Xả rác, tiểu bậy… tràn lan
Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, nhưng việc xử phạt để chấn chỉnh dường như bỏ ngỏ.
Xả rác, tiểu bậy… tràn lan
Tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM, hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, nhưng việc xử phạt để chấn chỉnh dường như bỏ ngỏ.
|
Và hậu quả là mùi xú uế bốc lên nồng nặc, khiến ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi. Những đống nước tiểu lênh láng chảy thành vũng, thấm cả xuống lòng đường. Tới độ lãnh đạo công viên Thống Nhất đã phải cắm biển “Khu vực cấm đái bậy” và cho giăng dây khoanh vùng cấm… Nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua. Lúc 10 giờ ngày 24.6, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, do mùi xú uế từ tiểu bậy, phía công viên Thống Nhất đã phải điều xe téc có gắn vòi rồng phun nước làm sạch…
Q.1 xử phạt gần 300 người tiểu bậy
Riêng đối với hành vi tiểu bậy nơi công cộng, trong số 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, duy chỉ có Q.1 ra quân xử phạt. Sau hơn 2 tháng (tháng 4.2016) Đội quản lý trật tự đô thị Q.1 đồng loạt ra quân, có gần 300 trường hợp bị lập biên bản.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết hằng ngày lực lượng quản lý đô thị thường xuyên tuần tra địa bàn, nếu phát hiện người tiểu bậy thì lập tức ghi hình để làm bằng chứng xử lý. Với lần vi phạm đầu tiên, mỗi trường hợp bị xử phạt 200.000 đồng. Chế tài kèm theo là bắt buộc người vi phạm phải dội nước nơi đã tiểu bậy. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng lên 300.000 đồng/lần, theo quy định tại điều 7, Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Sau khi Q.1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện. Nếu vẫn chây ì, Q.1 gửi thông báo đến nơi cư trú, đồng thời tiến hành cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người làm việc có hưởng lương theo quy định.
Cùng với chủ trương xử phạt tiểu bậy nơi công cộng, Q.1 mở đợt vận động cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí khi có nhu cầu.
Tân Phú
|
PGS-TS Phạm Thuý Loan, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc quốc gia: Cùng lúc giáo dục, phạt và đầu tư cho văn minh công cộng Người dân có xu hướng dửng dưng, không lên án hành vi thiếu văn minh nơi công cộng vì nó diễn ra quá nhiều. Trả lờiThanh Niên, PGS-TS Phạm Thúy Loan chia sẻ cách “chặn” xu hướng đó lại.
Người nước ngoài đến VN nhặt rác và nói, rác dọn hôm trước hôm sau lại xuất hiện. Những đoạn đường gốm kỷ lục Guinness sực mùi khai. Khách qua đường bị hắt nước. Các khu vệ sinh công cộng bẩn không tả nổi. Điều này có phải phổ biến và tràn lan trên đất nước hay không, hay nó chỉ là cá biệt?
Tất nhiên trong thành phố có chỗ này chỗ khác, trên toàn VN cũng có thành phố này thành phố khác, có những nơi cũng rất văn minh sạch sẽ. Nhưng khách quan mà nói thì những hiện tượng mất vệ sinh, thiếu văn hóa như trên là khá phổ biến, theo quan sát của tôi.
Ở Hội An, người dân nhắc nhau từng việc nhỏ. Không xả rác. Tuyệt đối không dùng túi ni lông ở Cù Lao Chàm. Có phải vì Hội An bé mà người ta có thể làm thế, và vì những thành phố khác lớn nên không thể giữ văn minh ứng xử hay không.
Hành vi của mỗi người, đặc biệt là những hành vi nơi công cộng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nền tảng giáo dục, trình độ văn hoá, thói quen vô thức, ý thức thái độ, các quy định pháp luật và cả bối cảnh – khung cảnh xung quanh.
Một người có được sự dưỡng dục tốt thì không vứt rác, không làm ô nhiễm không gian công cộng dù bất cứ hoàn cảnh hay điều kiện nào. Ví dụ ở Nhật Bản, nếu chưa có thùng rác thì họ sẽ cầm rác cho đến khi gặp thùng rác chứ không vứt rác hay tàn thuốc bừa bãi. Những cộng đồng nhỏ, có sự đồng nhất, có niềm tự hào địa phương như Hội An, Cù Lao Chàm cũng thuận lợi hơn so với những thành phố lớn.
Khung cảnh và bối cảnh cũng quan trọng. Chúng ta sẽ có xu hướng giữ vệ sinh nếu môi trường vốn sạch đang sạch và được giữ gìn sạch (lau dọn thường xuyên). Ngược lại, cũng là chúng ta thôi nhưng có thể vứt rác điềm nhiên nếu chúng ta thấy xung quanh đầy rác. Điều này tạo nên vòng xoáy khuếch đại tiêu cực: đã bẩn sẽ càng bẩn, bẩn đến mức không thể làm sạch được.
Như vậy, vấn đề giữ vệ sinh môi trường cần được can thiệp đồng thời ở nhiều cấp độ và lãnh địa: giáo dục ý thức cộng đồng, áp dụng chế tài pháp luật, và cả việc đầu tư để tạo ra những môi trường sạch sẽ có tác dụng chi phối hành vi người dân. Cả ba lãnh địa trên đều đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ và kiên trì của những nhà lãnh đạo đô thị. Khó nhưng không phải là không thể.
Hiện tại, việc phạt các hành vi đổ rác, xả rác bừa bãi được quy định trong Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tới giờ chưa có ai bị phạt vì hành vi đổ rác như vậy. Bà đánh giá điều này ra sao?
Để giám sát thực thi việc chế tài, xử phạt hành vi đổ rác cần nguồn lực con người để đảm bảo tính hiệu quả. Người giám sát thì ít, người đổ rác thì quá nhiều, có lẽ vì thế mà chúng ta “buông”. Ở đây, việc kết hợp công cụ pháp luật và việc xây dựng ý thức và văn hóa quan trọng ngang nhau.
Một số khu đô thị biệt lập, giá thành cao đang rất sạch. Liệu việc văn minh có liên quan đến thu nhập không?
Những nơi đó sạch vì luôn có người dọn dẹp và cư dân có thể chi trả cao cho phí dịch vụ, nên họ được một môi trường sạch sẽ. Một số nơi còn đào tạo cả người giúp việc của các gia đình trong khu để họ biết cách giữ vệ sinh, chẳng hạn không xả rác nơi công cộng, không vứt bỉm bên bể bơi sau khi thay cho trẻ em. Như vậy, họ kết hợp cả việc tạo môi trường sạch với xây dựng lối sống sạch.
Tôi nghĩ văn minh không có liên quan trực tiếp đến thu nhập. Nhưng cũng phải thừa nhận một logic chung là trong các xã hội phát triển hợp lý thì những người giàu có luôn là những người giỏi giang, tài ba và có văn hóa.
Ai cũng sẽ nói về chuyện giáo dục, tuyên truyền các hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng. Nhưng giáo dục tuyên truyền khó có hiệu quả ngay. Kinh nghiệm các nước ra sao, thưa bà?
Khi vẫn còn nhiều hoặc quá nhiều người thiếu ý thức, thì pháp luật là cực kỳ cần thiết. Ví dụ, ban đầu ở Singapore vứt rác ra đường bị phạt nặng, hàng trăm USD, và đến bây giờ thì không còn ai vứt rác nữa. Có thể do ban đầu là sợ bị phạt, rồi dần dà hình thành nên ý thức, thái độ tôn trọng vệ sinh chung.
Trinh Nguyễn
(thực hiện) |
Thanh Niên