Liệu pháp tế bào gốc do nhóm các bác sĩ Mỹ thực hiện đã có thể đảo ngược các triệu chứng sau cơn đột quỵ: bệnh nhân có thể đi lại, nói chuyện và sinh hoạt bình thường.
Đảo ngược các triệu chứng đột quỵ
Liệu pháp tế bào gốc do nhóm các bác sĩ Mỹ thực hiện đã có thể đảo ngược các triệu chứng sau cơn đột quỵ: bệnh nhân có thể đi lại, nói chuyện và sinh hoạt bình thường.
Trong lúc nghiên cứu hiệu quả của tế bào gốc bơm trực tiếp vào não các bệnh nhân đột quỵ, nhóm chuyên gia của Đại học Stanford bất ngờ phát hiện liệu pháp này có thể khôi phục chức năng vận động ở một số bệnh nhân. Cuộc nghiên cứu chỉ được triển khai ở quy mô nhỏ với 18 người, và mục tiêu ban đầu là kiểm định vấn đề an toàn của liệu trình này chứ không phải nhắm vào hiệu quả, song kết quả thu được đã tạo nên sự chấn động không nhỏ trong cộng đồng khoa học thần kinh vì đi ngược lại với kiến thức cốt lõi lâu nay về thương tổn não, vốn cho rằng não bị tổn thương là vĩnh viễn và không khắc phục được.
Theo báo cáo trên chuyên san Stroke, cuộc nghiên cứu trên có thể trang bị những hiểu biết mới trong nỗ lực điều trị các rối loạn bao gồm chấn thương não, tổn thương tuỷ sống và chứng Alzheimer nếu kết quả được xác nhận trong cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn.
Các nhà giải phẫu thần kinh của Mỹ đã tiêm trực tiếp tế bào gốc vào gần vùng não bị tổn thương do đột quỵ. Cách này đã giúp bệnh nhân dần dần hồi phục, có thể đi lại và nói chuyện được.
Theo tờ The Washington Post, những bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm ban đầu đều đã quá ngưỡng 6 tháng, thời điểm cơ thể khó có thể hồi phục sau chấn thương não. Các chuyên gia cho rằng nên ngưng mọi liệu pháp trị liệu sau nửa năm vì sau giai đoạn này các mạch máu não được cho là đã chết và không thể nào khôi phục. Mỗi bệnh nhân bị đột quỵ ở lớp vỏ não bên ngoài, kéo theo hậu quả là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển tay chân. Một số người đã bị tình trạng này từ 3 đến 5 năm trước khi bước vào cuộc thử nghiệm. Liệu pháp mới chỉ được thực hiện một lần duy nhất, theo đó các bác sĩ giải phẫu khoan một lỗ xuyên sọ và tiêm các tế bào gốc vào một số vị trí xung quanh khu vực bị tổn hại sau đột quỵ. Những tế bào gốc này được khai thác từ tủy xương của người hiến trưởng thành. Nghe qua có vẻ nghiêm trọng, nhưng quá trình này khá đơn giản nếu so với các cuộc phẫu thuật não bình thường. Bệnh nhân tỉnh táo trong toàn bộ thời gian và về nhà trong ngày.
Sau phẫu thuật, họ trải qua một số tác dụng phụ như nhức đầu tạm thời, chóng mặt và ói mửa. Một bệnh nhân bị tràn dịch và các bác sĩ phải tiến hành hút khô, nhưng người bệnh cũng đã hồi phục. Kế đến, những người tình nguyện được kiểm tra sau 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng, bằng cách phương pháp chụp ảnh não và đánh giá năng lực nói năng, thị lực, vận động, cũng như các khía cạnh khác về chức năng sinh hoạt thường ngày. Gary Steinberg, trưởng nhóm nghiên cứu và là trưởng khoa phẫu thuật thần kinh của Đại học Stanford, cho hay trong khi tỏ vẻ thận trọng về kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu quy mô nhỏ, nhóm của ông hoàn toàn ngạc nhiên khi phát hiện có đến 7 trong số 18 bệnh nhân hồi phục đáng kinh ngạc theo sau cuộc điều trị mau chóng.
Không giống như hình thức của các chứng rối loạn thị giác khác, mù lòa dường như không thể chữa được bằng cách phẫu thuật hay đeo kính.
Theo trưởng nhóm Steinberg, cuộc nghiên cứu không ủng hộ giả thuyết cho rằng tế bào gốc được tiêm vào sẽ trở thành dây thần kinh mới, mà thay vào đó chúng dường như đã kích hoạt một số quy trình hoá sinh, giúp củng cố năng lực tự chữa lành của não bộ. Mục tiêu kế tiếp của nhóm chuyên gia Stanford là tổ chức một cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn, với sự tham gia của 156 bệnh nhân. Họ hy vọng có thể thu được kết quả sớm nhất là trong 2 năm nữa.