25/12/2024

Nhà máy giấy Trung Quốc sắp hoạt động: âu lo môi trường nước

Người dân và các doanh nghiệp thuỷ sản hội viên tại ĐBSCL đang rất hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man (thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu

 

Nhà máy giấy Trung Quốc sắp hoạt động: âu lo môi trường nước

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) vừa có công văn gửi Quốc hội và Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường của Nhà máy sản xuất giấy Lee&Man tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang).

Theo đó, VASEP cho hay người dân và các doanh nghiệp thuỷ sản hội viên tại ĐBSCL đang rất hoang mang trước thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man (thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong).

Đây là một trong năm nhà máy giấy lớn nhất thế giới và lớn nhất VN. Công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) trong khi khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.

Nhà máy được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy).

Nếu xảy ra sự cố, lượng xút này đổ ra sẽ huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản ở sông Hậu và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực ĐBSCL (hiện chiếm trên 70% diện tích nuôi trồng thuỷ sản, 40% sản lượng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước).

Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký VASEP, cho rằng dự án này được đánh giá tác động từ năm 2007, nay đã lạc hậu so với những biến đổi của khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thay đổi mạnh mẽ những năm gần đây ở vùng ĐBSCL.

Do đó, VASEP đề nghị Quốc hội và Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án và chỉ đạo hoạt động giám sát xả thải của Nhà máy Lee&Man bao gồm cả đầu tư thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi.