23/12/2024

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”

Sau ngày thống nhất đất nước, tại thủ đô Hà Nội, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (cuối tháng 6-1976) đã có nghị quyết đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

 40 NĂM GỌI TÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – KỲ 1:

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”

 

Sau ngày thống nhất đất nước, tại thủ đô Hà Nội, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (cuối tháng 6-1976) đã có nghị quyết đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”
Khu trung tâm TP. HCM bây giờ – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Như vậy đến nay, tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh đã có tuổi đời 40 năm (1976-2016), nhưng thật ra trước đó rất lâu cụm từ TP Hồ Chí Minh đã được nhắc đến nhiều lần.

Cho đến nay, diễn biến tại Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975 đã được tường thuật chi tiết từ nhiều nhân chứng có mặt ở thời khắc quan trọng đó, từ việc đại tướng, tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, tiếp theo là tiếng nói của thủ tướng Vũ Văn Mẫu, rồi đại diện phía cách mạng lúc bấy giờ là trung tá Bùi Văn Tùng tuyên bố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh…

Tuy nhiên, trong đoạn băng ghi âm buổi phát thanh đặc biệt này còn có giọng nói của một người miền Trung, ông Nguyễn Hữu Thái, lúc bấy giờ là cựu chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”
Ông Nguyễn Hữu Thái – Ảnh: L.Đ.

Hồi ức của ông Thái

Ông Thái có mặt trong dinh Độc Lập vào buổi sáng 30-4 lịch sử ấy, và cùng với đoàn người từ dinh Độc Lập đi sang Đài phát thanh để phát đi lời tuyên bố giải phóng Sài Gòn.

Trên sóng phát thanh trưa ấy, giọng ông Thái vang lên đầu tiên: “Chúng tôi là những người đại diện cho Uỷ ban Nhân dân cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12g và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái.

Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi, nay đã được giải phóng. Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền về vấn đề đầu hàng ở thành phố này”.

Và như đã biết, sau lời giới thiệu này thì giọng của ông Dương Văn Minh vang lên đọc lời tuyên bố đầu hàng. Một nhân chứng nữa là TS sử học Nguyễn Nhã đã kịp nhấn nút ghi âm những gì Đài phát thanh Sài Gòn đang phát vào lúc đó.

Tuy nhiên, dường như mọi người không để ý một chi tiết: trong phần giới thiệu của ông Nguyễn Hữu Thái có cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh”, mấy chữ này chỉ được nhắc thoáng qua trong câu “Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi, nay đã được giải phóng”.

Có thể nói, cho đến trưa 30-4-1975, đây là lần đầu tiên tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện công khai trên sóng phát thanh.

Vấn đề là cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” đã từ đâu mà xuất hiện trong đầu ông Nguyễn Hữu Thái, để đến lúc lên sóng phát thanh nói mấy lời giới thiệu trước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì bỗng bật ra như vậy?

Đem câu hỏi này đến gặp kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trong một ngày đầu tháng 5-2016, ông thừa nhận: Hồi đó ở Sài Gòn, dù là trong các phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh hoặc trong các hoạt động của chúng tôi, không hề có ai nhắc đến cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” cả.

Hỏi: Như vậy thì cái ý nghĩ về Thành phố Hồ Chí Minh từ đâu xuất hiện trong ông? Ông Thái trả lời: Hồi đó mình nói vậy mà bây giờ xem lại thấy hợp lý, đó là vì tiếp theo cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh”, mình nói ngay “thành phố mà Bác Hồ mong đợi”, như vậy là trong suy nghĩ lúc bấy giờ tôi có nghĩ đến điều mong mỏi của Bác Hồ là giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước…

Hỏi: Nhưng ông đã từng nghe nhắc đến cụm từ “Thành phố Hồ Chí Minh” vào lúc nào trước đó chưa?

Đến đây thì ông Thái thừa nhận rằng có thể trước đó ông đã nghe đến cái tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” rồi, nhưng cụ thể trong trường hợp nào thì ông không chắc lắm. Sau đó ông Thái khoanh vùng sự kiện và xác định rằng có thể vào giai đoạn ông bị giam ở nhà lao Tân Hiệp trong khoảng năm 1966 – 1968.

