23/12/2024

Thuỷ đài thời Pháp: chứng nhân điện – nước Sài Gòn một thuở

Thuở sơ khai, đất Sài Gòn – Bến Nghé dùng nguồn nước mưa, nước giếng. Khoảng năm 1878-1880, người Pháp xây lên những thuỷ đài để cung cấp nguồn nước cho cư dân Sài Gòn.

 

Thuỷ đài thời Pháp: chứng nhân điện – nước Sài Gòn một thuở

 

 Thuở sơ khai, đất Sài Gòn – Bến Nghé dùng nguồn nước mưa, nước giếng. Khoảng năm 1878-1880, người Pháp xây lên những thuỷ đài để cung cấp nguồn nước cho cư dân Sài Gòn.

 

 

 

 

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Thuỷ đài trên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh – Ảnh: Hữu Khoa

 Trên đường phố Sài Gòn, thỉnh thoảng bạn thấy những trạm biến áp xây kiểu Pháp cổ có dòng chữ CEE. Điều đó có nghĩa là gì?

CEE là viết tắt của Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon (Công ty Điện nước Sài Gòn). Công ty này được thành lập năm 1900 dưới thời thuộc địa Pháp, lúc đầu cung cấp nước cho vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh (Campuchia). 

Năm 1909, công ty này mua lại một công ty điện khác – chính thức trở thành nhà cung cấp điện nước cho Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh.

Trước và sau khi CEE ra đời, chuyện nước non cho cư dân Sài Gòn cũng là một câu chuyện thú vị, gắn liền với những công trình kiến trúc ngày nay.

Thuở sơ khai, những cư dân đầu tiên của đất Sài Gòn – Bến Nghé dùng nguồn nước mưa và nước giếng. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi lại những cái giếng nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa: 

“Trấn Phiên An có ba giếng tốt nhất: Nơi Bè Tre nhỏ Bến Nghé, chốn nước lợ lại có giếng nước ngọt, tên là giếng Tấn…

Một giếng khác ở bên bờ Bắc, Bình Giang, phía tây thôn Tân An, gọi tên giếng Tiếng. Còn chiếc kia ở thôn Tân Phú Hội, phía tây sông Tân Long, gọi là giếng Nhuận. Người người gánh bộ hoặc chở thuyền cùng nhau lấy nước, chẳng lúc nào ngơi”.

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Thuỷ đài nằm trên đường Hồ Văn Huê – một trong những thuỷ đài sẽ bị đập bỏ – Ảnh: H.KHOA

Trong quyển nghiên cứu điền dã 150 năm hình bóng Sài Gòn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái cho rằng chữ “nhậu” thuở trước là chỉ việc uống nước, không phải nhậu nhẹt:

“Người xưa không nói uống nước mà là nhậu nước. Uống là nuốt ừng ực, còn nhậu là nhấm nháp cho đã khát. Thời Pháp đến, có “nước máy”, không kể ngày đêm mưa nắng, uống mệt nghỉ, lãng quên chuyện nhậu nước mà sinh ra chuyện… nhậu rượu”.

Khoảng năm 1878-1880, một trong những thuỷ đài đầu tiên người Pháp xây lên để cung cấp nguồn nước cho cư dân Sài Gòn là ngay hồ Con Rùa ngày nay.

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Thuỷ đài xuống cấp, bỏ hoang trên đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận – Ảnh: Hữu Khoa

Lúc đầu tháp nước được xây bằng sắt, sau xây thành bêtông cốt thép. Đây là một công trình đẹp, được người Pháp in lên bưu thiếp giới thiệu như một cảnh đẹp của Sài Gòn.

Đến năm 1920, do nhu cầu nước quá tải, người Pháp xây dựng những công trình cấp nước khác nên tháp nước ở hồ Con Rùa bị dỡ bỏ.

Chính quyền thực dân Pháp dựng lên ở đó tượng đài chiến sĩ trận vong với ba người lính Pháp, dân gian gọi là tượng Ba Hình.

Đến năm 1965, tổng thống Việt Nam cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu cho đập bỏ tượng đài của người Pháp, xây hồ Con Rùa với mục đích được cho là trấn yểm.

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Tháp nước đầu tiên do người Pháp xây dựng ở vị trí hồ Con Rùa hiện nay – Ảnh postcard thời Pháp

Ngoài tháp nước ở hồ Con Rùa, nhiều thủy đài khác vẫn được xây từ thời Pháp thuộc đến khi Mỹ đến với mục đích hỗ trợ Nhà máy nước Thủ Đức (lấy nước từ sông Đồng Nai) cung cấp cho người dân Sài Gòn.

Những thủy đài này nằm rải rác ở góc đường Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (Q.11), hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh), Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), Phạm Phú Thứ (Q.6) và ngã tư Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành (Q.4).

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Thuỷ đài bỏ hoang trên đường Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4 – Ảnh: Hữu Khoa

Mặc dù công năng bị xem là kém hiệu quả và bị bỏ hoang đã lâu, nhưng hình ảnh những thuỷ đài Sài Gòn từ lâu đã in đậm trong tâm trí người Sài Gòn.

Những ai mới đến, nhìn những thuỷ đài như cây nấm khổng lồ “mọc” giữa đất Sài Gòn này nom có vẻ… kỳ cục. Nhưng chính vì sự khác lạ ấy mà họ lại nhớ lâu!

Giờ đây, bảy thủy đài bỏ hoang ở TP.HCM chuẩn bị đập bỏ, chỉ giữ lại một thủy đài ở trụ sở Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) làm di tích.

Thủy đài thời Pháp: chứng nhân điện - nước Sài Gòn một thuở
Thuỷ đài trên đường Tô Ký, Q.12, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Nhưng trên những đường phố như Pasteur, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hùng Vương…thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những trạm biến áp xây theo kiểu kiến trúc Pháp cổ có dòng chữ CEE – công trình của Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon.

Đó là dấu tích của câu chuyện nguồn điện – nước Sài Gòn một thời.