24/12/2024

Năm 2025 Hà Nội sẽ cấm xe máy ?

Sau nhiều lần đưa ra ý tưởng về hạn chế phương tiện cá nhân không thành công, Hà Nội một lần nữa đưa ra xin ý kiến mục tiêu định hướng đến năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân.

 

Năm 2025 Hà Nội sẽ cấm xe máy ?

Sau nhiều lần đưa ra ý tưởng về hạn chế phương tiện cá nhânkhông thành công, Hà Nội một lần nữa đưa ra xin ý kiến mục tiêu định hướng đến năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân.




Đề xuất hướng đến cấm xe máy vào năm 2025 ở Hà Nội bị cho là không khả thi ///  Ảnh: Ngọc Thắng

 

Đề xuất hướng đến cấm xe máy vào năm 2025 ở Hà Nội bị cho là không khả thiẢNH: NGỌC THẮNG


Tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội diễn ra hôm qua (27.6), trong dự thảo chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 – 2020”, Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu trọng tâm trong 5 năm tới TP sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông khung, đầu tư xây mới các bến xe khách liên tỉnh theo xu hướng hiện đại, tăng cường công tác quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng thêm các tuyến xe buýt cho phù hợp, tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân. Phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 – 25%, diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 – 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10 – 13% đất đô thị vào năm 2020. Đặc biệt, dự thảo đưa ra nhiệm vụ tăng cường phương tiện công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân, định hướng tới năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân.
Nhiều lần thất bại
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2003, khi lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây ùn tắc tại khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn lẻ theo biển số chẵn lẻ, riêng thứ bảy, chủ nhật lưu thông bình thường. Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng bị khai tử do vấp phải phản ứng của người dân và thiếu tính khả thi. Sau đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện quy định tạm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành, nhưng sau một thời gian ngắn thực hiện, phương tiện cá nhân vẫn không ngừng tăng và bị Bộ Tư pháp có ý kiến, HĐND TP.Hà Nội cũng đã bãi bỏ quy định này.
 
 
Năm 2025 Hà Nội sẽ cấm xe máy ? - ảnh 1
Tới năm 2030 và xa hơn nữa thì xe máy mới dần bớt đi. Trong 10 năm tới cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng của 70 – 80% người dân. Tới năm 2025 xe máy có lẽ vẫn là phương tiện quan trọng của 30 – 40% người dân để kiếm sống

Năm 2025 Hà Nội sẽ cấm xe máy ? - ảnh 2
 
TS Nguyễn Xuân Thuỷ
 

Trong các kỳ họp gần đây, HĐND TP cũng đã 2 lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó đề cập đến hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Hiện tại, theo thống kê của Phòng CSGT, Công an Hà Nội, lượng phương tiện cá nhân của Hà Nội vẫn gia tăng mạnh qua các năm. Bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000 – 22.000 xe máy, 6.000 – 8.000 ô tô. Hiện Hà Nội có 5,5 triệu phương tiện, trong đó 535.000 ô tô và hơn 4,9 triệu mô tô đăng ký, chưa tính số lượng xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn đang lưu thông trên địa bàn.

Là người ủng hộ quyết liệt việc cấm xe máy tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo TS Lương Hoài Nam – chuyên gia giao thông, bình quân 1 km đường ở Hà Nội “gánh” hơn 70 ô tô và gần 700 xe máy, đường TP.HCM “gánh” gần 140 ô tô và gần 1.900 xe máy. Theo ông Nam, định hướng phát triển đô thị hiện đại cần hạn chế cả ô tô cá nhân và xe máy, tập trung phát triển các loại giao thông công cộng. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, lộ trình từng bước hạn chế và tiến tới cấm hoàn toàn xe máy dài 10 năm tính từ ngày công bố đến ngày loại bỏ xe máy hoàn toàn, còn lộ trình cấm xe máy thành công tại Quảng Châu chỉ dài 7 năm.
“Cần đặt một mục tiêu rõ ràng cho Hà Nội, TP.HCM trở thành những đô thị hiện đại, với nền giao thông công cộng là chủ yếu và không có xe máy. Nhanh thì sau 10 năm, từ 2027, chậm thì 15 năm, từ 2032. Gia đình tôi đang sử dụng xe máy là chủ yếu, nhưng nếu nhà nước bảo 10 – 15 năm sau sẽ cấm xe máy, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ, vì chắc chắn đến lúc đó sẽ có đủ giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh thay thế xe máy”, ông Nam chia sẻ.
Chưa khả thi
Lộ trình cấm xe máy luôn được đặt song song cùng với giải pháp phát triển phương tiện công cộng, tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển các tuyến vận tải công cộng của Hà Nội cũng như TP.HCM đang rất ì ạch. Ngoại trừ xe buýt, các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị (metro) đều đang rất chậm chạp và có nguy cơ vỡ quy hoạch. Đây là lý do nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi đưa ra lộ trình hạn chế xe máy: Người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì?
Góp ý cho lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, Bí thư Q.Thanh Xuân (Hà Nội) Vũ Cao Minh cho rằng bên cạnh xe máy cá nhân, người dân đang chuyển sang dùng xe đạp điện và xe máy điện. Theo ông Minh, cần bổ sung chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân, trong đó có xe máy, xe đạp điện, xe máy điện… Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng trong quy hoạch vận chuyển hành khách công cộng, đóng vai trò chủ lực vẫn là xe buýt (đường sắt dự kiến chỉ đáp ứng được 1 – 3% nhu cầu đi lại). Cho rằng số lượng đầu xe buýt hiện tại của TP nhiều năm qua vẫn dừng lại ở con số 1.000 chiếc là quá ít, trong khi nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân vẫn còn rất cao, ông Thường cũng đề nghị nhanh chóng xây dựng đề án phát triển xe buýt, tăng số lượng đầu xe, luồng tuyến lên gấp 1,5 – 2 lần hiện nay.
Theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, việc cấm xe máy trong khu vực nội đô vào năm 2025 thiếu cơ sở thực tế, vì tới thời điểm năm 2016 xe buýt Hà Nội mới đảm đương được 8 – 10% nhu cầu. Trong 9 năm tới, có thể thêm được 2 – 3 tuyến metro như Cát Linh – Hà Đông hay Nhổn – ga Hà Nội, vẫn chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu đi lại. “Tới năm 2030 và xa hơn nữa thì xe máy mới dần bớt đi. Trong 10 năm tới cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng của 70 – 80% người dân. Tới năm 2025 xe máy có lẽ vẫn là phương tiện quan trọng của 30 – 40% người dân để kiếm sống”, ông Thuỷ nói.
Chuyên gia này cũng nêu vấn đề: Dự báo đến năm 2025 nếu thành công thì giao thông công cộng mới đạt 20%, vậy 80% còn lại người dân đi bằng gì, vẫn phải là xe máy và ô tô là chính. Nếu nội thành cấm xe máy thì người dân đi bằng gì là điều mà cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ. Cũng theo ông Thuỷ, các nước cấm được xe máy thành công vì từ những năm 1990 đã đảm đương được 40 – 50% phương tiện công cộng, có quyền dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy. “Chủ trương hạn chế xe máy về lâu dài là hợp lý, nhưng không thể làm nóng vội, lộ trình phải căn cứ thực tế trên các chỉ tiêu phát triển phương tiện công cộng”, ông Thuỷ đề xuất.
Hà Nội phấn đấu vào top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh
Tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa 16 hôm qua 27.6, Hà Nội đề ra một loạt các giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Theo đó, Hà Nội hướng tới cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh, công khai minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, đất đai, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%, thời gian đăng ký kinh doanh tối đa 2 ngày, thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày, cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư… Mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội sẽ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đạt 8,5 – 9%/năm; bình quân đầu người 140 – 145 triệu đồng/năm.

 

Mai Hà