01/11/2024

Sau sinh, người mẹ dễ trầm cảm

Có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của bệnh này là 50%. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nhưng không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

 

Sau sinh, người mẹ dễ trầm cảm

 

Có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của bệnh này là 50%. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm nhưng không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

 

 

 

 

Sau sinh, người mẹ dễ trầm cảm
Sản phụ sau sinh không chỉ cần được chăm sóc sức khỏe về thể chất mà còn cả tinh thần – Ảnh: T.T.D.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà – trưởng khoa hậu sản M. Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, các rối loạn tâm thần ở người mẹ thường xuất hiện khoảng vài ngày đến sáu tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau.

Nhiều yếu tố 
gây trầm cảm

Chị N.T.T.L. (33 tuổi, TP.HCM) do hiếm muộn nên phải trải qua thời gian thụ tinh trong ống nghiệm. Khi đậu thai, chị lại luôn sống trong tâm trạng lo lắng, bất an vì sợ con bị dị tật.

Năm 2011, sau khi sinh con xong chị L. bị rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, sợ con, thậm chí có lúc chị muốn giết con nhưng chị không đi bệnh viện khám bệnh. Được gia đình an ủi, động viên nên tình trạng này có giảm đi.

Tuy nhiên, năm 2013 khi bà nội mất, chị L. lại xuất hiện tình trạng ám ảnh về cái chết, hay sợ, mất ngủ. Một tuần sau bà nội mất, con chị lại bệnh nặng nên triệu chứng trầm cảm của chị bộc phát mạnh hơn. Chị tưởng tượng ra đủ thứ đáng sợ. Đêm chị không ngủ được, có lúc muốn giết con, không muốn sống…

Từ năm 2013 đến tháng 5-2016, chị L. đến một số phòng mạch tư, phòng khám đa khoa tư nhân, kể cả bệnh viện lớn khám bệnh.

Có nơi chẩn đoán chị bị stress, căng thẳng thần kinh, có nơi chẩn đoán bị viêm xoang, nhiễm giun, có nơi chẩn đoán chị bị trầm cảm rồi kê toa thuốc uống nhưng tình trạng bệnh cứ tái diễn. Bác sĩ này khuyên chị nên đến Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP khám bệnh nhưng chị không đến…

Theo TS.BS Hồ Tống Tiễn – cán bộ giảng dạy Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, một nghiên cứu cho thấy khoảng 4% dân số VN bị trầm cảm. Tỉ lệ nữ mắc bệnh thường cao gấp hai lần nam giới ở tuổi trưởng thành.

Rối loạn trầm cảm sau sinh có thể đến 11-20% phụ nữ sinh đẻ. Hậu quả không những bệnh nhân tự tử (25%) mà còn có thể giết chết con mình (một thống kê ở Mỹ cho thấy có 8/100.000 trẻ dưới 1 tuổi bị giết).

Nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh có nguy cơ trầm cảm tăng vì quá trình mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con tiềm ẩn chuỗi stress tâm lý.

TS Thu Hà cho biết thêm ở dạng trầm cảm nhẹ, sau khi sinh khoảng 3-4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khoẻ của con và của bản thân, khóc lóc vô cớ… Nếu trầm cảm nặng, từ lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác.

Về nguyên nhân trầm cảm sau sinh, TS Thu Hà cho biết mâu thuẫn (tài chính) trong gia đình không được giải quyết triệt để trước và sau khi sinh cũng có thể gây trầm cảm cho bà mẹ. Chưa kể thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, mặc cảm tự ti vóc dáng, da dẻ…, không có ai bên cạnh chia sẻ, bị bạo hành gia đình… cũng có thể gây trầm cảm sau sinh.

Cần phát hiện sớm

Theo TS Thu Hà, trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ: buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần. Vì thế việc phát hiện sớm các dấu hiệu trầm cảm giúp ích rất lớn trong quá trình điều trị.

Gia đình, đặc biệt là người chồng, cần gần gũi, chia sẻ và động viên vợ. Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu được sự giúp đỡ của gia đình người mẹ có thể phục hồi nhanh chóng.

Cần lưu ý khi bị trầm cảm, người mẹ không được khỏe nên cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, gia đình cần sắp xếp để lúc nào cũng có một người thân tin tưởng ở bên cạnh.

Ngoài ra, một bầu không khí thoải mái, vui vẻ trong gia đình, một thái độ quan tâm ân cần, những lời nói tích cực và chế độ ăn uống thích hợp, cũng như có sự chia sẻ trong việc chăm sóc em bé sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp các bà mẹ vượt qua được những khủng hoảng dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.

Về phía nhân viên y tế cần động viên, gần gũi và chia sẻ với thai phụ về cuộc chuyển dạ và chăm sóc bé sau sinh. Hướng dẫn thai phụ về việc nuôi con bằng sữa mẹ để tăng tình cảm mẹ con.

Về điều trị, TS Tống Tiễn cho biết trầm cảm sau sinh có thể điều trị hiệu quả khi được bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm điều trị. Khi bị bệnh, bệnh nhân có thể đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tâm thần. Không nên khám ở phòng khám chung nội khoa vì sẽ mất cơ hội được điều trị đúng, đủ ngay từ đầu.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

* Suy nhược cơ thể: mệt mỏi triền miên, thờ ơ việc nhà, cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần, có khi khóc cả ngày không có lý do; cảm giác bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi.

* Lo lắng: cảm giác bị bệnh và luôn than phiền về sức khoẻ. Cảm thấy đau dữ dội (thường than đau đầu, cổ, lưng, ngực hoặc tim) nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân…

* Hoảng hốt: với những tình huống xảy ra hằng ngày và khó bình tĩnh lại.

* Căng thẳng: có cảm giác như muốn nổ tung ra.

* Cảm giác bị ám ảnh: bị ám ảnh về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Có khi sợ hãi hoặc đi kèm với cảm giác tội lỗi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.

* Mất tập trung: khó tập trung đọc sách, xem tivi hay trò chuyện bình thường, cảm thấy trí nhớ kém.

* Rối loạn giấc ngủ: rất khó ngủ hoặc không ngủ được, ngủ không liên tục.

* Tình dục: mất hứng thú tình dục thường kéo dài một thời gian.

LÊ THANH HÀ ([email protected])