23/12/2024

Giải pháp nào giúp người thân vượt qua ý định tự tử?

Mỗi năm VN có số người tự tử cao hơn 3-4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Làm sao ngăn chặn những cái chết đau lòng này? Chúng tôi giới thiệu một số giải pháp từ các chuyên gia.

 

Giải pháp nào giúp người thân vượt qua ý định tự tử?

 

Mỗi năm VN có số người tự tử cao hơn 3-4 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Làm sao ngăn chặn những cái chết đau lòng này? Chúng tôi giới thiệu một số giải pháp từ các chuyên gia.

 

 

 

 

minh hoa bai

 

 

Trong xã hội hiện nay, nhiều người chưa được trang bị kỹ năng ứng phó với khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, nhất là kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân.

Vì vậy, khi gặp vấn đề lớn khó giải quyết, cú sốc tinh thần khó vượt qua, trong tâm trí họ thường là hai từ “bế tắc”. Chính suy nghĩ “Mình không còn khả năng chi trả, mình không thể sống nổi thế này, mình không còn dám nhìn mặt ai, mình đã mất tất cả…” đẩy người ta đến cái chết.

Việc tự tử đôi khi là ý tưởng loé lên trong đầu người bị bế tắc và những trường hợp này rất khó kịp nhận ra. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trước khi tự tử có xuất hiện một số dấu hiệu tiềm tàng. Cần phải chú ý nhiều hơn đến người thân khi có một số biểu hiện sau:

– Hay dùng những từ ngữ thể hiện sự tuyệt vọng như: bế tắc, chịu không nổi, giải thoát…

– Hay nhắc đến chuyện chết chóc.

– Viết thư tuyệt mệnh.

– Giảm các mối tương tác với gia đình, tự cô lập bản thân.

– Không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây rất yêu thích.

– Thể hiện sự buồn chán, ôm đầu, rũ rượi, khóc bất thường.

– Không ngủ, không ăn.

– Hay im lặng, thẫn thờ nhìn vô hướng…

Khi nhận thấy những biểu hiện này, có ba biện pháp để giúp người thân khôi phục tinh thần, đó là:

* Thay đổi nhận thức: giúp họ xoá những suy nghĩ tiêu cực rằng “ta đã mất hết tất cả”. Thay vào đó bằng những suy nghĩ tích cực hơn.

Hãy cho họ biết trên đời này không có bế tắc, chỉ là mình chưa tìm ra cách giải quyết mà thôi. Chết đi không phải là hết, mà nỗi khổ sẽ để lại cho cả gia đình, cho những người thân yêu. Hãy giúp họ nhận ra họ vẫn còn tay chân, thời gian, mạng sống và gia đình. Cái đang thiếu chỉ là tiền hoặc chỉ mất đi một cơ hội. Thay vì cứ nghĩ mãi về món nợ, về cú sốc, hãy giúp họ nghĩ về những gì mình đang còn để tìm ra một hướng đi.

* Giải toả cảm xúc: hãy dành thời gian chia sẻ cảm xúc với người thân để giúp họ trút bớt gánh nặng trong lòng. Khuyến khích họ khóc, động viên họ nói ra cảm xúc đang chất chứa là cách để lòng nhẹ nhõm hơn. Giúp họ di chuyển cảm xúc đến những đối tượng vô hại (gào thét, xé giấy, đập phá những vật vô hại, vận động thể thao). Ngoài ra, hãy dẫn họ ra ngoài, tham gia hoạt động vui chơi, ngắm cảnh, xem phim truyền động lực, giúp người thân có thời gian thư giãn, giải trí để đầu óc tỉnh táo hơn.

* Tìm giải pháp hành động: giải quyết vấn đề là mấu chốt để giúp họ thoát khỏi trạng thái khủng hoảng lặp lại. Vấn đề còn, khủng hoảng sẽ còn. Hãy làm một “gia sư cuộc sống” để giúp người thân tháo gỡ những nút thắt vượt quá khả năng của họ. Hãy ghi ra tất cả những cách có thể giải quyết vấn đề ra giấy, càng nhiều càng tốt, có thể trong số đó sẽ có một cách ta áp dụng tốt. Ngoài ra, có thể đi hỏi ý kiến của người khác. Sự tỉnh táo của chúng ta có thể giúp ích khi người thân đang quẫn trí.

