‘Đồng phục’ làm méo mó di tích
Đi đâu cũng thấy đèn đá, lư hương đá trong di tích, như ‘đồng phục’ – nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói.
‘Đồng phục’ làm méo mó di tích
Đi đâu cũng thấy đèn đá, lư hương đá trong di tích, như ‘đồng phục’ – nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình nói.
Nhiều năm nghiên cứu mỹ thuật cổ, đi thăm các đình đền chùa, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình giật mình vì thời gian gần đây hầu hết di tích đều có bộ lư hương và hai chiếc đèn kiểu Nhật Bản. “Lư hương ở giữa, hai đèn đá xếp hai bên. Về hình thức, các đồ này khá giống nhau. Nó khiến các di tích có sự giống nhau đến mức nhàm chán”, ông Bình chia sẻ.
|
Một thành viên của hội di sản, ông Nguyễn Hoài Nam, cũng nhìn nhận “đi đến đâu cũng gặp lư hương đèn đá”. “Những di tích như thế nhiều lắm”, ông Nam nói và liệt kê sơ sơ di tích có tên có tuổi, có danh hiệu như chùa Thái Lạc (Hưng Yên), đình Yên Phụ, đình Hạ Hiệp (Hà Nội), đình Cao Đài (Nam Định)…
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Trang Thanh Hiền, xuất phát từ việc tránh thắp hương trong di tích làm hỏng tượng thờ, người ta nghĩ ra cách đặt lư hương ngoài trời. “Nhiều năm trước, người ta dùng lư hương bằng xi măng, giờ họ thay bằng đá và kêu gọi dân cung tiến. Người ta cũng không đặt lư hương không mà đặt cả bộ: chân đèn, tượng sư tử, tượng quan âm. Di tích này nhìn di tích kia rồi làm theo”, bà Hiền nói.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, “đồng phục” lư hương chân đèn đá này làm mất bản sắc di tích. Đình chùa tuy có một số quy tắc chung song vẫn phải có bản sắc riêng. “Cái hay của đình chùa Việt là làng nào to, giàu thì làm đình to chùa to. Làng nào nhỏ thì làm đình nhỏ chùa nhỏ. Làng nào nhiều tiền công đức thì tượng to thếp vàng, ít hơn thì thếp bạc, làng nào không có thì gỗ. Đấy là cái hay nhất của nghệ thuật Việt. Thế mà giờ tất cả thành một mẫu, mặc “đồng phục” cho đình chùa thì còn ra thể thống gì. Cái đẹp của nghệ thuật là bản sắc, riêng biệt. Đình làng này phải khác với đình của làng kia. Nó mới hay”, ông nói.
GS Trần Lâm Biền cho rằng, việc đặt bộ hiện vật này hoàn toàn không phù hợp với truyền thống VN. Cặp chân đèn hoàn toàn ngoại lai. Chưa kể, những lư hương cũng quá xấu. “Ngành văn hoá không tán thành cái đó và cũng đã có văn bản nhắc nhở các di tích rồi”, ông nói.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chất liệu đá rất cần sự điêu khắc bằng tay tài hoa, để nó bớt thô cứng và lạnh. Tuy nhiên, điều này không thấy trong bộ hiện vật tại các di tích thường bày. Chưa kể, tỷ lệ cao của chân đèn còn không phù hợp với tỷ lệ kiến trúc chùa Việt.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nhìn nhận thực trạng các nhà văn hóa nêu. “Toàn là đồ của dân cung tiến. Nó xấu”, ông nói và khẳng định: “Với các di tích đã xếp hạng, không được phép đưa hiện vật lạ vào. Đưa đèn đá, lư hương đá vào sẽ dẫn đến phạm luật vì chúng là các hiện vật không có trong hồ sơ gốc. Nếu đã đưa hiện vật lạ vào thì phải đưa ra. Tuy nhiên, với các di tích chưa có danh hiệu thì việc này hợp pháp nếu đã xin phép cơ quan quản lý”. Trả lời câu hỏi của PV ai sẽ giám sát việc đưa hiện vật lạ ra khỏi di tích đã xếp hạng, ông Phúc nói Bộ VH-TT-DL đã phân cho địa phương giám sát.
Trinh Nguyễn