Đĩa nhạc Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar do Hãng đĩa Đức Glitterbeat phát hành, quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy của âm nhạc truyền thống VN.
Nhạc dân tộc VN ra thế giới
Đĩa nhạc Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar do Hãng đĩa Đức Glitterbeat phát hành, quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy của âm nhạc truyền thống VN.
Ian Brennan (Mỹ) là nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng thế giới với dòng nhạc world music. Ông đã giành giải thưởng âm nhạc Grammy và góp phần tạo dựng thành công cho Lucinda Williams, Ramblin’ Jack Elliott, Richard Thompson, Tinariwen, Malawi Mouse Boys… Còn Võ Vân Ánh là nghệ sĩ đàn dân tộc VN tên tuổi tại Mỹ. Chị đã sáng tác nhạc cho nhiều bộ phim được đề cử giải Oscar và nhận giải Emmy (2009). Họ đã gặp nhau trong ý tưởng với Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar, câu chuyện âm nhạc về những ký ức chiến tranh được thể hiện bằng chất liệu âm nhạc dân tộc VN.
Tờ The Guardian (Anh) đã có bài viết dài ngợi khen về Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar cùng những chia sẻ của Ian Brennan, Vân Ánh về việc cần giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống. “Đĩa nhạc giống như một cánh cửa để người ta bước vào chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sức mạnh của âm nhạc truyền thống VN, đồng thời nhìn thấy bản chất của âm nhạc như liều thuốc xoa dịu và an ủi cho những tàn khốc của chiến tranh”, bài báo viết.
Hanoi Masters: War is a wound, peace is a scar (Những nghệ sĩ bậc thầy Hà Nội: Chiến tranh là vết thương, hoà bình là vết sẹo) sẽ được giới thiệu tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế (World of Music, Arts and Dance – WOMAD) tại London (Anh) từ ngày 28 – 31.7 tới đây.
Võ Vân Ánh đã chia sẻ với The Guardian những nỗi ám ảnh về chiến tranh ngay chính trong gia đình: “Chị gái tôi sinh ra vào tháng 11.1972. Mẹ tôi vẫn kể cho chúng tôi nghe về những lần bà phải đưa cô con gái mới chào đời vào hầm trú ẩn trong suốt thời gian miền Bắc bị ném bom ác liệt”. Chị vẫn nhớ câu chuyện mẹ kể, sau khi tiếng còi báo động vang lên, mọi thứ trở nên im lặng đến ghê người và rồi tiếng máy bay xuất hiện trên bầu trời. “Đó là khoảnh khắc sợ hãi nhất của mẹ bởi mẹ biết rằng những quả bom cứ nối tiếp nhau được thả xuống”. Trong những năm tháng đó, âm nhạc giống như chỗ “ẩn náu” bình yên của gia đình chị. Cha của Vân Ánh vào chiến trường, biểu diễn động viên các chiến sĩ.
Đĩa nhạc gồm các bài hát: Hát văn, Hát hầu Cô Bơ, Xẩm huê tình, Xẩm thập ân, Hát lô hương, Trống cơm, Về quê (Phó Đức Phương sáng tác), Quê mẹ (Võ Tuấn Minh)… được thể hiện chủ yếu bằng những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị hồ, đàn K’ni. Ian Brennan và Vân Ánh đã cất công đi tìm những nghệ sĩ bậc thầy của làng nhạc truyền thống để cùng tham gia đĩa nhạc như Phạm Mộng Hải. Nguyễn Thị Lân, Xuân Hoạch, bên cạnh đó là hai nghệ sĩ Võ Tuấn Minh và Nguyễn Quốc Hùng. Một điều đặc biệt, hầu hết họ đều là những người đã trải qua thời kỳ chiến tranh, có người từng tham gia chiến đấu và trong số những nghệ sĩ ấy có cha của Vân Ánh. Sự lựa chọn này nhằm mục đích truyền tải bức thông điệp về hoà bình. “Những người nghệ sĩ đã đi qua cuộc chiến, hơn ai hết họ hiểu giá trị của hoà bình. Tiếng đàn của họ cũng chính là tiếng lòng của họ”, Vân Ánh nói.
Trả lời The Guardian, Ian Brennan đã bày tỏ sự kinh ngạc của anh trước âm thanh vô cùng độc đáo của những nhạc cụ VN. Đối với nhà sản xuất danh tiếng này, việc bảo tồn âm nhạc và những nhạc cụ truyền thống là việc cần thiết trước sự chiếm lĩnh của âm nhạc, nhạc cụ phương Tây trên toàn cầu. “Âm nhạc truyền thống phản ánh văn hoá, lịch sử và truyền thống. Do vậy đó là thứ âm nhạc nền móng, giống như cái gốc phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như một cái cây, để tồn tại, nó không chỉ cần có một cái rễ khoẻ mạnh mà còn phải học cách thích nghi với những điều kiện sống mới để cho ra những trái ngọt. Trong thời điểm hiện tại, công việc của những người nghệ sĩ bậc thầy có thể còn chưa được nhìn nhận đúng đắn, nhưng hãy hy vọng rằng, mọi người sẽ sớm nhìn thấy những giá trị vô giá của họ”, Vân Ánh nhìn nhận.