Nhiều người dễ rơi vào tình trạng trầm cảm một phần là do thiếu chỗ dựa về tinh thần. Gia đình ít gắn kết, ít quan tâm sẽ góp phần gia tăng nguy cơ tự tử. Khi gặp stress, nếu được cha mẹ lắng nghe, thầy cô chỉ bảo, vợ chồng chia sẻ… cảm xúc nặng nề được giải toả phần nào và họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Hơn nữa, nếu có bờ vai của những người yêu thương bên cạnh, người ta sẽ có một chỗ dựa tinh thần vững chắc, an ủi lớn cho những lúc gặp thất bại trong cuộc đời.

TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (trưởng bộ môn tâm lý học ứng dụng ĐH Sư phạm TP.HCM)  

* Phó giáo sư – tiến sĩ tâm lý Đỗ Ngọc Khanh (trưởng phòng tâm lý lâm sàng Viện Tâm lý):

Không nên tường thuật chi tiết các vụ tự tử

Hiện nay, một số trang mạng đăng tin bài quá chi tiết các vụ tự tử là không nên. Người đọc sẽ nhớ và có thể sẽ “bắt chước” hành động này vào hoàn cảnh tương tự. Việc mô tả tỉ mỉ cách thức tự tử như hỏa thiêu, treo cổ, dùng thuốc độc ra sao không chỉ làm tăng thêm nỗi đau cho người còn sống trong gia đình họ, mà còn góp phần “bình thường hoá” hiện tượng xã hội bi thảm này. Ngày nào người ta cũng đọc, đọc mãi, từ e sợ sẽ thấy dần thành chuyện thường và đến một lúc nào đó có thể lặp lại như vậy.

Theo tôi, chúng ta cần phải thực hiện khảo sát xã hội học đầy đủ về hiện trạng tự tử, để có nhận định chính xác mức độ, từ đó xây dựng hệ thống giải pháp hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là giải pháp ngăn ngừa hành động tiêu cực này xảy ra. Hoàn toàn có thể nhận biết sớm người đang le lói suy nghĩ sẽ tự tử hay đã lập kế hoạch cụ thể cho hành động tuyệt vọng.

Đó là một quy trình khoa học tâm lý từng bước đánh giá khả năng tự tử của đối tượng như có chán nản, không tin vào cuộc sống hay không; có bao giờ nghĩ đến việc sẽ tự chết; đã thực hiện hành vi nào; đã lên kế hoạch sẽ tự tử chưa?… Sau khi thực hiện quy trình đánh giá tâm lý, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp cho “tâm bệnh” này.

* Luật sư Tạ Ngọc Vân (người giúp đỡ hồi gia cho gần 500 cô gái là nạn nhân buôn bán người):

Xây dựng niềm tin giá trị bản thân

Từng giúp đỡ nhiều người có ý định tự tử như các cô gái bị cưỡng ép mại dâm, tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử, nhưng một đặc điểm chung luôn ẩn sâu trong họ là bị mất niềm tin vào giá trị bản thân. Các nguyên nhân này nọ là yếu tố trực tiếp khiến họ tuyệt vọng, nhưng khi họ phải chết là vì không còn tin vào giá trị bản thân của mình có thể giải quyết vấn đề.

Khi hỗ trợ tâm lý những người có ý định tự tử hay đã tự tử không thành, tôi thường dành nhiều thời gian gần gũi trực tiếp để họ có niềm tin vào tôi. Từ đó, họ sẽ cởi mở tâm sự giúp tôi hiểu nguồn gốc vấn đề. Mỗi người đang tuyệt vọng đều cần có cách tiếp cận tư vấn riêng, nhưng trọng tâm tôi luôn nhắm đến vẫn là xây dựng lại niềm tin giá trị bản thân cho họ.

Một cô gái định tự tử vì bị hiếp dâm, tôi cố gắng làm cho cô ấy hiểu rằng dù thế nào cô vẫn đẹp biết bao và luôn xứng đáng được yêu thương. Một người mẹ muốn tự tử vì mâu thuẫn gia đình, tôi luôn khẳng định giá trị bản thân cô ấy vẫn cần biết bao cho các con mình. Những đứa trẻ sẽ ra sao nếu mất mẹ?

QUỐC MINH ghi