Ông nói: “Lúc này tôi ở chung với mấy ông già Việt Minh và chắc là trong những ngày tháng ở tù đó, mấy ông Việt Minh trong lúc tà tà kể cho tôi nghe nhiều chuyện, đã nhắc đến cái ý tưởng là sẽ đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh”.

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”
Ông Lê Văn Nuôi – Ảnh: tư liệu

Vào khoảng 1g sáng 1-5-1975. Đang ngủ chập chờn trong chuồng cọp, tôi bật choàng dậy vì tiếng kêu la của nhiều người vẳng lại theo gió biển nhiều lần: Hoan hô thành phố Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng! Hoan hô, hoan hô!…

Hồi ức của ông Lê Văn Nuôi

Ông Nuôi từng là chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, sau năm 1975 là bí thư Thành đoàn TP.HCM. Ông kể:

“Vào năm 1971 lúc 19 tuổi, tôi bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam tại Tổng nha cảnh sát quốc gia, rồi ba tháng sau chuyển qua giam nhà tù Chí Hòa – Sài Gòn. Đầu năm 1975, tôi và 30 anh em sinh viên học sinh cùng hàng ngàn “tù chính trị” – là các chú, anh chị hoạt động cách mạng chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn – bị đày ra Côn Đảo.

Vừa đặt chân lên Côn Đảo, mỗi người chúng tôi bị lùa vào phòng thẩm vấn, phải trải qua những trận tra tấn khốc liệt để chỉ trả lời một câu hỏi của những viên cai tù: “Mầy chống hay không chống chào cờ?” (lá cờ nền vàng ba sọc đỏ của chính quyền Sài Gòn thời đó) – như một cuộc thi về giữ gìn “khí tiết” của người hoạt động cách mạng.

Trước khi bị bắt, tôi được các anh chị lãnh đạo Thành đoàn thông báo là Trung ương Đảng CSVN vào khoảng năm 1964 đã ra nghị quyết về “Bảo vệ khí tiết của đảng viên CS hoạt động trong miền Nam”; trong đó quy định đảng viên CS khi bị bắt giam không được chào lá cờ của chính quyền Sài Gòn vì lá cờ đó tượng trưng cho một chế độ áp bức nhân dân…

Tôi đã được kết nạp vào Đảng từ năm 18 tuổi. Khi bị bắt giam suốt năm năm, từ nhà tù Chí Hòa đến Côn Đảo, tôi phải phấn đấu chịu đựng đòn roi bầm dập của “thợ tra tấn” để gìn giữ khí tiết cách mạng của người đảng viên.

Tôi là một trong số nhiều anh em “thi đậu” qua cuộc thi “chống chào cờ” nên “được” áp tải về giam tại trại 7 – với hàng trăm “chuồng cọp” khắc nghiệt nổi tiếng thế giới – nơi biệt giam những tù chính trị chống chào cờ.

Bất ngờ trong ngày “tuyên bố đầu hàng”
Trụ sở hành chính mang tên TP Hồ Chí Minh 40 năm nay – Ảnh: Hữu Thuận

Vào khoảng 1g sáng 1-5-1975. Đang ngủ chập chờn trong chuồng cọp, tôi bật choàng dậy vì tiếng kêu la của nhiều người vẳng lại theo gió biển nhiều lần: “Hoan hô thành phố Sài Gòn – Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng! Hoan hô, hoan hô!…”.

Đứng trên vai một thằng bạn, tôi nghễnh tai vào mấy chấn song sắt sát nóc chuồng cọp để nghe cho rõ lời hoan hô đó.

Một tiếng sau, có ánh đuốc bập bùng tiến về khu chuồng cọp. Một nhóm anh chị ở trại giam kế bên đã tự thoát ngục trước, thông báo tin trên và kéo đến khu trại 7 cùng chúng tôi phá cửa ngục ra ngoài…”.

_________

Kỳ tới: Đặt tên TP.HCM trong phong trào đấu tranh đô thị

LAM ĐIỀN