Bộ Y tế tuyên bố không cấm phenol trong thực phẩm
Chiều 13-6, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết như vậy.
Bộ Y tế tuyên bố không cấm phenol trong thực phẩm
Chiều 13-6, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết như vậy.
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long - Ảnh: L.ANH |
Ông Long nói:
– Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị mà chúng tôi nhận được, trong 6 mẫu cá nục thuộc lô hàng trên 25 tấn được kiểm tra có 1/6 mẫu có phenol hàm lượng 0,037mg/kg cá. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có kiến nghị lên UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy lô hàng.
Sáng 13-6, chúng tôi có cuộc họp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả xác định là phenol không có trong danh sách các chất cấm.
Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu dừng lưu thông lô hàng này và cho lấy tiếp mẫu, gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Trường hợp kết quả không cao hơn hàm lượng đã phát hiện tại Quảng Trị, không ảnh hưởng tới sức khoẻ sẽ cho lưu thông.
Cuối tuần qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng trị khẳng định phenol là chất cực độc, chất này cũng có mặt trong sản phẩm công nghiệp và có gây ảnh hưởng tới sức khoẻ…
Hiện chưa có bằng chứng phenol gây ra ung thư, nên Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế và cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp phenol vào nhóm chất gây ung thư.
Liều gây chết 50% đối với sinh vật thử nghiệm là 300-600mg/kg thể trọng nhưng hiện chưa có cơ quan nào quy định giới hạn phenol, ngoại trừ Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hằng ngày chấp nhận được của cơ thể người là 0,18mg/kg thể trọng.
Như vậy, với trọng lượng cơ thể người VN bình thường khoảng 50-60kg và hàm lượng phát hiện được trong cá là 0,037mg/kg cá, mỗi ngày mỗi người ăn 200 gam cá nục trong lô hàng kể trên là không ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Phenol là một chất rắn/dạng dung dịch không màu hoặc màu trắng, có thể tổng hợp được hoặc có trong tự nhiên và được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có trong nước, không khí hoặc ngay trong nước ngầm. Người ta có thể bị phơi nhiễm phenol qua nhiều đường, như không khí (hít thở), qua đất, nước hoặc môi trường làm việc (môi trường sản xuất nilông, nhựa…).
Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán, thịt rán, hoặc có tự nhiên trong dâu, cà chua, táo, đậu phộng (lạc), ca cao, nho đỏ, sữa.
* Lô hàng này được đánh bắt xa bờ và có chứng nhận an toàn, nhưng thực tế là nhiễm phenol. Theo ông, chứng nhận đánh bắt xa bờ, an toàn như vậy có đảm bảo?
– Đúng, đây là lô cá được đánh bắt xa bờ và chúng tôi đã hỏi bên nông nghiệp xem họ xác định nguồn gốc. Thực tế xét nghiệm 7 loại kim loại nặng trong cá đều không có vấn đề gì. Chúng tôi đề nghị họ vẫn tiếp tục lấy mẫu cá trên thị trường để kiểm tra, trường hợp nào khó có thể gửi các viện chuyên môn ở Hà Nội, TP.HCM để xác định.
* Ông nói phenol không gây ung thư, nhưng những ảnh hưởng sức khỏe khác mà phenol gây ra là gì?
– Phenol không có trong danh mục chất cho phép dùng, nhưng không có nghĩa thực phẩm không có phenol. Nhưng nếu phơi nhiễm phenol ở hàm lượng cao, phenol sẽ làm bỏng/hỏng da, gây phá huỷ ruột và nhiều ảnh hưởng khác.
Ngành y tế Quảng Trị vẫn khẳng định phenol là chất cấm Ngày 13-6, ông Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết vào sáng cùng ngày đơn vị này vừa cùng với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Trị lấy thêm các mẫu cá trong lô cá nục suôn 25 tấn tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc (trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) để gửi ra trung ương kiểm nghiệm. Chiều cùng ngày, ngành y tế Quảng Trị đã có văn bản gửi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Văn bản nói rõ các căn cứ để ngành y tế Quảng Trị khẳng định chất phenol không thể được phép có trong thực phẩm. Trước thông tin lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vừa cho rằng chất phenol có thể được dùng trong thực phẩm ở hàm lượng cho phép, ông Thành một lần nữa khẳng định ngành y tế Quảng Trị vẫn giữ quan điểm rằng phenol là chất độc, không được phép có trong thực phẩm. “Chất này chỉ gây ngộ độc cấp khi uống nhầm hoặc tự tử. Còn với hàm lượng nhỏ như thế này vẫn sẽ gây những ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ người sử dụng về lâu dài” – ông Thành nói. |