02/11/2024

Xin đừng lãng phí

Hiện nay tình trạng lãng phí đang diễn ra khá phổ biến trong ngành giáo dục. Lãng phí ở nhiều mức độ khác nhau. Sự lãng phí ấy đã gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển của giáo dục nước ta, gây bức xúc cho phụ huynh…

 

Xin đừng lãng phí

 

Hiện nay tình trạng lãng phí đang diễn ra khá phổ biến trong ngành giáo dục. Lãng phí ở nhiều mức độ khác nhau. Sự lãng phí ấy đã gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển của giáo dục nước ta, gây bức xúc cho phụ huynh…

 

 

 

 

Xin đừng lãng phí
Các em nhỏ đang xem bộ thực hành toán lớp 2 tại một hiệu sách ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Duyên Phan

 

 

Dưới đây là hai trong số những sự lãng phí phổ biến hiện nay:

Thứ nhất: lãng phí về bộ thực hành

Đơn cử là thiết bị thực hành toán ở bậc tiểu học. Năm con tôi học lớp 1, vì bước vào năm học đầu tiên, nghe cô giáo chủ nhiệm nói mua bộ thiết bị thực hành lớp 1 nên gia đình chúng tôi liền mua cho cháu.

Suốt học kỳ 1 năm đó, thiết bị này chỉ sử dụng vài lần, nhưng ngày nào cháu cũng phải mang đến trường vì không biết ngày nào cần sử dụng.

Bước sang học kỳ 2, để tránh sự phiền phức cho con, chúng tôi không cho con mang bộ thực hành mỗi ngày nữa mà để ở nhà, gần như xếp xó vì không sử dụng tới. Cháu cho hay rất ít bạn trong lớp mang theo vì không sử dụng.

Vậy mà đến năm lớp 2 cô giáo chủ nhiệm lại dặn dò mua bộ này. Rồi cũng như lớp 1, bộ thực hành tiếp tục xếp xó.

Năm vừa rồi cháu học lớp 3, chúng tôi quyết định không mua. Khi vợ tôi đi họp phụ huynh đầu năm, đóng một số khoản tiền, nhưng nhà trường chỉ nói đóng chung chung chứ không nói cụ thể.

Mấy ngày sau cháu đi học về có mang theo bộ thiết bị này, hỏi ra mới hay nhà trường đã thu khoản tiền mua thiết bị, như vậy chẳng khác nào nhà trường kinh doanh. Cuối cùng, thiết bị thực hành cũng xếp xó, không sử dụng ngày nào.

Không chỉ trường con tôi học (ở Biên Hoà, Đồng Nai) mà trường con của bạn tôi học tại Long Thành hay TP.HCM đều mua thiết bị trên để rồi không sử dụng. Một sự lãng phí quá lớn nếu trên cả nước ta trường nào cũng áp dụng như thế!

Thứ hai: lãng phí vở bốn ô li

Trường con tôi hiện học lớp 2, năm học 2014-2015 này nhà trường để học sinh viết vở 4 ô li. Năm học vừa rồi con tôi lên lớp 3, cô hiệu trưởng mới chuyển về lại bắt học trò viết vở 5 ô li.

Tôi không hiểu việc bắt học trò viết vở 5 ô li là quy định của bộ hay quy định riêng của cô hiệu trưởng mới về?

Kết thúc năm học đó, những học sinh xếp loại khá, giỏi được phần thưởng là vở l ô li. Vậy là số vở từ phần thưởng ấy lại phải cất nhà mà không được sử dụng trong năm học mới tiếp theo.

Trong khi đó, khu phố lại trao phần thưởng cho học sinh giỏi, con tôi nhận được cả 10 quyển vở 4 ô ly, cũng bị xếp xó luôn vì không đúng quy định của trường.

Như vậy có thể giải thích như thế nào việc trường thì sử dụng vở 4 ô li, trường thì quy định vở 5 ô li. Thật phiền phức và lãng phí!

Nếu tính về mặt kinh tế, chục cuốn vở chẳng đáng bao nhiêu so với những gia đình bình thường. Nhưng đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, chục cuốn vở cũng là một bài toán đáng bàn (chưa nói đến các em ở vùng sâu vùng xa, có được cuốn vở mới đôi khi là cả một vấn đề).

Ngoài câu chuyện kinh tế, còn là việc công sức bị lãng phí: những bìa vở được bao bọc sẵn lại phải lột ra thay vào vở mới, tốn công đi tìm mua vở 5 ô li, gây lãng phí… Đặc biệt là gây bức xúc từ học sinh và phụ huynh vì việc nhà trường cứ thay đổi xoành xoạch…

Đó là hai sự lãng phí trong vô số thứ lãng phí khác khi mỗi nơi áp một kiểu, mỗi trường có những khoản thu khác nhau và vô số thứ vô lý khác mà phụ huynh phải theo nhà trường.

Chẳng lẽ mỗi năm một “đổi mới” cuốn vở, thước kẻ, sách vở, đồng phục mua ở trường? Chẳng lẽ hiệu trưởng thích quy định như thế nào thì phụ huynh và học sinh phải làm theo thế đó? Rồi nhiều khoản chi phí nhà trường tự đẻ ra để phụ huynh lại gồng gánh.

Một năm học mới lại sắp đến. Phụ huynh chúng tôi rất mong lãnh đạo ngành giáo dục – đào tạo rà soát từ trên xuống dưới những quy định bất hợp lý (cả từ trên bộ và các trường) đang tồn tại, để phụ huynh và học sinh bước vào năm học mới một cách thoải mái, nhẹ nhõm nhất…

THÁI HOÀNG