thể.
Dùng nước có vitamin cũng phải chừng mực
Các vitamin tan trong nước có thể thải trừ khỏi cơ thể nếu thừa, nhưng vitamin tan trong chất béo như A, E, D, K rất khó thải trừ và việc bổ sung vitamin phải phụ thuộc vào thói quen ăn uống, tình trạng cơ thể.
Người lớn được khuyến cáo một ngày không uống quá một chai nước có đường – Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Bổ sung vi chất và khoáng chất vào nước uống là xu hướng của nhiều nước, nhưng sử dụng nước uống bổ sung như thế nào, bổ sung bao nhiêu và loại vi chất gì thì không thể tùy tiện, phải phụ thuộc vào từng người và thói quen ăn uống của họ. Không thể cứ nước uống có vitamin là tốt và nên dùng hơn so với nước tự nhiên thông thường. |
PGS.TS Lê Bạch Mai |
PGS.TS Lê Bạch Mai, chuyên gia về dinh dưỡng, cho biết như trên. Theo bà Mai, ngay cả trong các cuộc họp cũng không nên cung cấp nước khoáng cho tất cả mọi người mà chỉ cần cung cấp nước tự nhiên sạch đóng chai/bình thông thường.
“Không phải cứ uống nước có vitamin là tốt”
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – phó giám đốc Trung tâm Doping và y học thể thao, trong các loại nước uống thể thao thông dụng hiện nay có 3 loại: loại sử dụng trong khi thi đấu/chơi thể thao để cung cấp thêm năng lượng, loại sử dụng sau khi chơi thể thao giúp cơ thể phục hồi nhanh và loại có thể uống như nước uống thông thường.
Tùy môn thể thao, độ nặng nhẹ đang chơi, thời gian chơi ngắn hay dài mà có chỉ định khác nhau. “Người tập thể hình có môn nâng tạ, mỗi ngày tập nâng tạ hàng giờ cũng phải bổ sung dinh dưỡng như vận động viên, hay chạy bộ hoặc đạp xe đường dài tiêu hao nhiều năng lượng cũng cần được bổ sung vitamin, khoáng chất” – PGS Ninh khuyên.
Với các nước uống bổ sung vitamin, bà Lê Bạch Mai cho rằng phải căn cứ vào thực đơn hằng ngày và thói quen ăn uống của mỗi người để tính xem nên bổ sung vitamin, khoáng chất gì. Có người nói thừa vitamin nhóm B thì cơ thể thải trừ, không ảnh hưởng, nhưng thực tế thì muốn thải trừ cơ thể lại phải mệt mỏi chuyển hoá.
“Bổ sung vi chất và khoáng chất vào nước uống là xu hướng của nhiều nước, nhưng sử dụng nước uống bổ sung như thế nào, bổ sung bao nhiêu và loại vi chất gì thì không thể tùy tiện, phải phụ thuộc vào từng người và thói quen ăn uống của họ. Không thể cứ nước uống có vitamin là tốt và nên dùng hơn so với nước tự nhiên thông thường” – bà Mai cho biết.
Ăn trái cây tươi vẫn tốt nhất
Một loại nước đóng chai khác được nhiều người thích dùng là nước trái cây đóng hộp. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, trên thị trường có loại nước ép trái cây đóng hộp hoặc đóng chai không thêm đường, loại nước ép trái cây tự nhiên cho thêm đường, loại nước hương trái cây chỉ có một phần nước cốt trái cây và tất cả các loại hương trái cây này đều có đường.
Nhưng bác sĩ Ngọc Diệp nhấn mạnh chế độ ăn hằng ngày của trẻ cần có trái cây và không nên uống quá nhiều các loại nước trái cây bổ sung nhiều đường vì có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Cụ thể, với trẻ béo phì mà uống thêm nhiều loại nước có đường càng làm trẻ bị béo phì nhiều hơn.
Còn với trẻ suy dinh dưỡng, bất cứ loại nước uống nào bổ sung thêm đường nhiều cũng có thể làm trẻ bị ngang dạ, đường huyết tăng lên, ảnh hưởng bữa ăn chính của trẻ. Chính vì vậy, không nên lạm dụng các loại nước uống bổ sung nhiều đường. Trẻ em nên ăn trái cây, uống nước trái cây để bổ sung các vitamin, trong đó ưu tiên ăn trái cây tươi, với trẻ chưa ăn được trái cây thì uống nước trái cây tươi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, nguyên trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cũng cho rằng hạn chế dùng nước trái cây đóng chai vì thực chất những loại nước trái cây này chủ yếu là đường, có bổ sung một số loại vitamin nhưng thực chất các vitamin này không thể tồn tại lâu trong các loại nước đóng chai. Những loại nước bổ sung nhiều đường có thêm hương liệu đương nhiên không tốt cho sức khoẻ. Chỉ nên sử dụng trong những buổi hội họp đông người khi không thể phục vụ nước trái cây tươi.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoa cho rằng các loại nước đóng chai vẫn cần để phục vụ cuộc sống hiện đại. Do đó, người lớn được khuyến cáo uống không quá một chai nước này/ngày, vì trong đó có đường. Trẻ em càng uống ít các loại nước này càng tốt, thay vào đó nên uống sữa và ăn ya-ua, trái cây tươi. Trong trái cây tươi, bác sĩ Hoa cho rằng ăn cả xác trái cây vẫn tốt hơn là chỉ uống nước ép…
Đã cấp phép cho “nước có bổ sung vi chất” Vụ việc 13 sản phẩm của Công ty Coca Cola VN vừa bị tạm dừng lưu thông vì nhà sản xuất thiếu giấy phép sản xuất loại nước có bổ sung vi chất (hay còn gọi là thực phẩm bổ sung) cuối tháng 6 khiến người ta giật mình nhìn lại nhóm sản phẩm này. Theo giấy phép được Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty Coca Cola VN, hôm 28-6 Cục này đã cấp cho nhà máy Coca Cola ở Thủ Đức, TP.HCM giấy phép sản xuất thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, nước uống có ga và không ga, nước uống đóng chai. 2 nhà máy tại Hà Nội và Đà Nẵng được cấp giấy phép tương tự ngày 1-7, đúng 1 tuần sau khi Thanh tra Bộ Y tế phát hiện và có văn bản yêu cầu tạm ngừng lưu thông và sản xuất sản phẩm thực phẩm bổ sung của Công ty này do chưa có giấy phép. Trả lời báo chí, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết việc giấy phép được cấp nhanh chóng là do được “ưu tiên” và sai sót của Coca Cola VN không phải do vấn đề chất lượng, mà chỉ là thiếu về thủ tục! Tới đây, thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục thanh tra tại 2 Công ty nước giải khát vào nhóm lớn nhất VN. |